Lối mở để nông dân làm ăn

Cập nhật: 04-08-2011 | 00:00:00

Nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp, dịch vụ khiến quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, đầu tư cho nền công nghiệp kỹ thuật cao, nền nông nghiệp phục vụ đô thị... là những vấn đề mà các ngành chức năng cũng như những nông dân ở đô thị đang hướng tới.

 Làm nông nghiệp phục vụ đô thị ít đất, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao

Nhiều mô hình góp phần tăng giá trị sản xuất

Trong buổi giao ban cụm Hội Nông dân (HND) các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, vấn đề “nóng” được đặt ra là nông dân đang thiếu đất sản xuất do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và ưu tiên dành nhiều quỹ đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ; trong đó giải pháp phát triển nền nông nghiệp đô thị (NNĐT) để tăng giá trị sản xuất, đáp ứng nhu cầu của đô thị được đặt ra và thảo luận rất nhiều.

Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết quá trình đô thị hóa làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đó là điều tất yếu đang diễn ra. Tuy nhiên, làm thế nào để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nền NNĐT có hiệu quả mới là quan trọng. Ông Hòa, phân tích ưu điểm của nền NNĐT, dù diện tích sản xuất ít, nhưng khi đất đai phù hợp với cây trồng, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao và còn góp phần tạo mỹ quan đô thị, môi trường sinh thái. Theo đó, các mô hình trồng nấm, hoa lan, cá cảnh, cây kiểng... sẽ chiếm ưu thế rất lớn.

Để nông dân tiếp cận với nền NNĐT, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất rất cần thiết. Từ đầu năm đến nay, các cấp HND đã tổ chức 424 lớp tập huấn kỹ thuật, 98 hội thảo về chăn nuôi, trồng, cách sử dụng nông dược an toàn cho gần 23.000 lượt nông dân, tổ chức 13 chuyến tham quan mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh... Ngoài ra, hội còn phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ xây dựng đề án tin học hóa cho nông dân ở các huyện phía bắc, để nông dân có thể tra cứu thông tin, học hỏi, cập nhật kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên mạng áp dụng vào sản xuất, giúp tăng năng suất, sản lượng ngay trên mảnh đất của mình.

Xuất hiện những nông dân sản xuất giỏi

Ông Phan Minh Hòa, một nông dân ở phường Phú Lợi (TX.TDM) đã thành công khi triển khai mô hình nông nghiệp phục vụ đô thị. Ông Hòa, cho biết mô hình trồng hoa lan đã đem về cho ông từ 55 - 60 triệu đồng/năm. Thấy có hiệu quả, năm nay, ông quyết định mở rộng diện tích trồng lan lên trên 3.000 cây. Hay mô hình trồng mai của ông Nguyễn Thành Long cũng ở phường Phú Lợi đang cho thu nhập khá. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật, tạo dáng nên vườn mai của ông có giá trị kinh tế cao. Vườn mai của ông hiện có trên 150 chậu; trung bình mỗi chậu dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng. Đặc biệt có nhiều chậu giá từ 10 triệu đồng trở lên. Mỗi năm, ông thu về từ 70 - 80 triệu đồng từ vườn mai này. Ông  Long tâm sự: “Không phải ở thành thị mình mất chất nông dân; quan trọng là mình phải biết áp dụng khoa học, chuyển đổi mô hình trồng trọt phù hợp”. 

Mặc dù hiệu quả kinh tế của nền NNĐT khá cao nhưng có thể nhìn nhận ở Bình Dương, mô hình này phát triển chưa tương xứng. Bằng chứng là có ít nông dân theo mô hình này. Thạc sĩ Đặng Trung Thành, Khoa Môi trường, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng nền NNĐT của Bình Dương hình thành chưa rõ nét, bởi những mô hình mới chỉ được trình diễn thí điểm. Để thành công, nông dân phải nhanh nhạy trong việc tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường... nếu nguồn vốn đầu tư cao thì khó khăn càng lớn, cụ thể nếu đầu tư cho mô hình trồng hoa lan trung bình thì từ 30 - 40 triệu đồng, nếu lớn hơn thì hàng tỷ đồng. Vì vậy, Bình Dương cần có những chính sách phát triển NNĐT bền vững. Nói như ông Nguyễn Văn Đẹp, chủ vườn cà chua sạch ở xã Phú An (Bến Cát), để có vườn cà chua nhỏ này, tôi phải đầu tư 400 triệu đồng. Thời đó, số tiền này không hề nhỏ, đặc biệt với nông dân chân lấm tay bùn. Chính vì thế, đến nay, nông dân Bình Dương chưa dám triển khai.

Vĩ lẽ đó, ông Thành đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NNĐT, chẳng hạn như đầu tư vốn, tín dụng; tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi dành cho nông dân; phát triển mạng lưới tín dụng ở nông thôn phục vụ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Quan trọng hơn là Bình Dương nên xây dựng các chương trình mục tiêu để tập trung phát triển như đầu tư phát triển giống cây, con chất lượng cao; hoa, cây kiểng, cá cảnh; phát triển rau an toàn; phát triển chăn nuôi phục vụ đô thị...

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên