Hãng AFP ngày 27-3 đưa tin, lực lượng liên quân vẫn tiếp tục tăng cường những đợt xuất kích vào Libya trong tối 26-3 (giờ địa phương) so với trước đó một ngày là 153 đợt. Hai phần ba là không kích, phần còn lại là để giám sát vùng cấm bay. Thống kê từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, kể từ khi chiến dịch tấn công Libya bắt đầu ngày 19-3, liên quân đã tiến hành 1.257 cuộc xuất kích trong đó có 540 lần tấn công các mục tiêu Libya. Số lượt máy bay được điều động đa phần thuộc về quân đội Mỹ.
Quân nổi dậy tại Libya đã giành quyền kiểm soát tất cả các thành phố dầu mỏ chủ chốt ở nửa phía Đông của Libya như Es Sider, Ras Lanuf, Brega, Zueitina, Tobruk và một số thành phố, làng mạc khác.
Liên quân không kích vào dân thường?
Tại Tripoli, người phát ngôn của chính phủ Libya, Mussa Ibrahim cho biết, những đợt không kích của lực lượng liên quân đã giết chết nhiều binh sĩ chính phủ và dân thường tại khu vực Ajdabiya và Sirte. Ông kêu gọi HĐBA LHQ phải sớm tổ chức một cuộc họp khẩn thảo luận lệnh ngừng bắn tại Libya.
Theo Chính phủ Libya, gần 100 dân thường đã thiệt mạng trong những đợt không kích của liên quân.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào sáng 27-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố chính phủ Libya đã dựng lên một màn kịch. Ông Robert Gates cho rằng, phe ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi đã xếp những xác dân thường bị lực lượng quân đội của ông Gaddafi giết hại từ trước vào những khu vực lực lượng liên quân không kích. Ông Gates cũng cho biết Mỹ đã quyết định can dự quân sự tại Libya vì tình trạng hỗn loạn tại nước này có thể đe dọa tới các cuộc cách mạng dân chủ hiện nay ở Ai Cập và Tunisia.
Ngoại trưởng Italia Franco Frattini cho biết, Roma sẽ trình kế hoạch riêng về tình hình Libya tại cuộc họp ngoại trưởng các nước NATO, dự kiến diễn ra ở London vào ngày 29-3 tới. Theo ông Frattini, cho biết NATO sẽ nắm quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya chậm nhất là ngày 28-3. Trong cuộc họp báo tại Brussels, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho hay, ông và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ thông báo “sáng kiến Anh - Pháp để chứng tỏ rằng, quân sự không phải là giải pháp duy nhất mà bắt buộc phải có chính trị và ngoại giao”.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa, cho biết AL và Liên minh châu Phi (AU) đang xem xét những đề xuất mới về tình hình Libya. Theo ông Amr Moussa, hai bên đã thảo luận về tình hình Libya sau khi áp đặt vùng cấm bay. Trước đó, Chính phủ Libya tuyên bố Tripoli sẵn sàng thực hiện lộ trình do AU đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libya.
Quan ngại về giá dầu
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya và chiến dịch tấn công quân sự vào nước này kéo dài trong hơn một tháng qua đã đẩy giá dầu tăng cao. Libya hiện là nước có trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất châu Phi, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 15 thế giới, với 1,2 triệu thùng/ngày. Chất lượng dầu của Libya được đánh giá rất cao do đây là loại dầu ngọt, nhẹ. Giá dầu Brent đã vượt mốc 117USD/thùng. Giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 4 ở Mỹ đã vượt hơn 100USD/thùng.
Không chỉ một phần sản lượng dầu mỏ của Libya bị ảnh hưởng bởi biểu tình và đàn áp kéo dài, giới phân tích còn tỏ ra lo ngại về diễn biến tương tự có thể xảy ra ở các nước thành viên lớn thuộc OPEC, như Iran và điều này chắc chắn tác động mạnh đến nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Về thiệt hại, châu Âu được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Khoảng 23% lượng dầu nhập khẩu của Ireland và 22% của Ý đến từ Libya. Thị trường Mỹ bị ảnh hưởng ít hơn vì chỉ nhập 51.000 thùng, tương đương chưa đến 1% lượng dầu nhập khẩu mỗi ngày của nước này.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, giá dầu quốc tế hiện đã rơi vào khu vực nguy hiểm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những chuyên gia phân tích từ hãng tài chính Nomura còn bi quan hơn khi cho rằng, dầu có thể lên đỉnh 200USD một thùng nếu nguồn cung dầu của cả Libya và Algeria bị ngưng trệ.
Theo SGGP