Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) đang dần ổn định trong trạng thái “bình thường mới”. Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh gần 2 tháng qua đã có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực.
Bình Dương đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp để từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục và phát triển KT-XH. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Shinsung Tongsang Vina, TP.Dĩ An
Trở lại mạnh mẽ
Gần 2 tháng qua, Bình Dương chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tỉnh tiếp tục các biện pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh, khôi phục phát triển KT-XH, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động SXKD của doanh nghiệp (DN), đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 2021…
Để hoàn thành tốt nhất những mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Nổi bật là tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc đối thoại để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư. Từ đó tìm cách tháo gỡ kịp thời, tạo sức mạnh tổng hợp, khơi thông nhiều nguồn lực, từng bước giúp kinh tế tỉnh càng thêm khởi sắc. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ DN, trực tiếp khảo sát, nắm tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn phục hồi sản xuất của DN trong điều kiện “bình thường mới”. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.500 DN sản xuất đăng ký hoạt động theo các mô hình như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh” và “3 tại chỗ linh hoạt”, với hơn 700.000 lao động; 96% DN trong các KCN đã hoạt động trở lại. Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng; theo dõi nắm tình hình lao động khi DN trở lại hoạt động sản xuất.
Theo ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn và thực hiện các biện pháp để hỗ trợ tích cực cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh đã theo dõi sát tình hình hoạt động và số thu nộp ngân sách của các DN; hỗ trợ DN thông quan nhanh hàng hóa, hoàn thuế kịp thời, tạo điều kiện để tái đầu tư vào hoạt động SXKD. Cục Hải quan tỉnh còn tổ chức nhiều buổi đối thoại gặp gỡ, làm việc với các DN trên địa bàn.
Đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhờ những biện pháp tích cực, quyết liệt, linh hoạt của tỉnh, trong gần 2 tháng qua tình hình KT-XH của tỉnh đã khởi sắc trở lại. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu phát triển của tỉnh vẫn được duy trì, bảo đảm theo kịch bản tăng trưởng. Đó là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN.
Lực đẩy tăng trưởng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống KT-XH, trở lại với trạng thái bình thường, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10-2021 ước tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN phát triển SXKD. Cộng với sự nỗ lực cao của các DN trong việc khôi phục sản xuất sau khi dịch bệnh Covid-19 “hạ nhiệt”, hoạt động SXKD của ngành công nghiệp tăng trưởng trở lại, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Theo ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Tôn Nam Kim, để duy trì hoạt động sản xuất, nhiều chi phí của DN đã tăng cao như chi phí cho tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, vận chuyển, xét nghiệm… Doanh thu trong quý III-2021 của công ty bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, bắt đầu từ quý IV, công ty đã nhận được thêm rất nhiều đơn hàng lớn. Công ty xác định mục tiêu phải tăng tốc sản xuất để bảo đảm tăng trưởng.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc kiểm soát tốt dịch bệnh chính là “chìa khóa” lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Để giữ gìn, phát huy thành quả, vấn đề căn bản nhất hiện nay là phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển SXKD. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, cách làm sáng tạo để khôi phục và phát triển KT-XH trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt.
NGỌC THANH