(BDO) Nhờ dự đoán trước tình hình, có phương án bảo đảm an ninh trật tự nên Lễ hội Rằm Tháng Giêng (LH RTG) năm 2011, mà cao điểm là đêm 14 và lễ rước kiệu bà chiều nay (17-2) đã diễn ra an toàn, lành mạnh. Đến với LH, du khách đều muốn cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc, thành công.
>>> Ấn tượng đẹp về Lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương
>>> Lễ hội chùa Bà
Đêm 14 đến hết ngày Rằm Tháng Giêng là chính lễ của LH RTG ở Bình Dương. Ở các chùa xung quanh khu vực trung tâm TX.TDM như Linh Không Đàn, Thuận Thiên, Tây Tạng, Hội Khánh, Chùa Bà Bình Dương đông nghẹt du khách. TX.TDM có một đêm không ngủ khi trời càng về khuya lượng khách thập phương kéo về viếng chùa càng đông. Họ đến để cầu chúc một năm mới sức khỏe dồi dào, an lành, hạnh phúc và thành công.
Du khách đổ về Bình Dương
Điểm nhấn của LH RTG chính là Chùa bà Thiên Hậu Thánh Mẫu ở TX.TDM, Chùa Bà Bưng Cầu và Chùa bà Thuận An. Năm nào cũng vậy, từ đêm 30 tết, khách thập phương đã nườm nượp đổ về Bình Dương đi Chùa Bà; và kéo dài đến hết RTG, trong đó cao điểm là đêm 14 và ngày 15. Mặc dù, theo dự đoán cao điểm LH - RTG không đông du khách như những năm trước do không trúng ngày nghỉ, tuy nhiên lượng khách cũng đông nghịt.
Nhờ có phương án ứng phó nên tình hình ANTT tốt hơn mọi năm
Ở TX.TDM, bắt đầu từ chiều, từng đoàn người từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, TP.HCM đã ùn ùn kéo nhau về Chùa Bà. Trời càng về khuya thì người đi chùa càng tấp nập. Từ khoảng 21 giờ trở đi, trên đại lộ Bình Dương nối TP.HCM với Bình Dương, từng tốp, từng tốp người chở nhau đi chùa. Họ đủ mọi lứa tuổi, ngoài đối tượng chính là những người kinh doanh cầu mong làm ăn phát tài, thì tuổi teen đi du xuân cũng có, mà người lớn tuổi đến chùa cầu mong sức khỏe, con cái đỗ đạt cũng có… Chị Lý Hương, ở TP.HCM tâm sự: “Tôi đi Chùa Bà Bình Dương đã chục năm rồi. Đi chùa trước là cầu cho mình mua may bán đắt, sau để cầu sức khỏe cho gia đình”. Bởi tin Chùa Bà kinh thiêng nên chị chọn đêm 14 để mọi điều mong ước đều thành hiện thực. Nhiều người cùng quan điểm như chị Mai nên năm nào đêm 14 chùa Bà cũng chật cứng người.
Ngoài những người đi chùa vì tín ngưỡng, có nhiều người đi viếng cảnh chùa, du xuân đầu năm là chủ yếu. Vì vậy, năm nào chùa Bà cũng đón một lượng lớn du khách là các bạn trẻ. Bạn Châu Hoa, đến từ TP.HCM vui vẻ cho biết: “Gia đình em có thói quen đi chùa đầu năm. Năm nay, cả nhóm bạn của em rủ nhau lên Bình Dương đi Chùa Bà. Em thấy không khí rất vui, ngoài Chùa Bà, các chùa khác cũng rất đông du khách. Em cầu mong năm nay mình sẽ đậu đại học”.
Một đặc sản không thể thiếu khi du khách đến Bình Dương trong mùa LH - RTG, đó chính là mua củ sắn về làm quà. Đêm 14, dọc đường Thích Quảng Đức, Yersin… nhất là Đại lộ Bình Dương có rất đông người bán củ sắn. Những củ sắn được chà rửa trắng muốt khiến không ít du khách thích thú. Như bản tính hiếu khách, thật thà của người Bình Dương, những người bán củ sắn không hề “chặt chém” du khách. Giá cả chỉ bằng ngoài chợ.
Lễ hội - Chu đáo và hoành tráng
Có thể nói, thời tiết năm nay thuận lợi hơn so với năm trước nên du khách đi xem rước kiệu bà cảm thấy thoải mái hơn. Ông Lý Lai Phát, Trưởng Ban Phúc Kiến, cũng là Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Bà năm 2011 cho biết, cũng giống mọi năm, dẫn đầu Đoàn rước kiệu bà là đội Bảo đảm an ninh trật tự, tiếp đó là Quốc kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hộ tống kiệu Bà có đại diện 4 bang người Hoa, 22 đoàn lân - sư - rồng của tỉnh và TP.HCM. Theo sau là 6 đoàn xe hoa và hàng trăm thiếu nữ thắt bím như ngọc nữ, vai gánh hoa vải đủ màu sắc. Nối bước là các đội nhạc, kèn, sáo, phèn la vừa đi vừa tấu nhạc. Sau đó là cộ Bà, trước cộ là hai án hương lớn nghi ngút, theo sát cộ bà là Ban quý tế. Cuối cùng là đoàn khách thập phương dự hội diễu hành qua các phố quanh chợ Thủ. Đoàn diễu hành qua đường Nguyễn Du, Yersin, vòng xoay ngã sáu, Trần Hưng Đạo. Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Cách mạng Tháng Tám rồi trở về chùa Bà.
Trong lễ hội Chùa Bà, chương trình đấu giá lồng đèn hay còn gọi là lễ Thánh Đăng diễn ra lúc 9 giờ tại trước sân Chùa Bà Thiên Hậu được nhiều người quan tâm. Số tiền đấu giá lồng đèn chủ yếu gây quỹ từ thiện. Được biết hàng năm, Ban tổ chức lễ hội đề dành một khoảng tiền lớn làm công tác từ thiện. Cụ thể là xây nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, đóng góp Quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ khuyến học… . Mỗi chiếc lồng đèn có một tên riêng như Thuận buồm xuôi gió, Kim ngọc mãn đường, Tài nguyên quảy tấn, Tứ quý hưng long, Ngũ phước lâm môn, Thánh mẫu ban phước, Hợp gia bình an, Vạn sự thắng ý và Mua may bán đắt. Tên của mỗi lồng đèn đều mang một ý nghĩa rất quan trọng, thiêng liêng và tốt đẹp. Những người tham gia đấu giá lồng đèn tin rằng, ai được lồng đèn mang về, năm đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống; nhất là đối với giới doanh nghiệp thì họ tin chắc sẽ có một năm làm ăn tốt đẹp và thăng tiến.
Mặc dù Ban chỉ đạo LH - RTG, Ban tổ chức LH Chùa Bà đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm an toàn cho du khách khi viếng chùa nhưng người đông nên tình hình an ninh trật tự phức tạp là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhìn chung LH - RTG đã diễn ra an toàn, lành mạnh. Ngoài Chùa Bà TX.TDM thì Chùa Bà Bưng Cầu, Chùa Bà Thuận An là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Thu Thảo