Mùa Vu lan năm nay, ở một số chùa Bình Dương có đưa vào nghi thức tổ chức lễ mừng thọ cho những ông cụ, bà cụ lớn tuổi. Những bậc làm cha mẹ ở tuổi xế chiều đến dự với tất cả niềm hân hoan và sự phấn khởi, hòa theo những lời nhắc nhở về “lòng mẹ bao la” và “công lao trời biển của các đấng sinh thành” là những dòng nước mắt xúc động vì tấm lòng biết ơn hướng về cha mẹ của những người con đã trưởng thành.
Dường như trẻ lại...
Hòa trong dòng người nô nức về chùa tham dự lễ hội Vu lan, là hình ảnh của những chiếc áo dài rạng rỡ. Ban đầu, chúng tôi còn ngỡ có đám cưới trong chùa, sau mới hết sức bất ngờ vì đó là những ông cụ, bà cụ tuổi đã ngoài 60 trở lên. Hôm nay, trong lễ Vu lan, chùa tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ. Ở một xã vùng xa xôi của huyện Phú Giáo mà tổ chức được một nghi lễ như thế này cho những bậc cha mẹ đã lớn tuổi quả thật là không phải dễ.
“Mừng tuổi mẹ”
100 cụ ông, cụ bà đã ngồi vào những chiếc ghế đã được bố trí sẵn, trên bàn là chiếc bánh kem cỡ trung, điểm thêm những đóa hoa hồng tươi thắm, chẳng khác nào một buổi sinh nhật tập thể diễn ra trong khung cảnh chùa Ngọc Hòa (Phú Giáo). Hôm nay, cụ ông, cụ bà dường như trẻ lại trong chiếc áo dài truyền thống. Cụ bà 80 tuổi, Nguyễn Ngọc Lắm ở xã Phước Vĩnh đã bật khóc khi cô con gái quỳ dưới gối bày tỏ những lời yêu thương sâu thẳm. Đó là niềm vui của bà khi tuổi về chiều được các con quan tâm, chia sẻ, báo hiếu công đức dưỡng sinh.
Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Trưởng ban đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên, Trụ trì chùa Hưng Long, cho biết một số chùa ở đây cũng tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ tuổi từ 75 trở lên. “Đó là việc làm hết sức ý nghĩa để mang đến niềm vui cho ông cụ, bà cụ cả đời tận tụy, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho các con. Qua đó cũng nhằm nhắc nhở, giáo dục con cháu về tấm lòng hiếu hạnh ở đời”. Đại đức Thích Bửu Minh, Trụ trì chùa Ngọc Hòa cho biết: “Đây là lần đầu tiên chùa tổ chức lễ mừng thọ để tạo duyên lành cho những người làm con có dịp thể hiện tình cảm với cha mẹ. Những người làm con khi được đưa ba mẹ đến tham dự lễ mừng thọ đều hết sức vui mừng và hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó cho ba mẹ vui trong cuộc sống”.
“Kính lão, đắc thọ”
Trong nhịp sống hối hả, với nhiều lý do khác nhau mà đôi khi chỉ vì vô tình chúng ta để cho bậc sinh thành phải sống lặng lẽ với tuổi già đơn độc. “Cha mẹ già, cần sự quan tâm, chăm sóc của con cái hơn là việc anh ta gửi về cho bà một đống đồ đạc mà không thăm nom, chăm sóc” - cụ ông Nguyễn Văn Xâm, thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên) bày tỏ. Vợ chồng chú Tô Văn Thới, quận Gò Vấp, TP.HCM cũng đưa mẹ đến chùa mừng thọ với sự chăm sóc yêu thương rất mực. Chú kể, hai vợ chồng đều cùng suy nghĩ như nhau về sự báo hiếu đối với công ơn cha mẹ. “Đối với các bậc sinh thành bên chồng cũng như bên vợ, chúng tôi đều yêu kính như nhau. Đối với con cái của mình cũng vậy, chúng tôi dạy chúng hiếu thảo, kính lão đắc thọ, tự tạo phước báu để có cuộc sống tốt đẹp”.
Có ba thứ trưởng lão, một là tuổi tác lớn được kính trọng, hai là đạo đức lớn thì dù tuổi nhỏ cũng được kính trọng và ba là có trí tuệ lớn cũng được kính trọng. “Mùa Vu lan là dịp nhắc nhở con cháu về tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ hiện tiền, cũng như những người đã khuất. Trong lễ Vu lan, có tổ chức thêm mừng thọ cho các cụ là rất ý nghĩa, góp phần gìn giữ nếp sống đạo nghĩa gia phong, phát huy nếp sinh hoạt cộng đồng tốt đẹp của ông cha ta về truyền thống văn hóa cội nguồn” - Phó Trưởng ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Thượng tọa Thích Huệ Thông đánh giá.
Mỗi năm còn được tổ chức mừng thọ cho cha mẹ còn là niềm hạnh phúc của những người làm con. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Các cụ được quan tâm đã hết sức phấn khởi vì thấy rằng ở tuổi già bóng xế, các con vẫn xem mình là nguồn vui, là niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với đời, với người, rất cần được nhân rộng!
NGỌC TRINH