35 năm sau ngày thống nhất đất nước, trên 100 đại biểu là những người lính đặc công phân khu Bình Phước năm xưa lần đầu tiên có dịp gặp nhau tại thị xã Đồng Xoài nhân kỷ niệm 43 năm thành lập Binh chủng Đặc công (1967-2010). Hòa trong niềm vui chung cùng cả nước hướng tới kỷ niệm 30-4, các chiến sĩ đặc công phân khu Bình Phước kể lại chuyện xưa...
Các đơn vị đặc công phân khu đầu tiên được thành lập có U11, U13 kế đó là C75, C15 rồi được bổ sung U12, U15 từ miền Bắc chi viện. Từ đó, đơn vị Đặc công phân khu Bình Phước ra đời và cùng chung lưng chiến đấu trên mảnh đất Bình Phước anh hùng suốt thời gian dài chống Mỹ cứu nước. Ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn gian khổ, hoạt động trên địa bàn rừng núi rộng lớn dọc biên giới 3 tỉnh Bình Long - Phước Long - Quảng Đức thuộc chiến trường miền Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên với hệ thống đồn bót địch dày đặc, các đơn vị đặc công phân khu nhiều lúc đói cơm, thiếu muối, phải ăn củ mài, củ chụp, lá bép, rau rừng thay cơm để đánh giặc.
Được sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Bình Phước, các đơn vị đặc công phân khu đã kiên trì bám trụ, bám địa bàn, vừa tổ chức chống càn, vừa trinh sát nắm địch, móc nối xây dựng cơ sở cách mạng. Với tinh thần chủ động sáng tạo, các đơn vị đặc công phân khu càng đánh càng thắng, càng trưởng thành, đặc biệt đánh độc lập, đánh tập trung, đánh hợp đồng binh chủng đều giỏi. Đặc công phân khu Bình Phước đã đánh hơn 200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gọn 14 đại đội, 20 trung đội, đánh thiệt hại nặng và tiêu diệt gọn 2 chi khu, diệt hơn 3.200 tên Mỹ - ngụy, bắt sống 76 tên, phá hủy 50 xe quân sự, 14 khẩu pháo cối, 17 bể xăng, 2 kho đạn, 4 dàn ra-đa, 1 nhà máy điện, 3 máy bay và nhiều đồn bót nhỏ của địch, thu gần 200 súng các loại. Nổi bật là các trận đánh vào sân bay và Chi khu Phước Bình, Trung tâm Biệt kích Nhân Cơ, sân bay Gia Nghĩa, Trung tâm truyền tin của Sư đoàn 5 và 2 tỉnh Bình Long - Phước Long, cao điểm Bà Rá. Đặc biệt, các đơn vị đặc công phân khu còn tham gia mở màn chiến dịch giải phóng Phước Long trong 45 phút. Đây là trận đầu tiên trên chiến trường miền Nam, được sự hỗ trợ của lính đặc công, bộ đội địa phương đã tiêu diệt gọn 1 chi khu của địch.
Với những thành tích xuất sắc đó, Đặc công phân khu Bình Phước đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công giải phóng Nhất, Nhì, Ba và tặng cờ Thành đồng quyết thắng cho tập thể. Hơn 100 cán bộ chiến sĩ đặc công phân khu Bình Phước được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng và các danh hiệu dũng sĩ, chiến sĩ thi đua. Đặc biệt, 2 đơn vị U11, U13 được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu và tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, các đơn vị đặc công phân khu Bình Phước được giải thể. Hầu hết cán bộ chiến sĩ đặc công phân khu Bình Phước năm xưa hiện đều đã xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành về sinh sống và công tác ở các tỉnh thành như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM...
AN BÌNH