Sữa chua nguyên chất cung cấp ít carbohydrate, nhiều protein, chất béo và lợi khuẩn tốt cho người bệnh tiểu đường.
Cung cấp calo
Lượng calo trong 100 g sữa chua dao động 100-230 calo hoặc cao hơn, tùy vào hàm lượng chất béo và lượng đường. Các chất bổ sung như sirô trái cây, mật ong, thạch hoặc các loại đồ phủ bên trên như granola, cốm gạo giòn làm tăng lượng calo. Khẩu phần hợp lý là khoảng 100-150 calo.
Cung cấp ít carbohydrate
Người bệnh tiểu đường nên chọn sữa chua nguyên chất, ít hoặc không đường. Sữa chua này giàu protein nhưng ít carbohydrate (carb) hơn, có hàm lượng lactose thấp hơn các loại khác. Nhờ đó người bệnh dễ tiêu hóa hơn, nhất là với người không dung nạp lactose.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sữa chua nguyên chất có lượng carb ít hơn khoảng 25% sữa chua thông thường. Người bệnh nên hạn chế tối đa thêm các loại thức ăn có đường như sữa đặc, chocolate, kem vào sữa chua để tránh tăng lượng carb. Bữa ăn nhẹ lý tưởng cho người bệnh khoảng 10-15 g carb.
Sữa chua giàu lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa và làm giảm đường huyết.
Giàu protein
Protein cần thiết cho tất cả cơ, mô và là nguồn năng lượng lớn cho cơ thể. Với người mắc bệnh tiểu đường, protein làm chậm tốc độ glucose (đường) đi vào máu, từ đó giúp cân bằng lượng đường trong máu, tăng cảm giác no lâu, hỗ trợ giảm cân.
Sữa chua Hy Lạp thường có hàm lượng protein cao nhất, khoảng 16 g protein trong mỗi hộp 170 g. Sữa chua thông thường có khoảng 9 g protein trong mỗi khẩu phần 170 g.
Giàu chất béo
Chất béo trong sữa chua cũng làm chậm quá trình hấp thụ glucose và no lâu, hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Chất dinh dưỡng này còn cần thiết để cơ thể hấp thụ vitamin D và canxi. Chọn loại ít béo hoặc không béo có thể giảm tổng lượng calo và lượng chất béo bão hòa.
Cung cấp men vi sinh
Men vi sinh là những vi sinh vật sống giúp cải thiện sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Theo đánh giá năm 2021 của Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, và một số đơn vị, dựa trên 28 nghiên cứu, hơn 1.900 người tham gia, men vi sinh có tác dụng hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2. Hiệu quả mạnh hơn ở người bị tiểu đường kiểm soát bệnh kém và không dùng insulin.
Nghiên cứu công bố năm 2017 của Trường Đại học Khoa học Y tế Golestan, Iran, trên 90 bệnh nhân tiểu đường type 2, cho thấy người tiêu thụ 100 g sữa chua chứa men vi sinh mỗi ngày có lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp tâm trương (áp lực của máu lên thành mạch khi máu trở về tim) thấp hơn người không ăn sữa chua.
Người bệnh nên hạn chế các loại sữa chua có đường, trái cây, thạch. Sữa chua nguyên chất, đầy đủ chất béo hoặc loại ít và không đường, giàu men vi sinh là lựa chọn tốt hơn. Nên ăn sữa chua kèm quả mọng, hạt, ngũ cốc nguyên hạt với lượng vừa phải. Dùng sữa chua làm nước chấm, chế biến bánh, sinh tố, salad, gia vị giúp tận dụng tối đa lợi ích của thực phẩm này.
Theo VNE