Lời ru của thầy

Cập nhật: 01-12-2012 | 00:00:00
Mỗi nghề có một lời ru / Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này / Lời ru của gió màu mây / Con sông của mẹ đường cày của cha (Lời ru của thầy, Đoàn Vị Thượng). Dân ta xưa có câu “một ngày nên nghĩa”, lại có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), huống hồ thầy đã dạy trò, trò đã học thầy suốt 3 - 4 năm. Từng đó thời gian, bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn giữa thầy và trò, gắn với tuổi thơ một đi không trở lại của con người. Ở đây, Đoàn Vị Thượng vừa là ông thầy giáo dạy văn, vừa là thi sĩ nên trong thơ của ông, hình ảnh phấn trắng bảng đen luôn là một ám ảnh cho ngôn từ thi ca.  Từ trong vòm mát ngôi trường / Xin lời ru được dẫn đường em đi / Con đường thầy ngỡ đôi khi / Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi! Trong dòng chảy của nghề giáo, “Lời ru của thầy” mang đến cho người đọc những bảng lảng không gian quá khứ và biết bao gợi nhớ về cái thuở đầu đời bước vào chốn học đường: Bắt đầu cái tuổi lên ba / Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em / Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm / Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu! Đan xen ở đây, không chỉ câu chuyện của con chữ cái a, b, c… mà vươn xa hơn là người thầy mang đến cho các thế hệ học trò những yêu thương, cách đối nhân xử thế - một “Tiên học lễ” được hiểu dung dị, gần gũi: Thầy không ru đủ nghìn câu / Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời / Tuổi thơ em có một thời / Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm… Như ru ánh lửa trong hồn/ Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây / Thầy ru hết cả mê say / Mong cho trọn ước mơ đầy của em. Những câu thơ như chất chứa không chỉ biết bao ân tình của người thầy, mà còn gợi ăm ắp những kỷ niệm tuổi học trò - điều mà có lẽ ông thầy giáo Đoàn Vị Thượng cũng từng mộng mơ thuở học trò. Ở đó có một ngôi trường đất miền Đông đầy nắng với những cơn mưa bất chợt không làm nhòa đi ký ức về một thời áo trắng - thời nữ sinh áo dài vô tư không quá bé nhưng cũng chưa đủ lớn để lo chuyện cơm áo gạo tiền. Thuở ấy, có những mùa hạ, dưới những tán lá me tây, phượng vỹ, mấy đứa con gái gọi nhau nhặt những cánh phượng rơi xếp hình con bướm. Rồi đợi một cơn gió bất chợt để hứng những trái me tây, bóc vỏ, nếm và thốt lên “ôi chua!”. Có những buổi lao động quét sân trường, giận lắm những cơn gió làm hỏng công trình “xanh, sạch, đẹp”. Nhưng. Chợt dịu lại, lóe lên. Ồ! Lá mùa thu rơi. Nhân vật chưa bao giờ quên lãng trong chùm hồi ức đó chính là những người thầy, người cô gắn bó với mái trường chất chứa bao kỷ niệm của từng lứa học trò đi qua… Mẹ ru em ngủ tròn đêm / Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày / Trong em hạt chữ xếp dày / Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm. Công cha, nghĩa mẹ. Lời nhắn nhủ của thầy, phải chăng là câu chuyện của hình ảnh phải đâu khách đi đò đã sang sông là không bao giờ trở lại bến cũ; và người lái đò chở bao lượt khách qua sông, rồi không nhớ gì về những người khách quý đã một lần đi trên chuyến đò của mình. Không! Quan hệ giữa thầy và trò không giống như quan hệ giữa người lái đò và khách đi đò (dẫu chỉ là ẩn dụ) mà có ý nghĩa cao hơn nhiều vì đây là quan hệ giữa người có trách nhiệm giáo dục đào tạo và những người được thụ hưởng sự giáo dục đào tạo đó. Phẩm đúc tôn sư trọng đạo được nảy nở, vun trồng từ hàng nghìn năm của dân tộc đã thấm sâu trong huyết quản của mỗi người dân Việt, vì thế quan hệ đó còn vương vấn trong tâm hồn người dạy, người học nhiều năm sau khi đã rời xa mái trường, có khi đến hết cuộc đời. Từ trong vòm mát ngôi trường / Xin lời ru được dẫn đường em đi / Con đường thầy ngỡ đôi khi / Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi! Nhà giáo, nhà thơ Đoàn Vị Thượng mang đến khổ kết cuối hình tượng triết lý nhân sinh khiến người đọc dẫu đã rời xa mấy mươi năm rồi tuổi học trò, vẫn thấy đọng lại nỗi man mác khó diễn tả, cũng như chẳng thể gọi tên về những góc khuất thời phấn trắng bảng đen - giống như lời kết của bài thơ: Hẳn là thầy cũng già thôi / Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em / Thì dù phấn trắng bảng đen / Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình. HỒNG PHÚC
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1885
Quay lên trên