Lễ và nhạc trong những lễ hội

Thứ hai, ngày 13/02/2012

Theo thầy Nhứt Dũng - sinh trưởng trong một gia đình có 3 đời theo nhạc lễ - đã từng 12 năm giữ cương vị Phó Trưởng khoa kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM - hiện là Trưởng phòng Công tác chính trị quản lý HS-SV của trường này thì lễ nhạc chia làm 2 phần rõ rệt, đó là phần lễ và phần nhạc. Lễ là vận hành những điệu bộ như vái lạy, quỳ, dâng... còn nhạc là phần hòa nhạc mà thông qua đó để hòa âm dương, hòa quá khứ với hiện tại, hòa tâm hồn... Tuy nhiên, có những cuộc lễ chỉ có phần lễ mà không có phần nhạc và ngược lại... Và cũng có những cuộc lễ có đủ cả hai phần ấy. Như cúng trời đất thì đủ cả hai, cúng các vị thần: Thần Nông, thần Hoàng... thì chỉ có phần lễ.

Hiện nay, trung bình một cuộc lễ nhạc nếu làm đúng theo bài bản thì mất khoảng 2 tiếng đồng hồ với trên 10 tiết mục mà khởi đầu là khai minh chinh (hay còn gọi là chiên), tiếp đó là khai đại cổ (trống lớn), khai thái bình (miếng cây dài làm mõ), khai trung cổ (chuông), khai lịnh (trống nhỏ) sau đó mới đi vào phần nhạc để chủ tế theo đó mà dâng lễ vật, đầu tiên là dâng hương, tiếp là dâng 3 tuần rượu, rồi đến dâng trà. Ở nhạc lễ Nam bộ còn có mục dâng quả phẩm sau cùng. Nếu có văn tế thì tế sau khi dâng tuần rượu đầu tiên. Nhiều nơi, sau khi dâng hương xong là đọc văn tế nhưng theo thầy Nhứt Dũng dựa vào sách về nhạc lễ của bác Nguyễn Văn Rỡ thì sống sao chết vậy. Khách đến nhà thì trước hết phải mời người ta cái gì đó, như trầu cau, mời trà (ở đây là rượu) rồi mới vào chuyện (ở đây là đọc văn tế)... Trong ma chay, sau 3 tuần rượu còn có tấn phạn (cúng cơm). Và ở tế thần về phần nhạc thì người ta dùng hơi xuân, hơi Bắc... những cung điệu có phần vui tươi để thể hiện, còn trong ma chay người ta sử dụng hơi ai... Trong phần lễ nhạc cúng đình, nếu có đào thài (mấy cô dùng quạt đứng sau chủ tế) thì sau đó mới có hát phần hát bội... Còn phần quan trọng không kém đó là chủ tế. Người chủ tế phải tề chỉnh trong bộ áo dài khăn đóng, với thần thái trang nghiêm, mỗi điệu bộ, mỗi cử chỉ phải khoan thai, phải xuất phát từ tấm lòng thành kính để biến chuyển thành hành động...

Trong một ban nhạc về nhạc lễ thường thì có 5 nhạc công, phụ trách 5 loại nhạc khí tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Về kim thì người ta sử dụng lố, bạc, đẩu (bằng đồng ), mộc - sử dụng trống âm dương, thủy - sử dụng kèn, hỏa - đờn cò, thổ - trống bồng (bằng đất).

Để trở thành một nhạc công chuyên nghiệp của nhạc lễ không đơn giản, phải trải qua 5 lớp, mà mỗi lớp thời gian kéo dài từ 1 - 2 năm tùy năng khiếu của mỗi người: Lớp 1 học về tiết tấu (của mõ, vỗ, trống cơm); lớp 2 học về đẩu, bạc, lố; lớp 3 học chuyên trống; lớp 4 học kèn, đờn và lớp 5 học chuyên về kèn. Trong một ban nhạc lễ, thấy người nào thổi kèn là người đó đã thành thạo...

Thầy Nhứt Dũng đã vinh dự được đề cử sang Pháp 9 lần, sang Ý dự liên hoan âm nhạc Toronto để trình diễn về nhạc lễ dân tộc. “Tôi rất tự hào khi theo ngành nhạc lễ (Nam bộ), bởi nhạc lễ là tiếng nói ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam nói chung, của miền Nam (nhạc lễ Nam bộ) nói riêng...” - thầy Nhứt Dũng nói.

DẠ TRẦM (lược ghi)