(BDO) Sáng 1-6, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) dương như quá nhỏ so với lượng người đến tham quan mỗi lúc một đông. Các con đường xung quanh Suối Tiên đều chật kín. Ngay tại con đường chính dẫn vào lễ hội, hàng ngàn người nối đuôi nhau chiêm ngưỡng các hoạt động lễ hội và thưởng thức cây ăn trái đặc sản Việt Nam…
Sôi động Chợ nổi trái cây
Nét độc đáo nhất của lễ hội năm nay là toàn Khu du lịch văn hóa Suối Tiên trở thành “Chợ nổi trái cây” với 70 gian hàng là những chiếc thuyền chở nặng trái cây, tấp nập trên khắp các cung đường lễ hội. Chợ nổi trái cây diễn ra vào mùa trái cây đang rộ với hơn 45 chủng loại trái cây tươi ngon, bổ dưỡng. Do vậy, ngay tại các gian hàng bán chôm chôm, sầu giêng, măng cụt đầu tiên, người bán không kịp bán, người mua thì đứng chờ để có vài bịt trái cây đem về nhà biếu người thân nhân dịp Tết thiếu nhi.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các gian hàng trưng bày thanh long Chợ Gạo, măng cụt-mít tố nữ Lái Thiêu, bưởi Tân Triều…hầu hết du khách đến tham quan đều ghé vào mua vài kg. Do đó, các gian hàng bán trái cây tại đây đều chật kín người mua kẻ bán. Chị Bùi Thị Thu Cúc, nhân viên đứng bán tại gian hàng măng cụt cho biết: “Ngay khi khai mạc Chợ nổi trái cây từ 29-5 đến nay, gian hàng tôi bán chưa lúc nào ngừng tay, hàng chở đến bao nhiều cũng đều quá ít so với nhu cầu của bà con”.
Một du khách tên Mỹ Liên (ngụ An Bình, Dĩ An, Bình Dương) cho hay: “Giá bán trái cây ở đây rẻ hơn ở bên ngoài từ 20-40% nên tôi tranh thủ mua 50 kg trái cây, gồm: Chôm chôm, sầu riêng, bưởi, thanh long…” Chị Liên cho biết, chị rất thích các loại trái cây bán ở đây, bởi toàn là trái cây thương hiệu của chính nhà nông khắp nơi đem đến. Nhiều loại trái cây gia đình chị rất thích dùng là sầu riêng, măng cụt…
Tương tự, một du khách nước ngoài tên Slowre Wan (quốc tịch Pháp) lần đầu tiên tham gia lễ hội trái cây cho hay, ông rất ấn tượng với những chiếc thuyền trưng bày bán trái cây với những cô gái mặc áo bà ba đứng bán tại Chợ nổi trái cây. “Qua lễ hội này, tôi hiểu rõ hơn về đặc sản trái cây Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng. Tôi sẽ về nước quảng bá về hình ảnh trái cây Việt Nam ngon, bổ, rẻ với gia đình và bạn bè tôi”-ông Wan nói.
Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Văn hóa Suối Tiên cho hay: “Với gần 50 thương hiệu trái cây nổi tiếng trong cả nước, Chợ nổi trái cây đã đem đến cho mọi người nhiều loại trái cây ngon, đặc sản Việt Nam. Dự kiến, qua 3 tháng hè, lượng trái cây tiêu thụ khoảng trên 2.000 tấn”. Theo ông Tuấn, so với các lần tổ chức trước đó, Chợ nổi trái cây lần này thu hút được nhiều thương hiệu trái cây nổi tiếng hơn. Đây cũng là một lợi thế lớn để Chợ nổi trái cây không chỉ cung cấp đặc sản đến người dân mà còn góp phần quảng bá trực tiếp sản phẩm của nhà nông đến người tiêu dùng.
Nhà nông hội ngộ
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài sự sôi động của Chợ nổi trái cây, hội thi “Trái cây ngon-an toàn” cũng là một điểm nhấn tại lễ hội năm nay với 597 mẩu trái cây ngon gửi đến dự thi. Trong đó, Bình Dương có gần 30 mẩu gửi đến dự thi với các loại trái cây như: Mít tố nữ, mít nghệ, măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, cho rằng, hội thi “Trái cây ngon-an toàn” năm nay diễn ra quy mô và chất lượng hơn. Chất lượng trái cây ở hội thi tốt hơn so với nhiều năm và so với nhiều hội thi khác trong cả nước”.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: “Với sự tham gia của 18 tỉnh, thành trong cả nước, Lễ hội trái cây Nam bộ năm 2010 cho thấy quy mô tổ chức ngày càng mơ rộng hơn. Các nhà nông, nghệ nhân và người tiêu dùng được dịp hội ngộ giao lưu thông qua các hoạt động tại lễ hội. Có thể nói, hiệu ứng của lễ hội đã góp phần tiếp thị, nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam với đông đảo du khách trong và ngoài nước”.
Nhiều nghệ nhân và nhà vườn đến tham gia lễ hội cũng đều cảm nhận rằng, cứ mỗi dịp diễn ra lễ hội là họ lại được dịp hội ngộ giao lưu. Nhà vườn thì được dịp quảng bá đặc sản của mình trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Còn nghệ nhân thì tha hồ thả hồn theo những tác phẩm của mình qua hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” với các nội dung tôn vinh hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL TP.HCM cho rằng, lễ hội trái cây là sự kiện du lịch mang tính liên kết vùng. Thông qua lễ hội này, đông đảo du khách trong và ngoài nước sẽ biết thêm về các sản vật phong phú, tiềm năng cây trái Việt Nam, nhất là những đặc sản của vùng sông nước ĐBSCL. Hơn nữa, đây còn là sự kiện để các nhà vườn quảng bá hình ảnh du lịch quê hương mình, phát huy mạnh bản sắc văn hóa dân tộc trong lao động và sản xuất.
HỒ VĂN