Lệ Hồng: Thơ ca là cuộc dạo chơi bằng cảm xúc

Thứ hai, ngày 16/03/2015

Gặp Lệ Hồng khi chị vừa nhận giải III tác phẩm “Người truyền lửa” tại cuộc thi sáng tác chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Bình Dương tổ chức và nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT, do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng, tôi nhận thấy trên khuôn mặt chị hiện rõ niềm hân hoan, hạnh phúc. Song, chị vẫn khiêm tốn nói rằng mình chỉ đang ở khúc dạo đầu của cuộc dạo chơi cảm xúc. Cuộc dạo chơi đó mang lại cho chị nhiều giá trị, trong đó giá trị lớn nhất mà chị ngộ ra là “hãy sống hết mình với nghề, nghề sẽ không phụ”.

(BDO)

Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng (phải) nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật. Ảnh: SONG ANH

Chị Lệ Hồng tên thật là Nguyễn Thị Lệ Hồng (SN 19.1), hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TX.Bến Cát; hội viên Hội VHNT tỉnh; hội viên CLB Sáng tác ca khúc tỉnh. Chặng đường 31 năm gắn bó với ngành giáo dục phần nào cho thấy nhiệt huyết và tình yêu của chị dành cho các học trò của mình. Chị Hồng bắt đầu bén duyên với nghề trồng người cũng chính bằng tình yêu giữa con người với con người. Ngày ấy, chị đơn giản chỉ nghĩ rằng góp một phần nhỏ sức mình vào công tác xóa mù chữ. Quãng thời gian 8 năm gắn bó với công tác xóa mù chữ đã hun đúc trong chị một tình yêu mãnh liệt dành cho nghề giáo. Vì vậy, chị quyết tâm nâng cao kiến thức và bắt đầu sự nghiệp trồng người của mình tại trường Tiểu học Lai Hưng A, Mỹ Phước A và Trần Quốc Tuấn, huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát).

Trong sự nghiệp của một người đưa đò, chị Hồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến. Họ càng yêu, càng phục nét đẹp tâm hồn được chị gửi gắm dâng trào trong thơ và sau này là cả âm nhạc. “Chị Lệ Hồng là một tấm gương sáng để thế hệ giáo viên trẻ noi theo”, chị Nguyễn Thị Ngọc Phường, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, nhận xét.

Gần nửa đời người gắn bó với giáo dục, chị Lệ Hồng đã gặt hái nhiều thành tích, mà ấn tượng nhất là danh hiệu chiến si thi đua cấp tỉnh suốt từ năm 2003 đến năm 2006. Chị Hồng yêu nghề, yêu trò và yêu say đắm văn học. Ngoài công tác giảng dạy tại trường, chị còn làm thơ, viết văn và tập tành sáng tác nhạc. Tác phẩm âm nhạc “Một chiều trên quê hương”, đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác âm nhạc năm 1994, do huyện Bến Cát tổ chức đã đưa chị đến với Hội VHNT tỉnh và gắn bó đến giờ.

Cảm xúc trống trải, nhớ trường nhớ lớp khi về hưu đã trở thành nguồn cảm hứng để chị Hồng cho ra đời 3 tác phẩm thơ gồm “Nhớ”, “Yêu quá đi” hay “Nỗi buồn không tên”, với những vần thơ đã chạm đến cảm xúc của độc giả.

Với những thành tích đạt được, Lệ Hồng có mặt trong kỷ yếu 15 năm của Hội VHNT Bình Dương từ năm 2002. Gặp gỡ chúng tôi, chị hạnh phúc khoe về tập sách tổng hợp văn - thơ - nhạc “Cỏ thu” ấy vừa được nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh phát hành.

Lệ Hồng cho biết chị viết những tác phẩm trong tập “Cỏ thu” bằng những xúc cảm thật tự nhiên để trái tim được chạm vào trái tim. Với chị, “Cỏ thu” là một cuộc dạo chơi cảm xúc, nhẹ nhàng mà sâu sắc, chứa đựng bàng bạc trong không gian xúc cảm của mùa thu, mùa của những hoài niệm, nhớ nhung, thương cảm. Bằng cảm xúc chân thành luôn dạt dào như thế, chắc chắn cái nghiệp văn học, âm nhạc sẽ mãi theo chị đến cuối đời, để rồi chị sẽ có thêm những “đứa con” tinh thần đầy tính nhân văn, góp phần làm giàu đẹp thêm cho kho tàng văn học, âm nhạc của tỉnh nhà.

SONG ANH