Các quốc gia phải hợp tác chặt chẽ hơn để chuẩn bị cho những trận hạn hán lớn trong tương lai và tình trạng sa mạc hóa ngày càng lan rộng là lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc ngày 17-6.
“Các cơn hạn hán khó có thể phòng tránh, nhưng ảnh hưởng của chúng có thể được giảm bớt. Vì hạn hán thì không quan tâm tới biên giới quốc gia, chúng ta cần một nỗ lực tập thể”, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói trong một thông điệp ngày 17-6 (Ngày thế giới đối phó hạn hán và sa mạc hóa). Chủ đề của năm nay là “Đừng để tương lai khô cạn”, nhấn mạnh vào tình trạng khan hiếm nước.
Từ Uzbekistan tới Brazil, từ vùng Sahel tới Úc, hạn hán ở nhiều vùng trên hành tinh có nguy cơ đe dọa cuộc sống hàng triệu người. Tháng trước, Namibia đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán làm ảnh hưởng tới 14% dân số. Năm 2012, Mỹ trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1950, ảnh hưởng tới 80% diện tích đất canh tác nông nghiệp.
“Trong một phần tư thế kỷ qua, thế giới đã trở nên dễ bị tác động bởi hạn hán hơn và những đợt hạn hán dự kiến còn lan rộng với quy mô và cường độ lớn hơn do biến đổi khí hậu - ông Ban nói - Những ảnh hưởng trong dài hạn của hạn hán lên hệ sinh thái là rất lớn, làm tăng tình trạng xói mòn đất và sa mạc hóa. Những hệ quả bao gồm gây ra đói nghèo và tăng nguy cơ xung đột vì nguồn nước và đất sản xuất”.
Ông cũng kêu gọi sớm triển khai thỏa thuận tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững (Rio+20) của năm 2012 để tránh tình trạng đất đai thoái hóa.
Nhân dịp này, Liên Hiệp Quốc công bố ba người chiến thắng Giải thưởng đất vì cuộc sống 2013, một sáng kiến toàn cầu với nguồn ngân quỹ 100.000 USD. Giải thưởng được thành lập năm 2012 để vinh danh những sáng tạo giúp lập nên các cộng đồng phát triển bền vững, tăng sức chống chịu cho các cộng đồng dân cư dễ tổn thương bởi thiên tai.
Các sự kiện nhân ngày chống hạn hán và sa mạc hóa thế giới được tổ chức ở nhiều nước như Hungary, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Timor...
(Theo TTO)