Lòng dân với biển - đảo quê nhà

Cập nhật: 15-11-2012 | 00:00:00

Hàng loạt cứ liệu lịch sử minh chứng về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được người dân hiến tặng cho thấy Tổ quốc trong lòng dân Việt Nam thiêng liêng đến dường nào!

 Chứng cứ vững chắc khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Việc TS Mai Hồng trao tặng cho Nhà nước tấm bản đồ toàn lãnh thổ Trung Quốc in năm 1904 không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ làm nức lòng giới nghiên cứu mà còn củng cố thêm niềm tin với người dân Việt Nam về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với các hiện vật, tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa do các nhà nghiên cứu và người dân hiến tặng, việc làm của TS Mai Hồng thêm một lần nữa cho ta hiểu được lòng dân với đất nước.  

Cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn tổ chức lễ chào cờ buổi sáng

Theo các nhà khoa học, tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Nhà xuất bản Thượng Hải ấn hành năm 1904 cuối đời nhà Thanh mà TS Mai Hồng công bố ngày 25-7 có giá trị như bản đồ hành chính Trung Quốc ngày nay, là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, phản ánh nhận thức về cương vực quốc gia.

Ở đây là phản ánh nhận thức đương thời của người dân, quan chức, học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời nhà Thanh. Bản đồ ấy thể hiện điểm cực nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở địa giới của đảo Hải Nam ngày nay mà không hề có hình ảnh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Cùng lúc này, từ bên kia bán cầu, ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Giáo dục văn hóa Việt Nam tại Mỹ (IVCE) cũng đã mua đấu giá 7 tấm bản đồ khác do các nước phương Tây ấn hành từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, trong đó đều vẽ lãnh thổ Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.

Ngoài ra, còn có hình ảnh nhiều tấm bản đồ khác liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có hai tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Việt Nam có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xuất bản ở châu Âu từ năm 1736.

Ngẫm lại, từ giới nghiên cứu như TS Mai Hồng, hay ông Chủ tịch Viện Giáo dục văn hóa Việt Nam tại Mỹ - Trần Thắng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đến những người sống khép mình trong nếp nhà cổ kính bên kinh thành Huế như ông Phan Thuận An, hay một nông dân quanh năm một nắng hai sương với nghề trồng hành tỏi truyền thống ở Lý Sơn như ông Đặng Lên, ai cũng ý thức được rằng những tấm bản đồ, những chiếu chỉ, những tờ châu phê của các vị vua nhà Nguyễn liên quan đến các hoạt động mang tính chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều là báu vật của quốc gia.

Những tấm lòng của người con đất Việt

Hiến tặng những tư liệu quý báu này cho cơ quan chức năng, với họ, không gì ngoài mong muốn được làm dày thêm chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Thế mới biết, Tổ quốc trong lòng dân Việt Nam thiêng liêng đến dường nào!

“Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương...”.

Những câu thơ nằm lòng từ thuở ấu thơ, giờ lớn lên đâu dễ mấy ai quên. Từ 1.000 hạt giống do các bạn đoàn viên ở Cam Ranh gom góp trong một đêm, kịp gửi tặng lính đảo để Trường Sa ngày một xanh hơn đến những món quà, những công trình dân sinh mà các cơ quan doanh nghiệp và đồng bào cả nước ủng hộ xây dựng để cơ sở vật chất ở huyện đảo Trường Sa ngày một khang trang hơn; từ cuộc vận động Góp đá xây Trường Sa đến chương trình Tấm lưới nghĩa tình, kêu gọi mọi người chung tay giúp ngư dân miền Trung bám biển Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản, đến câu chuyện một cựu chiến binh ở Đà Nẵng, mấy năm trời cần mẫn xây cột mốc chủ quyền Trường Sa ngay trước nhà để con cháu biết được đất nước mình rộng lớn ra sao…

Rồi chuyện từ gần 10 năm nay, mỗi ngày 4 lần, trang web: vn.baolut.com của Công ty AMI do một số Việt kiều sáng lập tại Mỹ, liên tục dự báo thời tiết trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ai cũng hiểu, cho dù vật đổi sao dời, dù có người trong số họ chưa có điều kiện về thăm đất mẹ, trong tâm tưởng những người mang dòng máu Việt, vùng biển đảo ngoài khơi mù sóng ấy, vẫn mãi mãi không xa. Đấy chính là tấm lòng của hàng triệu triệu người con mang dòng máu Lạc Hồng biết yêu đất nước, biết trân trọng từng tấc đất của quê hương.

