Liên danh Paul Ryan - Mitt Romney trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ

Cập nhật: 01-09-2012 | 00:00:00

Ngay sau khi ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney tuyên bố việc chọn lựa nghị sĩ Paul Ryan đứng chung liên danh tranh cử hôm 11-8-2012, dư luận Mỹ bỗng chú ý mạnh đến ông "víp" (phó thổng thống) trong liên danh, không chỉ vì ông là một "ngôi sao đang lên" của đảng Cộng hòa mà còn vì ông mang đến cho Romney một số "vũ khí" mà chắc chắn liên danh Barack Obama - Joe Biden phải tốn công sức để chống trả. Nhưng liệu chừng ấy có đủ để giúp Romney "làm nên chuyện" vào tháng 11 tới?

Từ cuộc gặp bí mật đến chức liên danh tranh cử

Sau chuyến đi bí mật và cuộc đi dạo riêng tư trong khu rừng gần Winsconsin, ngày 11-8, ứng viên tổng thống Mỹ Mitt Romney đã công bố Hạ nghị sĩ Paul Ryan sẽ là người liên danh tranh cử phó tổng thống cùng với ông trong cuộc đối đầu với phe Dân chủ của Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden vào cuộc bầu cử ngày 6-11 sắp tới.

 Liệu liên danh Romney - Ryan sẽ làm nên chuyện? Ông Paul Ryan, hiện 42 tuổi, là nghị sĩ bang Wisconsin và là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ. Ông lớn lên tại Janesville, Wisconsin và tốt nghiệp ngành kinh tế - chính trị tại đại học Miami. Ông bắt đầu làm việc ở Washington với vai trò thực tập sinh, rồi trợ lý trước khi về tranh cử ở Janesville, Wisconsin. Năm 1998, Ryan trúng cử vào Hạ viện. Đến nay, ông đã có 13 năm làm nghị sĩ ở Hạ viện Mỹ.

Paul Ryan được Mitt Romney mô tả là một ngôi sao đang lên, một lãnh đạo trí thức của đảng Cộng hòa và là người hiểu rõ những hiểm họa ngân sách của nước Mỹ. Hiện đang là người đứng đầu về tài chính và các vấn đề ngân sách của đảng, chính vì vậy Ryan được xem là tiếng nói chính của đảng trong các vấn đề giảm nợ và thâm hụt ngân sách quốc gia. Chọn Paul Ryan cũng là thông điệp mà ông Romney muốn nói về tình trạng thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ, đồng thời khiến người ta chú ý đến một kế hoạch ngân sách mà ông Ryan đang trình cho Hạ viện bao gồm những khoản cắt giảm chi tiêu công gây tranh cãi như các chương trình y tế cho người nghèo và người cao tuổi. Ông Romney lựa chọn nhà lãnh đạo Ryan trẻ trung, sung sức và quyền lực để bổ sung những khiếm khuyết cho ông.

Quyết định chọn Ryan của ông Romney được đánh giá là khá nhanh chóng và kín đáo. Người đứng đầu cuộc tìm kiếm ứng viên liên danh này cũng chính là bạn thân của Romney, bà Beth Myers.

Theo bà Myers, cuộc tìm kiếm được tiến hành cẩn mật đến nỗi thông tin bên lề về danh sách các ứng viên bao gồm bản khai thuế thu nhập cá nhân và các tài liệu khác đều được khóa cẩn thận trong văn phòng của Romney. Romney đưa ra quyết định vào ngày 1/8, sau khi ông trở về từ chuyến công du các nước Anh, Israel, Ba Lan. Ngay lập tức, ông muốn có một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Ryan nhưng không muốn có bất kì phương tiện truyền thông hay một ai khác ở bên ngoài cuộc gặp mặt biết về nó.

Myers cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cuộc họp này không bị phát hiện". "Tôi đã cử con trai mình đến đón Ryan. Paul trong bộ trang phục thường ngày với quần jeans, áo phông, mũ lưỡi trai, và kính râm đã di chuyển không một chút nghi ngờ trong sân bay". Romney và Ryan đã họp riêng với nhau khoảng 1 giờ trong phòng ăn của nhà Myers sau bữa trưa". Họ nói về chiến dịch tranh cử, nó sẽ được vận hành như thế nào và bàn về vấn đề họ sẽ làm việc với nhau như thế nào tại Nhà Trắng, làm sao để thống nhất và thành công trong những quyết định quan trọng”.

Có vẻ như Ryan đang mang đến, bổ sung cho Romney cái khiếm khuyết quan trọng là quan điểm, sự am hiểu về tình hình tài chính của quốc gia. Tuy nhiên, sau khi phân tích, đánh giá về các quan điểm, tầm nhìn và sự am hiểu của Ryan trong lĩnh vực tài chính quốc gia, báo chí Mỹ bắt đầu quay sang đặt dấu hỏi về bản thân ông Romney. Tờ Time đặt câu hỏi trong một bài bình luận: Chúng ta biết quan điểm của Ryan về vấn đề tài chính. Vậy còn ông Romney thì sao? Hóa ra ông "lấy cái của người làm cái của mình" sao? Cho đến nay, Romney vẫn chưa cho dư luận thấy quan điểm chính thức của ông là gì.

