Lộc Ninh - 50 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật: 07-04-2022 | 08:29:28

Cách đây 50 năm, ngày 7-4-1972, thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ đã giải phóng Lộc Ninh - huyện đầu tiên được giải phóng trong toàn miền Nam, góp phần mở ra một bước đột phá chiến lược trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã, đang đồng tâm, hiệp lực, tận dụng thời cơ, lợi thế để vươn mình mạnh mẽ.

 Thị trấn Lộc Ninh đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, vươn lên phát triển mạnh mẽ Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Trang sử vẻ vang

Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi nhắc đến trận đánh giải phóng Lộc Ninh, những nhân chứng từng tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn nhớ như in thời khắc ấy. Bởi lẽ ký ức ấy đã in sâu vào tâm trí mỗi người… Đại tá Vũ Quang Chiêm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, từng tham gia qua 3 cuộc chiến, từ chống Pháp, đánh Mỹ cho đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhưng với ông, trận đánh Lộc Ninh để lại ký ức sâu sắc nhất. Bởi, đây là huyện đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và lại là trận đánh hợp đồng nhiều binh chủng có quy mô lớn cấp quân đoàn trên chiến trường miền Nam. Đây cũng là trận đánh có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa bộ đội chủ lực, lực lượng của Miền gồm các trung đoàn đặc công, thông tin, pháo binh, tăng thiết giáp và lực lượng vũ trang địa phương. Chiến thắng Lộc Ninh là một trong những chiến công đặc biệt của cách mạng và bộ đội ta tại chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.

Trong chiến dịch lịch sử giải phóng Lộc Ninh, hơn 11.000 công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc S’tiêng, Khmer đã nổi dậy, phá kìm. Chỉ trong hai đêm 5 và 6 tháng 4-1972, quần chúng cùng các anh em binh sĩ, “Phòng vệ dân sự” dưới sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, du kích mật đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các làng xã. Bọn ngoan cố, kể cả ấp trưởng, bảo an, dân vệ, cảnh sát đều phải bỏ chạy lẩn trốn. Nhiều tên lẩn trốn trong dân đã bị bắt ngay sau đó. Tên cố vấn Mỹ Smít cũng cởi bỏ sắc phục trà trộn trong dân, nhưng đã bị bắt ở Khánh Hưng. Hàng ngàn lính ngụy ở Lộc Ninh đã đầu hàng quân giải phóng.

Ông Lâm Móp, nguyên chiến sĩ Đại đội C31, chia sẻ: “Với tôi khi ấy chỉ nghĩ đơn giản vì đất nước, vì nhân dân và cho chính quê hương Lộc Ninh của mình”. Ông Lâm Móp là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lộc Ninh. Cha ông cũng là liệt sĩ chống Mỹ cứu nước. Từ năm 16 tuổi ông đã đi theo cách mạng cầm súng chiến đấu giành độc lập cho quê hương… Ngay chiến trường Lộc Ninh này, để đánh thắng kẻ thù, ông cùng nhiều đồng bào ở buôn làng đã phải nằm rừng, ăn củ chụp, ăn lá tàu bay để đánh giặc…

Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Một thời kỳ mới đã bắt đầu, thời kỳ Lộc Ninh là “Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam bộ, căn cứ địa của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

Ông Lê Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, cho biết chiến thắng ngày 7-4- 1972 tạo điều kiện cho Lộc Ninh trở thành một trong những trung tâm chính trị, quân sự quan trọng của cách mạng miền Nam. Sau giải phóng, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, nơi đặt căn cứ của Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền và trụ sở làm việc với các phái đoàn quân sự 4 bên, là nơi tiếp khách quốc tế theo tinh thần của Hiệp định Paris. Chính tại nơi đây đã diễn ra sự kiện đón những người con ưu tú của Tổ quốc từ các lao tù của chế độ Mỹ - ngụy chiến thắng trở về.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, Lộc Ninh được chọn đặt Sở Chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ đây đã truyền đi những quyết định quan trọng của Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy chiến dịch trong những giờ phút trọng đại của dân tộc, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sắp kết thúc.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4-1975, bước vào xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu, Đảng bộ và nhân dân huyện Lộc Ninh lại tiếp tục cùng cả nước đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Lộc Ninh một lần nữa lại trở thành một chiến trường trọng điểm. Với truyền thống anh hùng, nhân dân huyện Lộc Ninh đã cùng quân, dân cả nước đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với nước bạn Campuchia.

Đất lửa nở hoa

50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng đất bị khói lửa chiến tranh tàn phá nặng nề, huyện biên giới Lộc Ninh đã ngày một “thay da, đổi thịt” đang vươn lên mạnh mẽ. Lộc Ninh đang khoác lên mình một diện mạo mới. Ông Lê Trường Sơn cho biết là địa phương có hơn 100km đường biên giới, với lợi thế của cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nơi giao thương, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, qua Lào, Thái Lan, Lộc Ninh có điều kiện để phát triển kinh tế vùng biên. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đến năm 2025 với tính chất là khu kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia; là trung tâm thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Phước; là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng trong vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Hiện nay, huyện Lộc Ninh đang đề xuất cơ chế phối hợp quản lý đặc thù đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Ngoài kinh tế cửa khẩu, huyện Lộc Ninh đang tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2025 phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP dựa trên việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực hiện có tại địa phương. Hiện trên địa bàn Lộc Ninh đang quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời với công suất 5.000MW; trong đó đã có dự án 800MW đi vào hoạt động, đóng góp ngân sách cho tỉnh Bình Phước hơn 500 tỷ đồng/năm.

Là mảnh đất giàu truyền thống, văn hóa nên huyện đang chú trọng các điểm nhấn như du lịch về nguồn khai thác thế mạnh của các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Tà Thiết, nhà giao tế, sân bay quân sự Lộc Ninh, di chỉ khảo cổ Bãi Tiên; du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Khmer, S’tiêng; du lịch gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Sau 50 năm giải phóng, về Lộc Ninh hôm nay ai ai cũng có thể tự hào về sự thay da, đổi thịt của một huyện anh hùng đang ngày càng có những bước phát triển vững bước đi lên. Lộc Ninh đã và đang phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, chuyển thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.

 Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tc động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với quyết tâm chính trcao ca các cấp y Đảng, sự nỗ lực ca chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, huyện Lc Ninh đã hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phc hồi, phát triển kinh tế - xã hi. Kinh tế ca huyện vẫn tiếp tục có chiều hướng phát triển. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên đ a bàn huyện đạt 526 tỷ 926 triệu đồng, bằng 124% dự toán tỉ nh giao. Cơ cấu kinh tế gi ữa các ngành tiếp tc chuyển dch đúng hướng: Ngành nông lâm nghiệp - th y sản chiếm 61,00% (kế hoạch 61%); ngành công nghiệp - xây dựng 20,50% (kế hoạch 19,50%) ; ngành thương mại - dch v18,50% (kế hoạch 19,5%)…

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=937
Quay lên trên