Chuẩn bị bước vào mùa hè, tranh thủ thời gian này, nhiều học sinh ở bậc trung học phổ thông muốn tìm cho mình một việc làm phù hợp để vừa có thu nhập, vừa để giúp các em trải nghiệm. Tuy nhiên theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hiện nay người tìm việc trên mạng cũng rất dễ bị dính “bẫy lừa” việc nhẹ lương cao.
Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, hiện nay phổ biến nhất có 11 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, trong đó lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử việc nhẹ lương cao là rất phổ biến. Đáng chú ý hiện nay là vào dịp hè, thủ đoạn lừa tìm việc lại có dịp bùng phát nhắm vào đối tượng sinh viên, học sinh.
Người dân nên cẩn thận với các lời mời gọi đầu tư, môi giới việc làm trên mạng. Ảnh: NGUYỄN HẬU
Theo đó, đánh vào tâm lý của người muốn có thêm thu nhập từ công việc online, không mất thời gian đi làm, các đối tượng tạo lập trang thương mại điện tử giả tạo, lấy danh nghĩa doanh nghiệp uy tín tuyển cộng tác viên làm việc ngoài giờ, sau đó dụ dỗ nạn nhân tham gia đóng trước các khoản tiền tạm ứng để nhận nhiệm vụ hoặc mua các gói nhiệm vụ từ số tiền nhỏ đến số tiền lớn, sau đó chiếm đoạt luôn.
Ngoài chiêu lừa tìm việc, nổi lên trong những ngày gần đây là thủ đoạn lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại; giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu, sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online hoặc đầu tư tài chính; giả danh cơ quan công quyền (tòa án, công an, viện kiểm sát…), văn phòng luật sư, ngân hàng… gọi điện đe dọa chuyển tiền hoặc lấy lại tiền đã bị mất… |
Có một số dấu hiệu chủ yếu để phát hiện hành vi lừa đảo kiểu này, là: Đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo đăng tin tuyển CTV làm việc online, chỉ cần có máy tính kết nối mạng, làm nhiệm vụ đánh giá sản phẩm, thanh toán đơn hàng ảo, click quảng cáo… có thể kiếm thu nhập cao. Các tài khoản này thường chủ động liên hệ nạn nhân, nhắn tin trò chuyện nhằm thu thập thông tin cá nhân, tạo lòng tin và dụ dỗ nạn nhân tham gia hệ thống.
Các công việc này thường yêu cầu nạn nhân đóng trước một khoản tiền nhỏ ban đầu và sẽ trả lương hoặc hoa hồng cho nạn nhân để tạo lòng tin. Dần dần hệ thống sẽ yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn hoặc dùng nhiều cách khác nhau để không cho nạn nhân rút tiền về mà phải đóng thêm nhiều khoản phí khác.
Ngoài thủ đoạn lừa tìm việc đối tượng còn “giăng bẫy”. Vào mùa hè nổi lên thủ đoạn lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch…) giá rẻ hoặc đặt khách sạn để đi du lịch.
Trong 2 năm gần đây (năm 2022 và 2023), lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 215 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra đã khởi tố 67 vụ, 9 đối tượng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2,6% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt gần 329 tỷ đồng; một số vụ có số nạn nhân lớn, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng trong thời gian ngắn.
L.T.PHƯƠNG