Lo ngại rủi ro từ gỗ nhập

Cập nhật: 23-04-2021 | 08:10:03

Tại hội thảo “Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp với các hiệp hội xuất khẩu gỗ địa phương tổ chức, các doanh nghiệp (DN) phấn khởi trước sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được giữ vững ở mức 2 con số trong năm 2020. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra như kim ngạch xuất khẩu của ngành có bền vững? Một trong các tồn tại đó là việc kiểm soát rủi ro trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu là các loài gỗ tự nhiên.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 - 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, những rủi ro về tính pháp lý của nguồn cung gỗ nhiệt đới nhập khẩu đang đe dọa đến sự bền vững của toàn ngành. Theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào tháng 9-2020, có hiệu lực vào tháng 10-2020 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm. Nghị định quy định khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam các DN cần phải bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp.

Năm 2020, Việt Nam có khoảng 240 DN trực tiếp tham gia nhập khẩu. DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ đóng vai trò chủ đạo về số lượng DN tham gia khâu nhập khẩu gỗ châu Phi vào Việt Nam. Theo VIFOREST, hầu hết các giao dịch giữa người mua (công ty nhập khẩu tại Việt Nam) và người bán (công ty xuất khẩu tại châu Phi) là các giao dịch online, thông qua việc trao đổi hình ảnh của gỗ qua mạng xã hội. Các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, không có điều kiện kiểm tra thực địa về các hoạt động trong chuỗi cung xuất khẩu. Các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất khẩu cũng không được kiểm chứng về tính xác thực.

Các DN đề xuất việc giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu là gỗ tự nhiên cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu nhập khẩu đối với nguồn gỗ rủi ro theo tinh thần của Nghị định VNTLAS, bảo đảm tính hợp pháp.

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần yêu cầu các DN thực hiện bổ sung thông tin trong hồ sơ nhập khẩu nhằm minh chứng cho tính hợp pháp. Từ đó thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Các DN cần bảo đảm, cam kết và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu như hiện nay. Mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra hành lang pháp lý để nhập khẩu gỗ về Việt Nam, đặc biệt là gỗ rừng nhiệt đới phải là gỗ hợp pháp.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=450
Quay lên trên