Câu chuyện về liên kết doanh nghiệp (DN) đã được đưa thành một chiến lược trước khi Việt Nam gia nhập WTO để tạo ra sức mạnh chung, giữ gìn “sân nhà” trước sức ép cạnh tranh của hội nhập. Tuy nhiên, WTO có những lộ trình và thực sự sức ép hội nhập mới chỉ được DN nhận thấy khi cam kết mở cửa thị trường bán lẻ phải thực hiện từ đầu năm 2009. Do đó, mặc dù đã có chuẩn bị nhưng theo nhận định từ các chuyên gia, do chưa chịu sức ép ngay, sự liên kết giữa các DN nội địa hiện vẫn còn lỏng lẻo...
Hệ thống phân phối bán lẻ cần liên kết lại để tạo sức mạnh chung trong cuộc chiến tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài trên “sàn nhà”Liên kết, biết nhưng còn để đó!
Sự cạnh tranh trên thương trường trong bối cảnh hiện nay ngày càng trở nên gay gắt, nhất là khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn còn ảnh hưởng nặng nề. “Liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN” là vấn đề không mới nhưng vẫn là một vấn nạn lâu năm đối với cộng đồng DN Việt Nam và đang nóng bỏng tính thời sự do áp lực của cạnh tranh ngày càng nhiều và do tình hình các nhà đầu tư và DN nước ngoài đẩy nhanh quá trình mua bán, sáp nhập, tăng cường sự hơp tác để cùng phát triển. Do đó, các DN Việt Nam cần phân tích những mặt mạnh yếu trong cạnh tranh để tìm ra các cơ hội và giải pháp để liên kết nhằm đối mặt với các thách thức trong bối cảnh mới.
Theo ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Vissan ngay từ đầu năm 2009, cùng với sự mở cửa thị trường bán lẻ, các DN nước ngoài đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều; nhất là các hệ thống siêu thị có tên tuổi và dày dạn kinh nghiệm trên thế giới. Các DN Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thương trường. Do đó, liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN là vấn đề sống còn của DN Việt Nam. Thị trường bán lẻ đã phải mở cửa, trong khi theo nhận định của nhiều chuyên gia, hệ thống bán lẻ của Việt Nam còn manh mún, phát triển tự phát, quy mô không đồng đều nên sức cạnh tranh còn yếu, chưa xây dựng được những thương hiệu tầm cỡ và đặc biệt là chưa có sự liên kết với nhau.
Không chỉ đối với lĩnh vực bán lẻ, giới chuyên gia còn cho rằng, sự liên kết giữa các DN Việt Nam với nhau nói chung còn rất hạn chế. Theo quan điểm của tiến sĩ, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, liên kết vẫn là một điểm yếu cố hữu của DN Việt Nam hiện nay. Điểm yếu này có thể nhận thấy rõ rệt từ tính liên kết nội bộ của DN trong nước không cao và ngay cả trong các mối quan hệ kinh tế với các đối tác, DN nước ngoài cũng không cao, vẫn thiếu tính bền chặt và lỏng lẻo.
Công bằng mà nói, dù nhận thức được một phần sức ép cần phải liên kết khi hội nhập nhưng sau 3 năm gia nhập WTO, với những lộ trình cam kết mở cửa và bảo hộ, các DN chưa cảm thấy hết sức ép cạnh tranh ghê gớm nên mặc dù câu chuyện liên kết đã khởi xướng từ lâu nhưng DN còn kém mặn mà vì “nước chưa đến chân”. Ngay cả với lĩnh vực bán lẻ đã được mở cửa từ tháng 1-2009 nhưng thực tế theo ông Bùi Duy Đức, đến nay các DN bán lẻ của Việt Nam chưa thật sự phải “đối đầu” với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là do một trong những trở ngại của các nhà bán lẻ nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam là chưa tìm được mặt bằng kinh doanh đúng yêu cầu. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ muốn phát triển tốt phải có vị trí kinh doanh thuận tiện nằm ở mặt tiền đường cũng như khả năng về tài chính mạnh mẽ...
Nhưng hơn ai hết, các DN Việt Nam cần phải nhận thức rằng, “nước đến chân”, chạy khó mà kịp được!
“Ba cây chụm lại...”
