Thời gian qua, lực lượng lao động (LĐ) được cung ứng từ các tỉnh đã góp phần thúc đẩy chuyển giao nguồn LĐ hết sức quý giá vào Bình Dương, tạo ra nhiều yếu tố mới có sức cạnh tranh, khơi lên các nguồn lực LĐ trong tỉnh, nhất là LĐ có tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật cao. Mô hình liên kết (LK) “tam giác” giữa doanh nghiệp (DN), trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau bảo đảm cân đối thị trường LĐ tại Bình Dương.
Liên kết “3 nhà”
DN tuyển công nhân LĐ ngoài tỉnh về đào tạo lại nghề may
Bình Dương có hơn 12.000 DN, với tổng số LĐ làm việc trong các DN hơn 700.000, NLĐ ngoài tỉnh là trên 600.000 người (tỷ lệ 84%). Nhu cầu tuyển LĐ của DN trên địa bàn tỉnh mỗi năm trên 50.000 LĐ. Tuy nhiên, nguồn LĐ của tỉnh hàng năm bước vào tuổi LĐ không đủ đáp ứng.Vì vậy, để đáp ứng nguồn LĐ cho các DN trong tỉnh, Bình Dương triển khai kế hoạch LKLĐ với các tỉnh giai đoạn 2007-2010, theo mô hình liên kết “tam giác” nhằm LK giữa “3 nhà” DN, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và tỉnh bạn để giới thiệu và cung ứng LĐ cho DN ở Bình Dương. Có thể nói LK giữa “3 nhà” như một phương thức kết nối giữa nguồn LĐ với nguồn việc làm, giữa NLĐ với các trường dạy nghề, các DN, tạo thành một vòng khép kín thúc đẩy giải quyết việc làm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Qua 4 năm thực hiện đã thu hút 32.270 LĐ đến Bình Dương làm việc qua chương trình liên kết LĐ của tỉnh. Ngoài kênh LKLĐ thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, các DN trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp đến các tỉnh để tuyển dụng LĐ hoặc NLĐ tìm hiểu thông tin qua người thân và trực tiếp đến với DN. Trong 4 năm qua đã có trên 150.000 LĐ được tuyển vào làm việc tại các DN ở Bình Dương.
Đến nay, đã có 30 tỉnh, thành liên kết cung ứng LĐ vào Bình Dương làm việc qua 2 phương thức tuyển dụng: Theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN, các trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và trung tâm giới thiệu việc làm, các đơn vị, tổ chức của tỉnh bạn liên kết chặt chẽ với nhau để giới thiệu và cung ứng LĐ cho Bình Dương và phương thức DN tuyển dụng trực tiếp với các đơn vị, tổ chức của các tỉnh bạn. Qua 4 năm thực hiện chương trình LKLĐ đã thu hút 32.270 LĐ đến Bình Dương làm việc. Giai đoạn 2011-2015, phấn đấu mỗi năm thu hút nguồn LĐ ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc qua kế hoạch liên kết từ 8.000 - 10.000 người. Thực hiện tốt chính sách về LĐ, nhằm thu hút nguồn LĐ từ các tỉnh đến Bình Dương tìm việc làm ổn định cuộc sống.
