Livestream bán nông sản kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm

Cập nhật: 06-08-2024 | 12:53:21

(BDO) Để tăng giá trị cây trồng, tránh “được mùa mất giá”, nhiều nông dân Bình Dương đã học cách livestream (phát trực tiếp) bán hàng. Thay vì chỉ tiêu thụ nông sản tại địa phương, họ đã mở rộng kênh bán hàng trên toàn quốc. Nhờ đó, những đặc sản hoa cảnh, rau củ, trái cây… không những được quảng bá mà còn có giá trị cao bất ngờ. 

Lợi nhuận tăng gần gấp 10 

Ứng dụng livestream bán hoa lan từ năm 2016 để thay thế phương thức kinh doanh truyền thống dần không hiệu quả và quá lệ thuộc vào thương lái, giờ đây chị Thạch Thị Kim Hoa (32 tuổi), ngụ xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng từ 300 đến hơn 400 đơn hàng/ngày, gấp 10 lần so với trước, cùng tổng doanh thu hơn 8 tỷ đồng/năm. 


Chị Kim Hoa (giữa) vừa chăm sóc, vừa livestream bán hoa lan tại vườn. Ảnh: Thượng Hải

“Ban đầu livestream rất ngại, mặc dù tôi có qua trường lớp và có kinh nghiệm lâu năm trồng, chăm sóc hàng trăm giống lan nhưng vẫn không nói trôi chảy. Ngoài ra, do chưa quen đóng gói đi xa nên lan bị gãy đổ, úng chết và không biết cách thức vận hành nên tôi bị “bom” hàng có khi đến chục triệu đồng/ngày”, chị Hoa kể.

Để làm quen, chị Hoa chia 2 đợt livestream/ngày, khoảng từ 4-8 tiếng/đợt. Chị còn lên mạng tìm hiểu cách thức livestream, xây dựng kênh bán hàng, mở nhiều mã ưu đãi cho khách hàng để đưa hoa lan đi toàn quốc. 

Lập nghiệp với bưởi da xanh từ năm 2016, chị Lê Thị Hồng Nhung (37 tuổi), ngụ xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, cho biết ban đầu làm nhỏ lẻ tại địa phương. Do ít khách hàng nên chị chỉ bán được vài chục ký bưởi/ngày, chưa kể việc bị tồn kho, hư hỏng. Đỉnh điểm mùa mưa kéo dài, khoảng 20-30% bưởi phải bỏ đi.

Năm 2018, thấy nhiều người livestream bán quần áo được nhiều đơn hàng, chị Nhung bắt đầu tìm hiểu và tập đứng trước điện thoại để bán bưởi trực tuyến. Lúc đầu, do ngại và ít kinh nghiệm nên tình hình không khả quan, thậm chí nhiều người đặt mua nhưng không chuyển tiền lại cho chị. 

“Từ những rủi ro đó mà tôi học hỏi thêm, bắt đầu tăng thời gian livestream vào buổi trưa và tối để giới thiệu đặc sản bưởi da xanh ở Bình Dương. Nhờ vậy, tôi đẩy mạnh được nguồn hàng ra khu vực miền trung và bắc. Giờ đây, một ngày tôi có thể bán được hơn 10 tấn bưởi với doanh thu khoảng 1-1,3 tỷ đồng/năm”, chị Nhung cho hay.

Hiện tại, nữ nông dân này sở hữu vựa bưởi da xanh có diện tích 500m2, kết nối hơn 400 nhà vườn trên toàn quốc. Ngoài ra, chị Nhung còn hợp tác phân phối bưởi với 5 đại lý tại tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, TP. Hà Nội và tạo sinh kế cho 20-25 lao động trên địa bàn. 


Từ buôn bán nhỏ lẻ, giờ đây chị Nhung đã sở hữu vựa thu mua bưởi da xanh kết nối hơn 400 nhà vườn nhờ livestream. Ảnh: Thượng Hải

Hỗ trợ kiến thức về chuyển đổi số cho nông dân

Nhờ livestream, chị Nhung được kết nối với nhiều đơn vị hợp tác, giúp vận chuyển bưởi nhanh chóng, trong 1 ngày ở khu vực miền Nam và 3 ngày với tỉnh, thành khác. “Livestream giúp cho các nhà vườn tìm được nguồn khách hàng, thay vì bị mua rẻ hay bán lỗ. Bưởi tồn kho giờ chỉ khoảng vài chục ký, cải thiện rất tốt so với trước”, chị Nhung nói. 

Chia sẻ về những thuận lợi khi livestream, chị Kim Hoa cho biết: “Tôi tiếp cận đa dạng các khách hàng trên toàn quốc nên tăng khả năng cạnh tranh và không còn cảnh bị ép giá từ thương lái. Ngoài ra, livestream cũng giúp tôi chia sản phẩm thành nhiều phân khúc khác nhau, giúp người mua thoải mái lựa chọn theo nhu cầu. Do đó, tôi có thể bán lẻ từng chậu lan theo đơn hàng thay vì chờ một lô đặt sỉ khá lớn để vận chuyển xa như trước”.

Trong thời điểm này, 2 vườn lan của chị Hoa dường như không đáp ứng đủ thị trường do lượng đơn hàng khá lớn. Do đó, chị bắt đầu hình thành chuỗi liên kết và tạo vùng nguyên liệu khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, như: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh… 


Vựa bưởi của chị Nhung kết nối hơn 400 nhà vườn toàn quốc. 
Ảnh: Thượng Hải

Về kinh nghiệm livestream và vận chuyển nông sản, chị Hoa nói cần phải khéo léo từ cách quảng bá sản phẩm cho đến khâu làm việc với khách hàng. Ngoài ra, để tránh tình trạng nông sản bị “bom” hàng hay cạnh tranh không lành mạnh, cần tìm nhà vận chuyển uy tín có thể xử lý an toàn và thỏa đáng khi có vấn đề thất lạc đơn hàng, yêu cầu người mua đặt cọc trước hoặc có nguồn khách quen trên các hội nhóm để có thể mua lại nông sản giá rẻ. 

Nhận xét về các mô hình livestream bán nông sản trên địa bàn, ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Thạnh, chia sẻ: “Livestream giúp cho nhiều nông dân xã Minh Thạnh bán được nông sản, hỗ trợ giải quyết việc làm và thu mua sản phẩm của các nhà vườn. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng liên quan để có những giải pháp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cho hội viên nông dân”. 

Chia sẻ về xu hướng bán nông sản trực tuyến, ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương, cho biết: “Không chỉ riêng các loại hoa cảnh mà nhiều nhà vườn trồng xoài, bưởi, sầu riêng… trên địa bàn tỉnh cũng đang livestream bán nông sản. Trong tương lai, các kênh bán hàng trực tuyến sản phẩm nông nghiệp sẽ phát triển và tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, do đó cần nhân rộng để nhiều người biết đến”.

Thượng Hải

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3674
Quay lên trên