Lo thuế tăng, doanh nghiệp “chạy nước rút”

Thứ sáu, ngày 18/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Theo các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, thời điểm này hầu hết các DN trong ngành đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6-2025 và đang tiếp tục đàm phán ký kết đơn hàng trong quý III-2025. Tuy nhiên, khách hàng tỏ ra thận trọng khi các chính sách về thuế quan mới của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng nhiều tới chuỗi cung ứng từ quý III-2025. Hiện đơn hàng có dấu hiệu chững lại vì khách hàng đang nghe ngóng tác động từ các chính sách thuế của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, các DN đang tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường trong 6 tháng đầu năm để tăng trưởng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu khi các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ đối với hàng hóa của Việt Nam chưa xảy ra. Bên cạnh đẩy nhanh sản xuất các đơn hàng, các DN đang tập trung đàm phán đơn hàng có thời gian giao hàng nhanh, không xử lý đơn hàng theo nguyên tắc thông thường. Hiện nay, DN đã có các biện pháp đàm phán đối với các đơn hàng FOB (người bán chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đến cảng xuất khẩu, giao hàng lên tàu do người mua chỉ định. Sau khi hàng hóa được chất lên tàu, trách nhiệm đối với hàng hóa sẽ chuyển sang người mua), làm rõ nguyên tắc trong các hợp đồng đàm phán đối với trường hợp giao hàng sau tháng 6-2025 về nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu, cam kết đồng hành của các nhà mua hàng đối với nhà sản xuất.

Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, hiện tại các biện pháp thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam đang được tạm hoãn. Năng lực sản xuất của ngành dệt may Hoa Kỳ cũng rất nhỏ (chỉ đáp ứng 3% nhu cầu nội địa) nên vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Thời gian qua, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng trưởng tốt, vẫn có khả năng tăng thị phần. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể siết chặt kiểm soát các nhà xuất khẩu nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiều chuyên gia vẫn nghiêng về khả năng ngành dệt may Việt Nam chưa chịu tác động ngay từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ nhưng sự cẩn trọng của DN là cần thiết. Với khoảng 80% sản lượng dành cho xuất khẩu, mỗi biến động nhỏ của thị trường thế giới đều có thể tác động đến ngành dệt may trong nước. Bên cạnh đó, thị trường dệt may thế giới năm nay cũng được dự báo chưa có chuyển biến rõ rệt, do vậy chắt chiu từng cơ hội vẫn là hướng DN đang ưu tiên...

 KHẢI ANH