Người "lưỡng đảng" nhất trong đảng Cộng hòa

Sau khi được chọn vào liên danh cùng với Romney, Ryan đã nhận được khá nhiều lời khen tích cực không chỉ từ các thành viên đảng Cộng hòa mà cả bên đảng Dân chủ, chủ yếu là về kiến thức và sự am hiểu của ông về vấn đề ngân sách nhà nước. Ryan được khen ngợi chủ yếu là nhờ công tác của ông tại Ủy ban Ngân sách ở Hạ viện. Người ủng hộ phe Cộng hòa thì khen như thế, nhưng những người không ủng hộ thì đương nhiên là chê, và những người khách quan thì cho rằng, để nhận định Paul Ryan là người như thế nào cần phải hiểu rõ ông ấy đã làm những gì và có quan điểm tầm nhìn ra sao, quan hệ gia đình và xã hội như thế nào.

Người ta đã đánh giá không sai về "ngôi sao đang lên" Ryan. Ông được bầu vào Hạ viện Mỹ lần đầu vào năm 1999, khi còn rất trẻ, mới 29 tuổi. Và ngay trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị nghị sĩ, Ryan đã động chạm ngay đến chương trình An sinh xã hội nổi tiếng của Mỹ, trong đó hăm he đòi cắt bổng lộc của những người hưu trí. Nhưng rốt cuộc, không có sự thay đổi nào xảy ra. Trong vài năm đầu, Ryan đã đề xuất và thông qua được 2 luật: luật thứ nhất là… đổi tên một bưu điện; và luật thứ hai là giảm thuế cho các bộ phận cấu tạo nên mũi tên!?

Từ năm 2006, Ryan bắt đầu tập trung vào lĩnh vực ngân sách, công việc tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện. Tuy không thông qua thêm được luật nào nữa, nhưng quan điểm và sự am hiểu của Ryan trong lĩnh vực kinh tế đã dần hình thành. Tính đến nay, sau 13 năm làm nghị sĩ, Ryan đã ký tên bảo trợ cho 975 dự luật, trong đó 22% là đồng bảo trợ với các nghị sĩ đảng Dân chủ (tỉ lệ trung bình trong đảng Cộng hòa là 19%).

Không chỉ có khả năng thương thuyết, hợp tác làm việc với người của đảng Cộng hòa, Ryan còn có một lợi điểm ít ai ngờ tới: đó là bên vợ ông, từ ông nội vợ, bố vợ cho đến các cậu, chú, anh em, cả những người bạn thân nhất của vợ, bà Janna Ryan, đều là người của đảng Dân chủ. Một nửa gia đình là người của đảng Dân chủ thì bảo sao đảng viên Cộng hòa Paul Ryan không phối hợp tốt với đảng Dân chủ được?

Vũ khí "kế hoạch ngân sách"

Ryan đã mang đến cho Romney một số "vũ khí" lợi hại để đấu với đương kim Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden. Trong đó, vũ khí thứ nhất là tính "lưỡng đảng" số 1 của Ryan, như đã nói ở trên. Còn vũ khí thứ 2 rất lợi hại, chính là kế hoạch ngân sách mới mà ông Ryan đang đề xuất Quốc hội thông qua, và Romney đã lấy nó làm kế hoạch chung cho chiến dịch tranh cử của mình.

Theo giới phân tích, kế hoạch ngân sách của Ryan có một số điểm nhấn quan trọng. Đó là, giãn thuế cho giới triệu phú, nhưng bù lại tăng các khoản đóng góp thuế của giới trung lưu, đồng thời cắt giảm mạnh những khoản chi cho các chương trình xã hội thiết yếu, như giáo dục, chăm sóc y tế (trong đó có chương trình cải cách y tế mang tên Medicare của Tổng thống Obama), năng lượng và nghiên cứu khoa học và y tế.

Theo CNN, với những chi tiết sơ bộ này, kế hoạch ngân sách Romney-Ryan đang khiến cho một bộ phận không nhỏ dân chúng Mỹ lo lắng; từ sinh viên học sinh, giới nghiên cứu khoa học, y tế, cho đến những người sử dụng năng lượng trên toàn nước Mỹ và cả những người cao tuổi hưởng các chế độ phúc lợi xã hội đều phải lo. Chẳng hạn, tuy rằng những người cao tuổi hiện tại thì vẫn được  giữ nguyên các chế độ bảo hiểm Medicare, nhưng những người hiện nay đang trong độ tuổi 40 thì chắc chắn bị ảnh hưởng, cụ thể là phải mua bảo hiểm y tế của các công ty bảo hiểm tư nhân.