Khen thưởng, vinh danh những người có công trong việc sưu tầm tư liệu, chứng cứ hay công bố công trình nghiên cứu liên quan đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa, Trường Sa như lâu nay một số cơ quan, địa phương đã làm là điều cần thiết và kịp thời. Song, cần thiết hơn nữa là phải biết khuyến khích mọi người hiểu rằng: Đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà là của toàn thể mấy mươi triệu người Việt Nam, trong nước cũng như nước ngoài.

“Lòng dân như sóng”. Một khi lòng dân đã kết thành làn sóng lớn, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua mọi chướng ngại để tiến về phía trước.

 

 Tư liệu cổ Trung Quốc ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Không chỉ khẳng định cực nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở Hải Nam, các tài liệu cổ Trung Quốc còn ghi nhận việc thực thi chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.

Từ thế kỷ 17, Hòa thượng Thích Đại Sán (Trung Quốc) được chúa Nguyễn mời sang Việt Nam. Sau đó, trong cuốn Hải ngoại kỷ sự, Hòa thượng đã ghi nhận các hoạt động của ngư dân Việt ở vạn lý Trường Sa...

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội TP.Đà Nẵng, chủ nhiệm đề tài “Font tư liệu chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”: 22 bản đồ cổ của Trung Quốc trong tổng số gần 100 bản đồ được nhóm nghiên cứu sưu tầm cho thấy các bản đồ Trung Quốc đều chỉ thể hiện lãnh thổ Trung Quốc đến điểm cực nam là đảo Hải Nam.

Đặc biệt, 3 bản đồ được trích từ các thư tịch cổ của Trung Quốc là: Thiên hạ nhất thống chi đồ, vẽ năm 1461 thời Minh, Dư địa đồ vẽ năm 1561 thời Minh và Hoàng Minh đại nhất thống tổng đồ vẽ năm 1635 thời Minh; 1 bản đồ The Chinese Empire (Đế quốc Trung Hoa) do các nhà bản đồ học phương Tây vẽ năm 1910 thời Thanh; 18 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc qua tất cả các thời kỳ lịch sử từ thời nhà Hạ (2070-1600 trước Công nguyên) cho đến thời nhà Thanh (1644-1911), được NXB Bản đồ của Trung Quốc in lại trong những năm gần đây... đều không có bất kỳ hình vẽ hay ghi chú địa danh Xisha qundao (tức quần đảo Hoàng Sa).

“Điều này chứng tỏ, ngoài các tư liệu thành văn của cổ sử Trung Hoa đến các bản đồ của Trung Quốc là nguồn sử liệu góp phần chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc” - TS Sơn nhấn mạnh.

Thạc sĩ Trần Văn Quyến (giảng viên Đại học Phú Xuân - Huế), trong lần nghiên cứu đề tài “Hoạt động của đội Hoàng Sa trong lịch sử” cũng đề cập tư liệu cổ Trung Quốc khẳng định việc thực thi chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

Điển hình cuốn Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán (người tỉnh Khiết Giang - Trung Quốc) có nhiều đoạn miêu tả về Hoàng Sa gọi là “vạn lý Trường Sa”.

Hòa thượng Thích Đại Sán được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng vào năm Ất Hợi (1695) và trở về nước năm Đinh Sửu (1697) để truyền bá Phật pháp.

Những lần đi về qua vùng “vạn lý Trường Sa” bằng đường thủy, hay đến vùng Thuận Quảng: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Hòa thượng Thích Đại Sán đã nghiên cứu và viết lại hoạt động của đội Hoàng Sa, thực thi chủ quyền của Việt Nam, trong Hải ngoại kỷ sự khá tường tận.

Tư liệu cổ này có nhiều đoạn chỉ rõ về vị trí, khoảng cách từ Đại Việt đến “vạn lý Trường Sa” và các hoạt động, như: “Thời quốc vương (chúa Nguyễn An Nam) trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào”.

 

 

 C.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=285
Quay lên trên