Người lao động yên tâm
Thực hiện kế hoạch LKLĐ với các tỉnh để cung ứng LĐ cho Bình Dương, DN rất yên tâm khi tuyển dụng LĐ có chất lượng, ổn định về số lượng; còn NLĐ cũng như gia đình không lo ngại về “cò lao động”. Đồng thời khi đến Bình Dương làm việc, NLĐ được lo các khoản kinh phí, được bố trí việc làm phù hợp và ổn định. Qua đó trong thời gian qua, đã có không ít LĐ đến Bình Dương làm việc thông qua mô hình LK rồi họ tự giới thiệu người thân cùng vào làm việc ở Bình Dương. Chị Nguyễn Thị Tám, ở Thanh Hóa cho biết: “Thông qua chương trình LKLĐ, tôi đã đăng ký vào Bình Dương làm việc. Vào đây, tôi đã tìm kiếm được việc làm dễ dàng và cập nhật những thông tin tương đối đầy đủ về DN như: ngành nghề sản xuất, mức lương, chế độ, thời gian làm việc và các chính sách khác giúp cho NLĐ an tâm tìm việc làm thích hợp”. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Phùng Trung nhận xét: Cung ứng LĐ - Đào tạo nghề - Giải quyết việc làm - Thu nhập ổn định đời sống là một chuỗi các mục tiêu của quá trình tổ chức và thực hiện LKLĐ với các tỉnh. So với trước đây, khi chưa thực hiện Chương trình này LKLĐ chỉ đơn thuần là cung ứng LĐ để giải quyết việc làm nhằm thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm việc của NLĐ. Các hình thức cung ứng LĐ và các phương pháp tiếp cận của các DN khi tuyển dụng LĐ thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh đã làm thay đổi sự thụ động của các nhà tuyển dụng trước đây, thay vào đó là sự tự chủ và linh hoạt hơn của các nhà tuyển dụng, đã tác động tích cực đến ý thức của NLĐ và thị trường LĐ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về LĐ và việc làm của Bình Dương và các tỉnh. Từ kết quả của Chương trình, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch LKLĐ, quản lý nguồn nhân lực của địa phương.
Những vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ
Hiện nay nhiều DN chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở, nhà giữ trẻ cho công nhân ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ổn định của NLĐ. Một số DN đã có mức hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Tuy nhiên, giá cả hiện nay không ổn định: giá thuê nhà, và giá tiêu dùng thường xuyên tăng nhưng mức thu nhập của NLĐ lại không thay đổi, nên không theo kịp được với thị trường. Một số nơi môi trường và an ninh ở các khu nhà trọ chưa bảo đảm nên NLĐ không yên tâm để làm việc họ phải chuyển đi nơi khác, dẫn đến DN mất NLĐ. Cơ hội để DN tiếp xúc trực tiếp với NLĐ còn hạn chế. Chủ yếu công tác tuyển dụng được thực hiện qua trung tâm giới thiệu việc làm nên khi tuyển dụng LĐ thì DN chưa hiểu hết được tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu làm việc của NLĐ, cũng như chưa nắm bắt được văn hóa vùng miền. Ngoài ra trình độ học vấn của NLĐ còn thấp khiến DN phải mất nhiều thời gian để dạy nghề và sắp xếp công việc phù hợp với NLĐ. Thêm vào đó nhiều DN hiện vẫn chưa thực sự quan tâm đến bữa ăn của NLĐ, theo khảo sát tại 24 khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, rất ít DN chi 17.000 đồng cho bữa ăn trưa của NLĐ, còn đa phần 10.000 đồng, có nơi chỉ có 7.500 đồng.
Đa số NLĐ đến Bình Dương là ở nông thôn quen với tập tính tự do trong LĐ, chưa có ý thức kỷ luật LĐ trong môi trường làm việc công nghiệp nên hiệu quả công việc chưa cao, dẫn tới thu nhập thấp. Hiện nay mức lương của một số công ty, DN còn thấp, NLĐ mới làm việc tại công ty thời gian đầu lương chỉ đủ chi phí trang trãi cuộc sống, không có tích lũy nên không thu hút được NLĐ. Các công ty chưa có chính sách giữ NLĐ nên thường xảy ra tình trạng LĐ đổi chỗ làm việc từ công ty này sang công ty khác, gây tình trạng khan hiếm LĐ ảo. Bên cạnh đó là sự mất cân đối trong nhu cầu tuyển dụng LĐ về giới. Có quá nhiều DN cần tuyển dụng LĐ nữ và ít DN muốn tuyển dụng LĐ nam. Điều này xuất phát từ đặc thù sản xuất của DN: ngành may, điện tử, giày da... Từ đó dẫn đến sự cạnh tranh về LĐ nữ trong các DN. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho việc tuyển chọn LĐ của các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Tỉnh tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ
Chúng tôi đánh giá cao tính chịu thương, chịu khó, vốn kinh nghiệm trong công việc và thiện chí gắn bó lâu dài của nguồn nhân lực mà các tỉnh đã chia sẻ Bình Dương. Chương trình LKLĐ sẽ được tích cực triển khai trong giai đoạn 2011-2015 với những nhu cầu thiết thực hơn. NLĐ sẽ được đào tạo nghề theo yêu cầu của DN trước khi bước vào làm việc, điều kiện làm việc sẽ được cải thiện, các nhu cầu an sinh xã hội, thu nhập, nhà ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cũng như các ý kiến đề nghị của địa phương, DN sẽ được tỉnh hết sức quan tâm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, tạo cuộc sống ổn định để NLĐ thực sự an tâm công tác, gắn bó làm việc lâu dài và sẽ trở thành cư dân Bình Dương. Trên cơ sở đánh giá cao tiềm năng về nhân lực, cũng như xuất phát từ thực tế, chúng tôi khuyến khích và chào đón NLĐ từ các nơi ở mọi miền đất nước, hãy đến và làm việc tại Bình Dương thông qua chương trình LKLĐ.
Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Hóa Lê Đăng Thanh: Vẫn còn một số khó khăn
Trong quá trình tổ chức thực hiện LKLĐ cơ bản là thuận lợi, nhưng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc nên dẫn đến hiệu quả liên kết chưa cao. Chưa đáp ứng kịp thời nguồn lao động theo yêu cầu của Trung tâm giới thiệu việc làm và các DN của Bình Dương, đó là: Chính sách tiền lương của DN đưa ra chưa hấp dẫn, thu nhập của NLĐ, nhất là LĐ phổ thông chỉ cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Điều kiện ăn ở của NLĐ trong các KCN là vấn đề mang tính xã hội cao bởi 100% LĐ từ Thanh Hóa hoặc các tỉnh đến Bình Dương đều có nhu cầu nhà ở. Trong khi đó các DN, KCN chỉ mới đáp ứng được một phần cho nhu cầu này.
Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Kiên Giang Lê Quang Nam: Cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn
Qua 4 năm LKLĐ với Bình Dương, Trung tâm giới thiệu việc làm Kiên Giang có những kiến nghị: UBND Bình Dương chỉ đạo các công ty, DN cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho NLĐ về tiền lương, thu nhập, nhà ở, các khu vui chơi giải trí... Xem xét nâng mức hỗ trợ tiền học pháp luật LĐ và nhà trọ cho NLĐ và có chính sách hỗ trợ kinh phí tuyên truyền quảng cáo cho các địa phương có liên kết. Trung tâm giới thiệu việc làm Bình Dương làm cầu nối để đưa lãnh đạo chủ chốt các địa phương đi tham quan thực tế các công ty, DN tại Bình Dương để làm cơ sở chỉ đạo công tác giải quyết việc làm trong thời gian tới.
Chuyên viên tuyển dụng Phòng hành chánh - Nhân sự Công ty TNHH VN Onamba Nguyễn Hoàng Anh: Lao động từ các tỉnh làm việc ổn định
Qua 4 năm liên kết, công ty đã nhận gần 600 LĐ từ các tỉnh. Nhìn chung LĐ từ các tỉnh vào làm việc đa phần là LĐ có trình độ thấp, chưa có tác phong công nghiệp, không có tay nghề nhưng công ty đã mở những lớp đào tạo, hướng dẫn về quy trình sản xuất, nội quy... Với đức tính cần cù, chịu khó đa phần NLĐ từ các tỉnh làm việc tương đối ổn định so với LĐ tự do tại công ty. Tuy nhiên, vẫn còn gặp phải một số khó khăn: Vấn đề đi lại của địa phương khó khăn, gây trở ngại trong việc tư vấn LĐ tại các vùng sâu. Hệ thống cán bộ tư vấn còn mỏng, còn phải kiêm nhiệm nhiều việc, không có chi phí hỗ trợ...
VĂN SƠN