Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, loại bỏ lãng phí (LBLP) trong sản xuất được các doanh nghiệp (DN) gỗ xem là cách duy nhất để tăng giá trị lợi nhuận. Tuy nhiên, không dễ để thực hiện điều ấy.
Bỏ lãng phí, tăng lợi nhuận
Trong bối cảnh hiện tại, các DN gỗ gặp khó khăn tứ bề nên phải tính đến phương án giảm chi phí sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường. Bởi không thể tăng giá sản phẩm trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí sản xuất cũng không hề đơn giản. Bởi nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá theo tình hình chung và lương nhân công không những không giảm mà còn tăng thêm. Chính vì thế, các DN đã tự nhìn nhận lại toàn bộ quá trình sản xuất của mình và nhận ra rằng LBLP chính là điểm mấu chốt để họ có thể cắt giảm chi phí và tăng thêm lợi nhuận. Ông Lê Phước Vân, Giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý Hạnh Gia cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, để tăng 5% lợi nhuận là không đơn giản nếu không muốn nói là bất khả thi. Trong khi đó, hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp LBLP để giảm lãng phí trong ngành sản xuất gỗ xuống 30 - 40% để tăng lợi nhuận”.
LBLP trong sản xuất gỗ là vấn đề cấp bách đối với DN gỗ. (Trong ảnh: Sản xuất gỗ theo mô hình LBLP tại Công ty Sadaco Bình Dương)
Cũng theo các số liệu thu thập của ông Vân trình bày tại hội thảo “LBLP trong sản xuất gỗ” mới được Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) tổ chức tại KCN VSIP I thì lãng phí trong sản xuất gỗ của Nhật chỉ là 10 - 13%, các nước châu Âu và Mỹ là 30 - 40%. Trong khi đó, dù chưa có thống kê chính thức nhưng con số lãng phí trong sản xuất gỗ của Việt Nam là rất lớn.
Dù lãng phí trong sản xuất gỗ đang là rào cản lớn gây thất thoát cho DN nhưng trong bối cảnh hiện tại, nó lại là điều kiện thuận lợi để họ tìm kiếm lợi nhuận nếu thực hiện các biện pháp LBLP triệt để và đúng hướng. Tại Bình Dương, sau khi kiện toàn và cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất theo chương trình 5S, Công ty Gỗ Long Việt đã LBLP từ 15 - 20% chi phí sản xuất. Hay như Công ty Sadaco chi nhánh Bình Dương sau khi thực hiện LBLP theo chương trình tư vấn của Công ty Tư vấn Quản lý Hạnh Gia đã cắt giảm đến 30% lãng phí và tăng 30% năng suất toàn nhà máy.
Có phương pháp, thiếu thực tiễn
Nhận thấy tính sống còn trong việc LBLP của các DN gỗ thành viên, BIFA đã liên kết với các đơn vị tài trợ bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mời chuyên gia tư vấn và thực hiện các khóa học về LBLP. Tự thân các DN trong những năm gần đây cũng nhận ra rằng LBLP chính là thứ mà họ có thể thực hiện ngay để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững hơn.
Một trong những công cụ đầu tiên để các DN LBLP tìm đến chính là chương trình 5S của Nhật với nền tảng cơ bản là việc nâng cao nhận thức, cải tiến môi trường làm việc. Kèm theo đó là các chương trình tư vấn, quản lý sản xuất gỗ của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, các chương trình kể trên khi áp dụng tại Việt Nam là rất khó do đặc thù tập quán, trình độ, văn hóa ứng xử của công nhân.
Ngay cả hơn 40 DN tham gia khóa tập huấn mới đây do BIFA tổ chức dù đồng loạt khẳng định những lãng phí mà chương trình nêu ra trong các DN làm minh họa đều có ít nhiều tồn tại tại DN mình nhưng vẫn lúng túng không biết nên triển khai LBLP từ đâu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, chủ DN gỗ Như Quỳnh (Thuận An, Bình Dương) khẳng định: “Sau khi tham gia khóa học, tôi nhận ra nhiều lãng phí trong khâu chế biến gỗ của DN nhưng rất khó để áp dụng cải tiến ngay. Có lẽ, chúng tôi cần tư vấn của chuyên gia và một thời gian suy nghĩ thêm nên làm cách nào”.
Trong khi các DN còn lúng túng trong suy nghĩ thì nhu cầu LBLP đang trở nên cấp bách từng ngày. Theo nhiều chuyên gia tư vấn trong ngành gỗ, nếu không kịp thời thay đổi, các công ty gỗ Việt Nam sẽ dần mất vị thế cạnh tranh và DN sẽ lỗ triền miên dẫn đến phá sản. Ông Lê Mạnh, GĐ Sadaco Bình Dương cho biết: “Thực hiện LBLP trong sản xuất gỗ cần thiết nhưng khó làm, nhất là trong bối cảnh các DN khó khăn như hiện nay. Các chương trình LBLP đều tốt về mặt lý thuyết nhưng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam có nhiều đặc thù nên cần phải thử nghiệm thêm”.
KHÁNH VINH