Liên hoan hát dân ca - trò chơi dân gian : Gieo mầm văn hóa dân tộc cho trẻ thơ

Cập nhật: 18-12-2009 | 00:00:00

Gánh rơm ra qua cầu, kéo mo cau (đội TX.TDM)

Những câu hát dân ca, những trò chơi dân gian vẫn luôn cuốn hút các em nhỏ bởi sự gần gũi, vui tươi và cả ngộ nghĩnh của nó. Nó sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh động của trẻ thơ, giúp các em phát triển về thể chất lẫn tinh thần, nếu chúng ta biết hướng và giáo dục cho các em từ nhỏ...

Sáng 16-12, sân trường trường mầm non (MN) Tuổi Ngọc (TX.TDM) rộn ràng hơn mọi ngày bởi nơi đây đang diễn ra Liên hoan (LH) Hát dân ca - Trò chơi dân gian cụm 1 (gồm 3 đội: TX.TDM, Thuận An và Dĩ An), với sự tham dự của đông đảo các bạn nhỏ, các giáo viên, nhân viên đến từ nhiều trường MN khác nhau. Mỗi đội về tham dự LH đều có một thế mạnh, một chương trình riêng, nhưng mục đích chung đều nhằm hướng trẻ đến với những hoạt động mang tính văn hóa của dân tộc. Với sự tham gia của 75 giáo viên, nhân viên và các cháu mẫu giáo 5 tuổi, đã mang đến LH nhiều tiết mục hấp dẫn, vui tươi, ý nghĩa.

Không khí buổi LH náo nhiệt hẳn lên khi đội Thuận An khai màn với những tiết mục “Trống khai hội” do các cháu thực hiện. Với những trò chơi mang đậm tính dân gian làng quê, như: chèo thuyền, hái dưa, đi cà kheo. Đây là những trò chơi thể hiện sự gần gũi, thân thiện, linh hoạt trong khi chơi nên đã thực sự cuốn hút các em đang chơi, cũng như đang xem và cổ vũ cho bạn mình. Các cô và cháu phối hợp với nhau khá ăn ý qua các bài hát: Lý cây đa, Dân ca ba miền, Hái hoa. Đội TX.TDM và Dĩ An cũng mang đến LH nhiều tiết mục được dàn dựng công phu. Đó là những trò chơi thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, nhanh nhẹn, khéo léo và cả sự dẻo dai nữa, như: Gánh rơm qua cầu, nhảy bao bố, kéo mo cau, chơi lò cò của các cháu đội TX.TDM, rồi: Gánh trứng về ổ, kiến tha mồi, kéo co của cô và cháu đội Dĩ An. Đặc biệt, trong tiết mục hợp ca “Cội nguồn”, các cháu đến từ TX.TDM đã làm mọi người ngạc nhiên với những vũ đạo rất nhịp nhàng, uyển chuyển của mình, thể hiện được tinh thần dân tộc từ những ngày đầu dựng nước của cha ông ta. Đội Dĩ An lại làm mọi người khó quên với những câu hát đồng dao, những bài hát múa do cô cháu thể hiện rất sôi động: Ngựa gỗ, Đánh đũa... Chương trình của các đội đều được xây dựng xen kẽ giữa trò chơi dân gian và hát dân ca và những câu đố vui... làm cho không khí luôn hấp dẫn và cuốn hút người xem. Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên trường MN Võ Thị Sáu (Dĩ An), cho biết: “LH giúp các cháu làm quen được với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam từ các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian, những câu hò, điệu lý. Qua đó, giáo dục cho các cháu lòng yêu quê hương, đất nước...”.

Ngoài các giáo viên, nhân viên, hầu như trẻ nào cũng có phụ huynh đi theo cổ vũ và chăm sóc. Có lẽ, những bậc phụ huynh là người hạnh phúc nhất khi thấy con nhỏ của mình bước ra sân khấu. Thế nên, phụ huynh nào cũng tranh thủ mang máy quay, máy ảnh, điện thoại ra để quay, chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của con mình. Còn chị Trần Thị Danh, phụ huynh bé Minh Thư, lớp lá, trường MN Võ Thị Sáu (Dĩ An) dù bận rộn với công việc nhưng vẫn tranh thủ tập luyện chương trình với các cô, cháu trong đội, cũng như có mặt trong buổi LH hôm nay. Chị cho biết: “Có dịp tập luyện cùng cháu mới thấy cháu rất tự tin, sôi nổi em càng thấy vui hơn. LH được tổ chức rất vui tươi, đa dạng màu sắc. Mong rằng, sau LH, khi được vui chơi, giao lưu với nhiều bạn nhỏ khác, cháu sẽ phát triển thêm nhiều tố chất hơn nữa...”.

Tổ chức lễ hội trong trường học MN là một hoạt động giáo dục vô cùng quan trọng trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ; là một trong những hình thức giúp trẻ phát triển trí tuệ, thể chất, giáo dục đạo đức và tình cảm, thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện trong hệ thống trường lớp MN. Với ý nghĩa đó, Sở GD-ĐT vừa tổ chức LH “Hát dân ca - Trò chơi dân gian” MN năm học 2009-2010. LH còn nhằm tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên MN phát huy khả năng sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ hội trong trường MN. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Đối với trẻ thơ, những làn điệu dân ca, những trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức trẻ với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với trẻ. Tổ chức cho trẻ hát dân ca, chơi các trò chơi dân gian không chỉ là phương tiện giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu mến và biết ơn những người đã quan tâm chăm sóc trẻ...” .

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên