“Lối mở” vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cập nhật: 10-08-2017 | 15:51:23

Càng về gần cuối năm, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp (DN), đặc biệt tín dụng cho các khoản chi phí, nhập hàng hóa càng tăng cao. Trong khi đó, đối tượng DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ có đặc điểm chung là quy mô nhỏ, không có tài sản bảo đảm thế chấp để vay những khoản phát sinh, chưa tạo được niềm tin với ngân hàng nên khó tiếp cận vốn. Nắm bắt thực tế này, nhiều ngân hàng đang dành những ưu đãi giúp giải quyết lo lắng của đơn vị kinh doanh.

Khó tiếp cận vốn

Tại Bình Dương, số lượng DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ chiếm khoảng 98% trong tổng số DN toàn tỉnh. Nhóm DN này được xác định là động lực tăng trưởng và là nhóm có đóng góp lớn vào kinh tế của tỉnh vì sử dụng nhiều lao động. Tuy vậy, đối tượng này thường gặp phải nhiều khó khăn trong tiếp cận các điều kiện kinh doanh như thị trường, mặt bằng sản xuất, thu hút lao động và đặc biệt là vốn vay. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 6-2017 tổng dư nợ trên địa bàn đạt 141.636 tỷ đồng, tăng 15,85% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó tổng dư nợ cho DN vừa và nhỏ đạt gần 28.885 tỷ đồng, với 2.212 DN vay thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ. Như vậy, chỉ có khoảng 40% DN này tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.


BIDV áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ảnh: THANH HỒNG

Ông Mười Nút, chủ DNTN sơn mài xuất khẩu Hiệp Công (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) cho biết, sau hàng chục năm làm nghề sơn mài, số lượng đơn hàng DN của ông đang ngày một tăng lên. Ông dự định mua thêm một số máy móc, nhập nguyên phụ liệu sản xuất nhưng lại gặp trở ngại về vấn đề vay vốn do không có tài sản thế chấp. “Cứ như vậy, chúng tôi vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn: muốn mở rộng thì cần vốn, nhưng muốn vay vốn thì lại khó khăn vì quy mô nhỏ”, ông Mười nói.

Lãnh đạo một DN trong ngành luyện kim - thành viên Hiệp hội Cơ điện Bình Dương tại TX.Tân Uyên cho hay, công ty đang ăn nên làm ra và mong muốn đẩy mạnh đầu tư dây chuyền máy móc để mở rộng sản xuất nhưng gặp vướng mắc về vốn. Hiện công ty có vốn điều lệ khoảng 10 tỷ đồng, công ty muốn đầu tư dây chuyền sản xuất để tăng năng suất nhưng phải tốn từ 3 - 4 triệu euro. Chính vì vậy, DN cần thêm vốn, nhưng khi làm việc với ngân hàng thì DN không đáp ứng được yêu cầu, do tất cả tài sản đều thế chấp ở ngân hàng. “Không còn cách nào khác, công ty đành chọn phương án đầu tư theo kiểu cuốn chiếu. Tuy vậy, công ty đã mất nhiều cơ hội kinh doanh do không có vốn bổ sung kịp thời”, vị này nói.

“Cửa mở” cho DN vừa, nhỏ

Tại Bình Dương hiện có nhiều kênh hỗ trợ DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ như Quỹ đầu tư và phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển khoa học - công nghệ Bình Dương... Tuy vậy, trên thực tế có rất ít DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực sự được hưởng các ưu đãi này do vướng cơ chế, năng lực tài chính hạn hep, không đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp cũng như phương án kinh doanh khả thi... Để duy trì hoạt động, nhiều chủ DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ có xu hướng vay tín dụng từ các công ty tài chính, tín dụng cá nhân để phục vụ mục đích kinh doanh. Với cách xoay sở này, vốn cho các đơn vị sẽ dễ dàng hơn bởi không khắt khe về hồ sơ thủ tục. Nhưng cách làm này đồng nghĩa với việc DN chịu thiệt thòi khi khoản vay không được tính vào chi phí vận hành, không được khấu trừ thu nhập và thậm chí vay với lãi suất cao dưới danh nghĩa cá nhân.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của DN, hiện có nhiều ngân hàng như Bản Việt, Vietinbank, BIDV... đã đưa ra các gói tín dụng dành riêng cho đối tượng này. Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt đang triển khai sản phẩm “Bổ sung vốn kinh doanh dành cho khách hàng DN nhỏ và siêu nhỏ” với tỷ lệ cho vay lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, Bản Việt hỗ trợ lãi suất ưu đãi 1%/năm so với lãi suất thông thường. Chưa kể, ngân hàng này còn áp dụng điều kiện linh hoạt cho khách hàng DN kinh doanh từ 3 năm trở lên; theo đó DN có thể được áp dụng mức lãi suất cạnh tranh hơn mặt bằng chung trên thị trường là1,5%/ năm và tỷ lệ vay lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm...

Với mức độ hỗ trợ mang tính lan tỏa rộng hơn, BIDV và Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm mục đích hỗ trợ và phát triển DN vừa và nhỏ, như phối hợp hỗ trợ VINASME trong việc xây dựng các đề án liên quan đến phát triển DN nhỏ và vừa do Chính phủ giao. Cụ thể là Đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN và Đề án giải pháp gắn kết, thúc đẩy DN lớn, DN nước ngoài hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế...

Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong những năm gần đây BIDV đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho phân khúc DN nhỏ và vừa. BIDV đã từ cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo điều kiện DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi hơn đến triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn hỗ trợ loại DN này về những giải pháp tài chính, cũng như liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho DN khởi nghiệp, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ... BIDV hy vọng sự hợp tác song phương giữa BIDV và VINASME sẽ tiếp tục góp phần vào việc hình thành cộng đồng 1 triệu DN vào năm 2020 theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam hiện đại, năng động và bền vững.

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=554
Quay lên trên