Lợi ích khi trẻ nhỏ gần gũi ông bà

Cập nhật: 29-12-2023 | 16:23:26

Mối quan hệ giữa ông bà và cháu mang lại những bài học cuộc sống quý giá, chưa kể những lợi ích sức khỏe.

Trong văn hóa hiện đại, một số quan điểm cho rằng ở gần và chăm sóc trẻ em là một gánh nặng với ông bà. Nhưng thực tế có thể ngược lại, một nghiên cứu của Đại học Flinders, Australia năm 2018 trên hơn 400 người ông bà cho thấy, trong hai năm đầu tiên "lên chức" việc dành nhiều thời gian để trông cháu giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của chính họ.

Các tác giả của nghiên cứu nhận thấy rằng việc duy trì mối quan hệ với gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ giúp người lớn tuổi nuôi dưỡng sự gắn kết trong gia đình, từ đó nâng cao sự hài lòng trong cuộc sống và sức khỏe. Lợi ích này xuất hiện cả qua tương tác trực tiếp hay tương tác qua mạng xã hội (vì lý do khoảng cách).

Một nghiên cứu khác tại Trung Quốc hồi đầu năm 2023 cho thấy, khi cha mẹ và ông bà cùng hòa hợp và gắn bó trong việc nuôi dạy con trẻ, lợi ích cho tất cả những người tham gia là đáng kể. Nghiên cứu cho thấy ông bà, dựa trên kinh nghiệm nuôi dạy con cái phong phú, có thể đưa ra những hỗ trợ có giá trị, nêu những tấm gương tích cực và mang tính khuyến khích, khi tham gia vào việc hợp tác nuôi dạy cháu. Tương tác giữa ông bà và cháu giúp cha mẹ bớt cảm giác lo lắng, căng thẳng khi bận rộn và vắng mặt ở nhà.

Đối với ông bà, việc chăm sóc cháu thường liên quan đến các hoạt động thể chất như giúp thay, giặt quần áo, chơi đùa, đi dạo, ăn uống. Ông bà có thể được hưởng lợi từ việc tăng cường hòa nhập xã hội khi tương tác với bạn bè, giáo viên và các bậc cha mẹ khác trong quá trình chăm cháu. Điều này đóng vai trò như "liều thuốc giải độc" cho sự cô đơn hoặc sự cô lập, tình trạng thường xuyên xảy ra ở người lớn tuổi. Ngoài ra, ông bà có cơ hội chia sẻ kiến thức, sự khôn ngoan và truyền thống gia đình của mình với con cháu. Những trải nghiệm này củng cố lòng tự trọng của trẻ và củng cố niềm tin, chuẩn mực và giá trị, đồng thời tạo cơ hội khám phá bản sắc mỗi gia đình.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự góp mặt của ông bà trong thời thơ ấu của trẻ, được khái niệm hóa là mức độ tiếp xúc và gần gũi về mặt cảm xúc, có mối liên hệ tích cực với sự phát triển cảm xúc, nhận thức của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những bài học rút ra từ mối quan hệ ông bà và cháu thời thơ ấu, đặc biệt là những bài học liên quan đến tâm linh và sự phát triển đạo đức, vẫn tồn tại ở trẻ, cho đến tuổi trưởng thành.

Một nghiên cứu năm 2023 của Viện Lão hóa, Đại học Clemson, South Carolina, kết luận rằng mối quan hệ giữa ông bà và các cháu luôn quan trọng, dù là trong quá khứ hay hiện tại, trong đó lòng biết ơn, sự tôn trọng và đánh giá cao được cho là những yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của thanh niên.

Người trẻ coi những bài học rút ra từ ông bà là những nền tảng quan trọng trong quan điểm hiện tại của họ về cuộc sống.

Đôi khi, các vấn đề gia đình có thể cản trở mối quan hệ hài hòa giữa các thế hệ, dù do bên này hay bên kia khởi xướng. Dù vậy, quan hệ giữa ông bà và các cháu vẫn có một giá trị không thay đổi, là một phần nền tảng cho sự trưởng thành của đứa trẻ.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1974
Quay lên trên