Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề: Mang lại hiệu quả cao

Cập nhật: 14-12-2022 | 08:32:07

Nhiều năm qua, các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh đã có sự “bắt tay nhau” trong hoạt động đào tạo. Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gắn kết với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giúp học sinh (HS), sinh viên (SV) bắt nhịp ngay với công việc sau khi các em vừa tốt nghiệp ra trường.

 Đại diện các DN tham gia hội thảo “Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh năm 2022”

 Tăng cường hợp tác

Hiện nay, công tác đào tạo nghề gắn kết với DN đã có những chuyển biến tích cực tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Một số cơ sở GDNN đã thực hiện đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của DN, mời DN đến tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo, như: Trao đổi thông tin giữa cơ sở GDNN và DN, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành hoặc đưa HS, SV trải nghiệm làm việc tại DN trong thời gian học tập. Đó là những hình thức các trường đang thực hiện nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có kỹ năng nghề ngay sau khi ra trường.

Trao đổi với P.V, ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết các trường cao đẳng, trung cấp công lập trực thuộc tỉnh đều tập trung ở thành phố, thị xã, nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là điều kiện tốt để các trường đẩy mạnh, thu hút DN, hợp tác với DN đồng hành giải quyết bài toán đào tạo gắn với nhu cầu của DN, góp phần nâng cao chất lượng GDNN và giải quyết việc làm.

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trường Cao đẳng Y tế Bình Dương luôn quan tâm, chú trọng đến chất lượng đào tạo. Nhà trường đã phối hợp với các bệnh viện, công ty, xí nghiệp dược phẩm, hệ thống nhà thuốc để đưa SV đến thực tập. Đối với khối y, các em thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền, các trung tâm y tế. SV khối dược được thực tập ở Trung tâm Kiểm nghiệm, khoa dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế, các công ty, nhà máy sản xuất dược, như: Imexpharm, Rohto-Mentholatum Việt Nam, Davipharm, Boston, hệ thống nhà thuốc Long Châu, An Khang…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Quả thật, giờ đây HS, SV tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp đã vững vàng thể hiện năng lực nơi các em công tác khi đã được thầy cô trang bị đầy đủ kiến thức về lý thuyết lẫn thực hành tại DN. Tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, chương trình đào tạo của trường có 70% thời lượng là thực hành. Bên cạnh đó, nhà trường còn hợp tác chặt chẽ với các DN để kịp thời nắm bắt được nhu cầu lao động của các DN. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, đến nay trường đã xây dựng mối quan hệ, liên kết chặt chẽ với nhiều DN trong và ngoài tỉnh trong hoạt động đào tạo. Mặt khác, nhà trường thường xuyên mời các DN tham gia xây dựng, thẩm định, đánh giá chương trình đào tạo; tích cực phối hợp cùng DN thực hiện đào tạo lý thuyết, thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp… Ngoài ra, trường còn ký kết thỏa thuận hợp tác với các DN, tạo điều kiện cho HS, SV năm cuối có cơ hội được trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phù hợp với ngành nghề theo học, qua đó giúp các em làm quen với môi trường sản xuất thực tế và trau dồi thêm kỹ năng tay nghề.

Tạo dựng thương hiệu qua chất lượng đào tạo, trường Cao đẳng nghề Việt Nam -Singapore đã xây dựngchương trình đào tạo linh hoạt; đào tạo theo đặt hàng của DN. Theo ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, nhà trường thực hiện liên kết với DN trong đào tạo theo hướng đa dạng hơn, tăng cường cho SV được thực hành, thực tập tại DN. Đào tạo nghềgắn với DN, trường thực hiện đào tạo theo địa chỉsử dụng lao động. Đây làmột trong những giải pháp quan trọng đểphát triển giáo dục nghềnghiệp, nâng cao tỷ lệlao động qua đào tạo, góp phần giải quyết việc làm vàphát triển nguồn nhân lực.

Hàng năm, nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn kết giữa đào tạo và việc làm, giữa cơ sở GDNN và DN, qua đó đẩy mạnh việc hợp tác 3 nhà: Nhà trường - nhà DN và Nhà nước trong hoạt động GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều định kỳ tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương với sự tham gia của đại diện các sở ngành, các cơ sở GDNN. Đặc biệt, hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia của các DN, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh để cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển GDNN đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Việc các cơ sở GDNN cùng DN bắt tay nhau trong đào tạo có lợi cho cả đôi bên. Các trường nghề đào tạo nguồn nhân lực xã hội cần, DN không mất thời gian đào tạo lại người lao động. Về phía người học, họ có kỹ năng nghề nghiệp, nhanh chóng tìm được việc làm thích hợp ngay khi vừa ra trường. Thực tế đã chứng minh, sự phối hợp trong đào tạo, tuyển dụng giữa nhà trường và DN là rất cần thiết, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí xã hội.

 Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ HS, SV, người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp khoảng 90%. Trong đó, có một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có số lượng HS, SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao, một số trường đạt tỷ lệ 100%, nhiều DN đồng ý tuyển dụng ngay khi các em còn đang đi thực tập. Mức lương trung bình hàng tháng của người học nghề sau khi tốt nghiệp là từ 5 triệu đến 9 triệu đồng.

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=570
Quay lên trên