Liên kết phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương đóng góp quan trọng

Cập nhật: 04-10-2018 | 09:02:25

Ngành công nghiệp có vị trí đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động của vùng, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế toàn vùng cũng như cả nước.

 Vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước

Theo đánh giá, thế mạnh lớn nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chính là phát triển công nghiệp. Hiện nay, hệ thống các khu công nghiệp trải dài khắp các tỉnh, thành phố trong vùng đã biến khu vực này trở thành vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước và thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, như Khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore...

Hiện nay, trên thế giới xu hướng phát triển công nghệ cao ngày càng phổ biến, do vậy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có thể tận dụng những lợi thế nói trên để thu hút nguồn vốn cho việc phát triển các khu công nghiệp cao. Thời gian qua, với việc hình thành các khu công nghiệp tập trung và đẩy mạnh phát triển các ngành mũi nhọn như công nghệ tin học, hóa chất, khai thác và chế biến dầu khí đã tạo ra bước đệm công nghiệp hóa không chỉ của vùng mà còn của cả nước. Cơ cấu kinh tế toàn vùng đã có bước chuyển dịch nhanh và đúng định hướng theo xu thế giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp và khu vực công nghiệp - xây dựng trong GDP, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP. Kết quả năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả vùng đạt 1.289.806 tỷ đồng, chiếm 31% cả nước.

Bình Dương có đóng góp quan trọng liên kết phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của nhà máy Kolon Industries, Khu công nghiệp Bàu Bàng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất toàn vùng được nâng cao về chất và lượng. Toàn vùng đã huy động được các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, nhờ đó đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước. Đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số lượng dự án, vốn FDI vào đây không ngừng tăng lên. Đối với công tác liên kết vùng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông, được các địa phương trong vùng chú trọng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thu hút đầu.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp

Nằm trong trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một trong những tỉnh nhận được quan tâm và hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch 9.093,25 ha cùng các cụm công nghiệp được phân bố trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của tỉnh. Việc thành lập các khu, cụm công nghiệp đã giúp cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao so với cả nước. Ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm qua phát triển với tốc độ cao, ổn định, đúng định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch công nghiệp đã đề ra; giá trị sản xuất công nghiệp luôn duy trì chiếm 18 - 21% trong cơ cấu công nghiệp của 8 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong những năm qua, tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ của Bình Dương trong GDP tăng dần qua các năm. Cụ thể, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 1997, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 22,8% xuống còn 3,74% trong năm 2017; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 50,4% năm 2000 lên 63,99% năm 2017.

Song song đó, tỉnh đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã thành công trong việc thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài và phát triển ngành công nghiệp. Thành phần kinh tế này đã tăng trưởng nhanh và cùng với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển khá, giữ vai trò là động lực giúp cho ngành công nghiệp tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đến nay, đã có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ đầu tư vào tỉnh.

Tháng 12-2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là cơ sở để định hướng cho công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, hiện đại trên cơ sở phát huy tổng hợp mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia, qua đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Đồng thời, việc phê duyệt quy hoạch này đã thể hiện được nguyện vọng, ý chí phát triển công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2025 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Có thể khẳng định, những thành công nói trên của ngành công nghiệp Bình Dương đã có đóng góp quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công nghiệp tỉnh nhà đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung, cũng như trong phát triển công nghiệp của cả nước. Các chuyên gia cho rằng sự phát triển hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường phải trên cơ sở khai thác tốt mọi nguồn lực đặt ra cho ngành công nghiệp Bình Dương giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 một trách nhiệm to lớn, cần rất nhiều nỗ lực, phối hợp của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân và sự quan tâm giúp đỡ sâu sắc, nhất quán, có hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên