Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ năm, ngày 03/08/2023

(BDO) Những giá trị nổi bật

Tham dự lễ công bố có đại diện Bộ VHTT&DL; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và TP.Dĩ An.

Đình Dĩ An là một trong những ngôi đình có lịch sử tồn tại lâu đời, được hình thành vào khoảng năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837), gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất và con người Dĩ An. Đây là một ngôi đình cổ, có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Lộc (bìa phải) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo địa phương và Ban Quản lý đình Dĩ An. Ảnh: HỒNG THUẬN

Ông Trịnh Văn Xuân, Trưởng ban Quản lý đình Dĩ An, cho biết hàng năm, tại đình Dĩ An diễn ra nhiều lễ cúng, trong đó Lễ hội Kỳ yên là nghi lễ quan trọng nhất. Lễ hội Kỳ yên trước là dịp để người dân địa phương bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thần đã có công bảo vệ xóm làng và cầu xin các vị thần ban phước lộc để được mạnh khỏe, bình an, may mắn trong cuộc sống; sau nữa là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống. “Thông qua lễ hội, người dân địa phương thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong công tác chung của làng xã, giúp cho việc cố kết cộng đồng được bền chặt hơn. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn và văn hóa truyền thống của địa phương”, ông Xuân nói.

“Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” là DSVH phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Dương đã được công nhận. Các DSVH được công nhận trước đó, gồm: Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm ở Bình Dương, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà và Lễ hội Kỳ yên đình Tân An.

“Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được xem là một trong những lễ cúng đình đầy đủ, quy mô nhất và là một trong số ít các lễ hội cúng đình ở Bình Dương còn giữ được đầy đủ các giá trị truyền thống. Theo thông lệ, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được tổ chức vào ngày 15 và 16-11 âm lịch hàng năm. Năm đáo lệ sẽ tổ chức đại lễ lớn hơn (kéo dài từ ngày 15 đến 18-11 âm lịch), chương trình hành lễ của đình trải qua 22 nghi thức cúng tế (chưa kể các hoạt động của đoàn hát bội, lân sư rồng, hẩu…). Các nghi thức này luôn được Ban Quý tế đình thực hiện đầy đủ, chỉn chu, theo đúng tính chất truyền thống, trong đó có những nghi thức nay ít gặp trong lễ cúng đình.

Sự hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa trong các đối tượng cử lễ đa dạng, tập trung quanh thần Thành Hoàng và những sinh hoạt văn hóa dân gian có pha lẫn màu sắc cung đình đã làm cho “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” trở thành là một lễ hội cổ truyền quan trọng của cư dân địa phương. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn liền với lễ hội này, ngày 2-2-2023, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” đã được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ban hành quyết định đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.

Nghinh sắc Thần - một trong những nghi thức quan trọng nhất của “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được tái hiện lại tại lễ công bố

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

“Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia thể hiện sự ghi nhận và trân trọng của Nhà nước đối với lễ hội này. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân phường Dĩ An và TP.Dĩ An nói riêng, mà còn là niềm vui chung của cả tỉnh. Sự công nhận này đã chứng tỏ “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” rất giá trị, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.

Giá trị của DSVH đã được công nhận, nhưng điều quan trọng sau lễ công bố này là làm gì để những giá trị đó được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Lộc đã đề nghị Sở VHTT&DL, Đảng bộ, chính quyền TP.Dĩ An quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” nói riêng và DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh nói chung; phối hợp xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá DSVH trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, huyện, thị, thành phố, đa dạng hóa các hình thức để DSVH truyền thống đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là công tác luôn được ngành VHTT&DL quan tâm thực hiện. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các DSVH. Sở cũng sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về các DSVH trên địa bàn tỉnh, trong đó có các DSVH phi vật thể đã được công nhận để từ đó thêm trân quý những giá trị DSVH mà cha ông ta để lại, cùng chung sức giữ gìn, phát huy giá trị DSVH trong đời sống cộng đồng.

Đình Dĩ An là một trong những ngôi đình có lịch sử tồn tại lâu đời, được hình thành vào khoảng năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837), gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất và con người Dĩ An. Đây là một ngôi đình cổ, có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2019.

HỒNG THUẬN