Giới chuyên gia bình luận, nếu kế hoạch ngân sách của Ryan mà được Quốc hội thông qua trước kỳ bầu cử, hàng loạt cử tri sẽ bị ảnh hưởng do những khoản cắt giảm trong kế hoạch ngân sách đó ảnh hưởng đến việc triển khai Medicare, thậm chí cả Medicaid, mà đa phần những người thụ hưởng 2 chương trình y tế này lại là những người có thu nhập cố định, người hưởng lương hưu. Một khi các chương trình, kế hoạch do Tổng thống Obama đưa ra lại bị chặn và phá hỏng như thế chắc chắn là một thất bại có thể khiến cử tri đánh giá lại năng lực lãnh đạo của ông.

Nhưng ở đời, chuyện gì cũng có 2 mặt, có lợi, nhưng cũng không phải là không gây hại. Việc ông Ryan đưa ra đề xuất ngân sách tuy có thể nhất thời đánh mạnh vào chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama, khiến cho ông Obama có nguy cơ bị mất điểm trước cử tri, nhưng mặt trái, nó có vẻ không được nhiều người ủng hộ. CNN hôm 12/8 đã có bài bình luận phê phán kế hoạch ngân sách của Ryan khá gay gắt, cho rằng những đề xuất "cắt giảm" quá trớn không nhằm phục vụ lợi ích cho ngân sách quốc gia, mà ngược lại chỉ nhằm phục vụ mục tiêu cá nhân, gây tổn hại cho uy tín Tổng thống nhằm đạt ưu thế tranh cử.

Những cắt giảm liên quan đến an sinh xã hội, các khoản đầu tư thiết yếu liên quan đến nhiều giới nhưng lại ưu ái giảm thuế cho giới nhà giàu đã khiến cho tất cả những người bị ảnh hưởng đều phản ứng, kể cả các nhà thờ, giáo hội, các tôn giáo khác. Như vậy, "vũ khí ngân sách" này lợi hay hại có lẽ phải chờ xem thực tế nó có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không. Nếu bị phản ứng nhiều quá thì chắc là khó thông qua.

Lịch sử nói lên điều gì?

Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ 30 năm gần đây, việc chọn lựa ứng cử viên Phó tổng thống luôn mang một ý nghĩa nhất định. Nói chung, thường thì các vị "víp" sẽ là người bổ khuyết cho ứng cử viên Tổng thống, và sự thành bại của chiếc vé liên danh cũng một phần do vị "víp" này quyết định.

Trong số những cặp liên danh thành công, như Obama-Biden (2008), Bush-Cheney (2000) và George H.W. Bush-Dan Quayle (1988), trường hợp Bill Clinton chọn Al Gore vào liên danh vào năm 1992 là một trường hợp đặc biệt, tiêu biểu nhất. Nếu như Biden bổ khuyết cho Obama về kinh nghiệm chính trường, thì trong cặp Clinton-Gore, cả hai đều có cá tính và đều xông xáo, có năng lực như nhau. Hầu như Al Gore không bổ khuyết gì cho Clinton, mà cả hai cùng nhau hoạt động. Chính sự phối hợp nhịp nhàng của 2 ông làm lộ rõ một vấn đề: sự bổ sung cho nhau của 2 ứng cử viên trong liên danh là rất quan trọng, dù mỗi người đều có đầy đủ những ưu điểm cá nhân.

Ở phía ngược lại, những chọn lựa thất bại cho thấy thường thì các ứng cử viên "víp" có những hoạt động, biểu hiện không hòa hợp, thiếu sự phối hợp hài hòa với ứng cử viên chính, không những không bổ khuyết mà còn tạo thêm vấn đề để ứng cử viên chính phải giải quyết. Sarah Palin năm 2008, John Edwards năm 2004, Joe Lieberman năm 2000 và Jack Kemp năm 1996,… là những chọn lựa thất bại.

Bà Sarah Palin là ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh với ông John McCain vào năm 2008. Tinh thần độc lập, tính cách tự tin của một bà Thống đốc ở một bang bị xem là "tỉnh lẻ" nhưng đấu đá khắc nghiệt như Alaska đã khiến cho Palin có những hành động gây náo nhiệt bầu không khí nước Mỹ trong một thời gian trước và cả sau bầu cử. Bà là tâm điểm gây chú ý của cánh báo chí, nhưng không phải theo chiều hướng của một ngôi sao đang lên mà là… đủ thứ chuyện, từ chính trị đại sự cho đến chuyện linh tinh lặt vặt, mua sắm, ăn mặc, giày dép. Và đó cũng chính là lý do thất bại của bà.

Vậy liệu lịch sử có nói lên điều gì với sự chọn lựa mới đây của ông Romney hay không? Có lẽ còn quá sớm để đánh giá sự thành bại của cặp liên danh Romney-Ryan. Sẽ không có phép mầu nào nếu Romney không thể đưa ra được chính sách hay chương trình hành động nào hay hơn đương kim Tổng thống Obama và không có cách nào để thuyết phục cử tri tin mình hơn tin ông Obama. Và nếu chỉ dựa vào những "vũ khí" của ứng cử viên Phó tổng thống chỉ để "gây khó khăn" cho ông Obama thì xem chừng ông Romney rất khó thành công trước Obama.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên