(BDO) Sáng 13-11, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, do ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn TP.Tân Uyên, nhằm khảo sát tình hình triển khai chương trình “Việc làm tốt hơn”. Tham gia cùng đoàn có bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương; đại diện các sở, ngành và lãnh đạo UBND TP.Tân Uyên.
Ông Ngọ Duy Hiểu cùng đoàn làm việc tại Công ty TNHH Poong In Vina
Đoàn đã khảo sát quá trình triển khai các hoạt động tham gia chương trình "Việc làm tốt hơn" tại Công ty TNHH Poong In Vina (phường Uyên Hưng) và Công ty TNHH May mặc Hung Kiu Việt Nam (phường Phú Chánh).
Đại diện Công ty TNHH May mặc Hung Kiu Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động, chăm lo đời sống người lao động tại công ty
Đây là hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, các doanh nghiệp đều có trên 1.000 lao động. Hai doanh nghiệp này đều tham gia chương trình "Việc làm tốt hơn" do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng và phát triển. Chương trình này triển khai tại các doanh nghiệp ở Việt Nam từ năm 2009.
Thu nhập người lao động tại Công ty TNHH May mặc Hung Kiu Việt Nam đạt mức bình quân 14 triệu đồng/người/tháng
Tại buổi làm việc, đoàn đã khảo sát các hoạt động của doanh nghiệp tham gia chương trình nói trên, nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao điều kiện làm việc cho đoàn viên và người lao động. Qua đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
* Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh. Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì tiếp và làm việc với đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc khảo sát tình hình triển khai chương trình Việc làm tốt hơn ở các địa phương nhằm đánh giá sâu sát quá trình triển khai trong giai đoạn vừa qua, làm sơ sở định hướng triển khai chương trình phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đánh giá tổng quan cho thấy, các doanh nghiệp tham gia chương trình đều chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động tại nơi làm việc.
Tại tỉnh Bình Dương, chương trình hoạt động từ năm 2009 đến nay và đang triển khai tại 54 nhà máy với hơn 72.000 lao động.
Quang Tám - HỒ VĂN