Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp-đô thị phía bắc của tỉnh, huyện Bàu Bàng đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) đến năm 2025 (gọi tắt là quy hoạch). Theo quy hoạch, Bàu Bàng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; trong đó công nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ đạo, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, đô thị và nông nghiệp.
Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng là điểm trung tâm, tạo sự kết nối giao thông đô thị và giao thông đối ngoại của huyện Bàu Bàng với các khu công nghiệp của tỉnh, cũng như các địa phương khác qua quốc lộ 13, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng. Trong ảnh: Đường vào Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Phát triển mạnh công nghiệp, đô thị
Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Bàu Bàng đến năm 2025 được xây dựng và triển khai trên cơ sở đặt trong mối quan hệ tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phù hợp với tiềm năng và lợi thế của huyện về đất đai, địa hình, cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư… Từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế phù hợp.
Theo quy hoạch, mức tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 của huyện Bàu Bàng là 18%/năm, giai đoạn 2020-2025 là 22%/ năm; tăng trưởng doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 là 23,38%, giai đoạn 2020-2025 là 24%/năm. Về phát triển công nghiệp, huyện sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại như sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến lương thực - thực phẩm… Đối với các khu công nghiệp (KCN), sẽ phát triển theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đầu tư đồng bộ về sản xuất, dịch vụ và nhà ở trong và ngoài KCN.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch của tỉnh, việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, trong đó huyện Bàu Bàng được điều chỉnh tăng diện tích KCN Lai Hưng từ 400 ha lên 600 ha, KCN Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha là cơ sở và động lực lớn để huyện đặt mục tiêu phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh.
Bên cạnh đó, với việc mở rộng diện tích của KCN - đô thị Bàu Bàng thêm 1.000 ha đã nâng tổng diện tích của KCN - đô thị này lên hơn 3.200 ha. KCN - đô thị Bàu Bàng sẽ đóng vai trò cửa ngõ quan trọng trong việc giao thương, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế không những cho Bình Dương mà còn cho cả Đông Nam bộ và Tây nguyên.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, ngoài việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp của huyện sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản tại địa phương và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện sẽ phát huy thế mạnh của địa phương là cây cao su và chăn nuôi...
Hoàn thiện hệ thống giao thông
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp - đô thị và dịch vụ theo quy hoạch, huyện Bàu Bàng sẽ triển khai phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó tập trung vào xây dựng mạng lưới giao thông kết nối huyện với các vùng trong khu vực theo trục bắc - nam, đông - tây và phát triển hệ thống giao thông đô thị. Trọng tâm hệ thống giao thông của huyện là ngoài quốc lộ 13, đường tạo lực Mỹ Phước- Bàu Bàng được coi là tuyến đường nhằm tạo động lực để đẩy mạnh phát triển KCN - đô thị Bàu Bàng, tạo sự liên kết vùng giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ đến sân bay, bến cảng. Từ đó góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 13, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, cũng như tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bàu Bàng. Ngoài ra, huyện sẽ đầu tư cải tạo, xây dựng các tuyến theo hướng đông - tây như ĐT750, ĐT749C… kết nối với các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo. Huyện còn xây dựng mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ và liên hoàn giữa khu đô thị, khu thương mại - dịch vụ, du lịch, khu dân cư…
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng khẳng định, với quyết tâm phấn đấu đưa Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp-đô thị phía bắc của tỉnh, ngoài việc cùng với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện còn khuyến khích, mời gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực như ngân hàng, siêu thị... để tạo “cú hích” trong phát triển dịch vụ - đô thị. Qua đó đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện.
HOÀNG PHẠM