Linh hoạt thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ

Thứ sáu, ngày 04/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ tác động đến các ngành như điện tử, dệt may, giày dép, đồ gỗ Việt Nam, song cũng có thể trở thành động lực để kinh tế Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững hơn.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ; trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng ở mức 46% đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Theo các chuyên gia phân tích, với mức thuế suất nhập khẩu đối ứng mà phía Mỹ áp đặt sẽ tác động mạnh đến các nhóm ngành điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ của Việt Nam trong ngắn hạn song đây có thể trở thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, những ngành hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất hiện nay là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành này có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Do đó, 5 nhóm ngành này sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất trong thương chiến.

Bình luận về thách thức này, Tiến sỹ Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho rằng, sắc lệnh thuế của Mỹ chắc chắn sẽ tác động đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ trong thời gian gần đây.

Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP,… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal với 2,2 tỷ người dân, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi,…. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn.

Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân.

Đứng trước chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ; định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam; tăng cường mua hàng từ Mỹ; tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường; thúc đẩy nhanh các chính sách kinh tế mới như đầu tư công để kích cầu, hay phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.

Cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh thực chất hơn nữa.

Tiến sỹ Bùi Quý Thuấn khuyến nghị các doanh nghiệp Việt có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế.

Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng và đa dạng thị trường và cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm khác biệt thì mới có thể sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai.

Mỹ hiện vẫn là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho biết mong muốn Chính phủ khẩn trương làm rõ mặt hàng nào là thặng dư thương mại, mặt hàng nào Mỹ đang được hưởng lợi.

Chia sẻ doanh nghiệp sẽ tiếp tục thích ứng bằng việc chuyển hướng tìm kiếm những thị trường mới song ông Tùng cũng chia sẻ mong muốn nhận được hỗ trợ để cắt giảm chi phí, ổn định được thị trường.

Trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho hay, hiện nay, quốc gia này đang xuất siêu rau quả vào Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD.

Hiện tại, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, chưa nên quá hoang mang, lo lắng. Vì lúc này Mỹ không áp dụng mức thuế 46% cho tất cả các mặt hàng và nhiều khả năng sẽ không bị áp mức thuế này cho ngành hàng rau quả Việt.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Vinafruit cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn./.

Theo TTXVN