Chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi đã đánh mất quyền kiểm soát những khu vực rộng lớn ở phía đông Libya vào tay những người biểu tình. Trong lúc này, Mỹ và Châu Âu đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ Libya.
Tổng thống Gaddafi.
Theo những nguồn tin mới nhất, các phần tử đối lập của Tổng thống Gaddafi dường như đã giành được quyền kiểm soát khu vực phía đông Libya, kéo dài từ biên giới Ai Cập đến các thành phố như Tobruk và Benghazi. Tình trạng càng trở nên bi quan với Tổng thống Gaddafi khi có nhiều binh lính chính phủ rời bỏ hàng ngũ, chạy sang ủng hộ phe nổi dậy.
Tobruk là thành phố nằm cách khu vực biên giới khoảng 100km trong khi thành phố Benghazi là trung tâm của các cuộc biểu tình. Hai thành phố này đều năm ở khu vực Cyrenaica. Các phóng viên cho biết, họ nhìn thấy các phần tử đối lập, nhiều người được trang bị vũ khí, đang canh gác dọc đường cao tốc bao quanh bờ biển Địa Trung Hải.
Ngoại trưởng Italia Franco Frattini cho biết: "Cyrenaica không còn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ Libya và nhiều vụ bạo lực đang tiếp tục nổ ra trên khắp đất nước này".
Hàng nghìn người biểu tình đang tổ chức ăn mừng thành công của họ trong việc giành được quyền kiểm soát khu vực phía đông đất nước Libya.
Trong bối cảnh này, Nhà lãnh đạo Gaddafi đang tìm mọi cách để duy trì quyền lực ở thủ đô Tripoli và những khu vực phía tây Libya. Phần lớn thủ đô hiện đang được kiểm soát chặt chẽ. Một cư dân thủ đô cho biết: “Những người biểu tình chống chính phủ đã biến mất. Các con đường vắng lặng. Có rất nhiều người chết”.
Con trai Tổng thống Gaddafi - ông Saif al-Islam Gaddafi hôm qua (23/2) đã lên truyền hình thông báo: “Tất cả mọi việc đều đã trở lại bình thường. Các cầu cảng, trường học và sân bay đều đã được mở cửa trở lại. Vấn đề chỉ còn nằm ở các khu vực phía đông”. Ông này đã kêu gọi người dân Libya đoàn kết trong “cuộc đấu tranh dân tộc” này.
Mỹ cân nhắc trừng phạt Libya
Mỹ hôm qua tuyên bố nước này đang cân nhắc khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt và một số biện pháp khác để gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Gaddafi phải ngừng ngay các cuộc tấn công vào dân thường Libya.
"Mọi thứ đang được đưa ra thảo luận. Chúng tôi sẽ xem xét mọi khả năng nhằm chấm dứt tình hình bạo lực hiện nay ở Libya," Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton cho biết.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tiết lộ: “Rất nhiều lựa chọn đang được xem xét – những biện pháp trừng phạt và các lựa chọn khác" nhằm buộc chính quyền 42 tuổi của Tổng thống Gaddafi phải ngừng ngay các cuộc đàn áp người biểu tình. Các biện pháp trừng phạt được cân nhắc gồm phong tỏa tài sản và cấm các quan chức Libya sang Mỹ.
Cùng với Mỹ, Châu Âu cũng đã sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhằm vào Libya, đồng thời cảnh báo sẽ bắt những kẻ gây ra các cuộc đàn áp đẫm máu phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.
Trong khi Mỹ, Châu Âu đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Libya thì Peru đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Châu Phi này để bày tỏ sự phản đối đối với các cuộc đàn áp của chính phủ đối với các cuộc biểu tình. Như vậy, Peru là nước đầu tiên trên thế giới cắt đứt quan hệ với Libya.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu quốc tế hành động chống lại các cuộc tấn công dân thường ở Libya đồng thời cảnh báo đất nước này đang ở một giai đoạn nguy hiểm. Ông Ban Ki-moon hoan nghênh các động thái nhằm thành lập “một ủy ban điều tra quốc tế về các sự việc xảy ra ở Libya."
Máy bay chở con gái Tổng thống Gaddafi bị từ chối ở Malta
Trong một diễn biến có liên quan đến tình hình ở Libya, hôm qua, Malta đã từ chối không cho một chiếc máy bay được cho là chở Aisha Gaddafi, con gái Tổng thống Lybia, hạ cánh ở nước này.
Chiếc máy bay ATR 42 của Hãng hàng không Arab Airlines đã bay đến Malta mà không thông báo trước. Viên phi công đã cung cấp các thông tin chi tiết về chuyến bay nhưng Sân bay Quốc tế Malta đã không đồng ý cho chiếc máy bay này hạ cánh. Sau khi bay lòng vòng khoảng 20 phút nhằm thuyết phục giới chức Malta quyết định, chiếc máy bay chở con gái Nhà lãnh đạo Libya đã buộc phải quay trở về nơi nó xuất phát.
Theo nhiều nguồn tin, người ta đã nhìn thấy rất nhiều binh lính Malta đi vào sân bay khi chiếc máy bay ATR 42 bay đến. Được biết, chiếc máy bay này chở khoảng 14 hành khách, trong đó có con gái Tổng thống Gaddafi.
Hiện tại, các thông tin trên chưa được chính phủ Libya chính thức xác nhận.
Trước đó, hồi đầu tuần, hai chiếc máy bay chiến đấu Mirage F-1 của Không quân Libya đã bay đến Malta. Các viên phi công của hai chiếc máy bay này muốn xin tị nạn chính trị ở Malta vì lý do họ phải trốn sau khi từ chối tuân theo lệnh thả bom người biểu tình ở Benghazi.
Theo VnMedia