Với quy định hiện hành, người gửi tiền có kỳ hạn vì có việc gấp phải “phá” sổ tiết kiệm bằng cách rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu mất trắng tiền lãi. Thông tư 04/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có quy định mới về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn, người gửi tiền tiết kiệm vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu.
Theo quy định mới, tiền gửi tiết kiệm cho phép được rút gốc linh hoạt một phần, số tiền còn lại vẫn sẽ được hưởng lãi suất đúng hạn theo quy định sẽ thu hút được nguồn huy động vốn trung và dài hạn. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương
Quy định mới
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Bình Dương, cho biết đây là nội dung mới tại Thông tư 04 vừa được NHNN ban hành, có hiệu lực từ 1-8 tới đây và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10-3-2011.
Theo thông tư mới, tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của NHNN đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể. Theo đó, lãi suất rút trước hạn tiền gửi áp dụng phù hợp với quy định theo hai trường hợp.
Thứ nhất, trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. T
hứ hai, trường hợp rút trước hạn một phần tiền gửi, áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. Đối với phần tiền gửi còn lại được TCTD giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Theo phân tích của ông Võ Đình Phong, trước đó, nội dung này được các ngân hàng kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và nhằm bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.
Linh hoạt rút - gửi vốn
Có thể thấy, việc rút tiền gửi trước thời hạn là việc người gửi rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi đã được thỏa thuận với TCTD. Thế nhưng trên thực tế, vì một lý do nào đó khi người gửi tiền cần gấp một khoản tiền buộc phải rút tiền gửi có kỳ hạn thì toàn bộ số tiền gửi chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn rất thấp.
Trường hợp chỉ muốn rút một phần tiền gửi thì số tiền gửi còn lại cũng không được tiếp tục duy trì tiếp với lãi suất và kỳ hạn đã gửi trước đó, người gửi tiền phải gửi số tiền còn lại với kỳ hạn mới và lãi suất tại thời điểm gửi. Điều này vô hình chung khiến người gửi rất ngán ngại khi chọn hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn dài (từ 6 tháng trở lên). Vì vậy, người gửi tiền thường chia ra nhiều sổ tiết kiệm để gửi hoặc không mạnh dạn chọn kỳ hạn gửi dài. Theo đó, các TCTD vừa lãng phí phôi sổ và khách hàng cũng khó quản lý các tài khoản, các sổ tiết kiệm của mình.
Chị Phạm Thị Liên ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết chị là người đầu tư năng động với nhiều dự án liên tục cần xoay vòng vốn, việc để tiền gửi có kỳ hạn sẽ làm bị động khi muốn rút tiền ngay và khi rút tiền vốn vào gần cuối kỳ sẽ chịu mất tiền toàn bộ tiền lãi trước đó. “Nay khi muốn rút tiền vẫn được tính lãi suất cho thời hạn gửi trước đó là cách tính toán linh hoạt, khách hàng không còn băn khoăn khi cần rút vốn trước hạn”, chị Phạm Thị Liên nói.
Theo ông Võ Đình Phong, quy định mới giúp khách hàng linh hoạt hơn khi cần rút tiền trước hạn, không cần phải rút toàn bộ. Và quy định cụ thể về việc rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn. Đồng thời, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.
THANH HỒNG