Theo phân tích từ tiến sĩ, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, để xây dựng nên một “hòn núi cao”, không còn con đường nào khác là các DN phải liên kết lại. Bà Lan cho rằng, hầu hết đại bộ phận các DN Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, quy mô về vốn nhỏ, công nghệ, quản lý... thiếu và yếu. Do đó, các DN cần phải ý thức được sự hạn chế này để cải thiện, nâng tầm quan hệ, liên kết của mình lên. Mặt khác, nếu không có một sự liên kết mạnh thì sức mạnh của mỗi DN cũng giảm đi và lợi thế nội tại của từng DN cũng sẽ không thể khai thác và phát huy một cách tốt nhất, đặc biệt không thể nhân lên thành một sức mạnh chung tập hợp lại của cộng đồng DN trong nền kinh tế khi phải đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trên thương trường trong thời kỳ hội nhập.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan khuyến nghị, có rất nhiều hình thức để các DN liên kết với nhau để mang lại hiệu quả như hình thành các công ty liên doanh giữa các DN Việt Nam với nhau. Điều này sẽ giúp cho các DN thực sự gắn kết với nhau như các bộ phận trong một cơ thể và rõ ràng ở đây tính liên kết sẽ ở cấp độ cao, phát huy được tối đa hiệu quả. Thêm nữa, các DN có thể phát triển ra thành các công ty cổ phần và trong thời gian tới, theo xu hướng chung, hiện tượng mua lại và sáp nhập giữa các DN chắc chắn sẽ tăng lên ở Việt Nam, các DN cũng nên quan tâm để nắm bắt cơ hội sáp nhập để thực hiện tốt điều này. Đây cũng là một biện pháp mà các DN sử dụng để tạo nên sức mạnh cho nhau.
Bà Lan cũng cho hay, thực tế một số dấu hiệu liên kết của các DN đã phát huy tác dụng thời gian qua. Đó là khi các DN cùng nhau đi thâm nhập một thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, cũng đã có những sự liên kết từ phía một số DN khi họ cùng chia sẻ cơ sở vật chất, hệ thống phân phối và cùng liên kết trong các chương trình xúc tiến thương mại... Còn ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Vissan, chia sẻ khi nghĩ đến việc liên kết với các DN để tăng sức cạnh tranh nhằm khai thác thế mạnh của nhau, hướng đến mục tiêu lâu dài là cung cấp hàng hóa chất lượng cao với giá cả ổn định đến gần người tiêu dùng hơn, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và tăng thêm thị phần. Đây là lý do để Vissan thực hiện liên kết với Foocosa. Hai đơn vị này đã hợp nhất 60 cửa hàng Vissan và 40 cửa hàng FoocoMart của Foocosa tạo thành chuỗi 100 cửa hàng của 2 thương hiệu. Theo ông Đức, việc mạnh dạn liên kết với các công ty cùng cung cấp lương thực, thực phẩm để cùng góp sức, góp vốn, trí tuệ, kinh nghiệm phát triển đã giúp hai DN phân phối hàng hóa đến gần người tiêu dùng nhiều hơn cũng như góp phần tạo nên giá trị tiện lợi cho hai thương hiệu. Sự liên kết còn tận dụng khai thác lợi được thế, hỗ trợ nhau góp phần ổn định giá cả lương thực thực phẩm, tạo sức mạnh chung trong cạnh tranh...
Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, để giúp các DN liên kết chặt chẽ với nhau cần phải phát triển một xã hội thông tin tốt, đầy đủ hơn, cập nhật và minh bạch hơn... sẽ giúp cho các doanh nhân nhìn thấy rõ được rằng còn có rất nhiều cơ hội cũng như những sức ép rất mạnh của việc cần thiết phải có sự liên kết. Ngoài ra, các DN cũng phải tạo được lòng tin với nhau làm ăn, hợp tác một cách đàng hoàng để có niềm tin, từ đó phát triển sự liên kết vốn còn lỏng lẻo lên một tầm cao hơn và bền chặt hơn. Nhà nước cũng phải xây dựng một thiết chế bằng pháp luật để quản lý sự liên kết của các DN; đồng thời có những chính sách khuyến khích tối đa sự liên kết của các DN cùng nhau làm ăn, tạo nên một quy mô lớn hơn trên thị trường.
THÀNH SƠN