Long đong cá cơm Phú Quốc - Hủy hoại ngư trường

Cập nhật: 28-06-2014 | 00:00:00

> Kỳ I: Biển Tây Nam “dậy sóng”

 Khi ngư dân đang cày nát đáy biển để tìm cho được con banh lông thì thảm thực vật và các rạn san hô bên dưới - nơi cá cơm Phú Quốc trú ngụ - nhanh chóng bị tận diệt. Con cá cơm đặc trưng hiếm nơi nào sánh bằng ấy vừa “điêu đứng” dưới biển và cũng chẳng “khá khẩm” hơn trên bờ. Đến nỗi, bà chủ một hãng nước mắm truyền thống nổi tiếng tại Phú Quốc phải thốt lên: “Kiểu này thì sắp tới không còn cá mắm gì nữa rồi”.

 Điêu đứng vì thương lái Trung Quốc…

 Vùng biển quanh đảo Phú Quốc rất sâu, lại nhờ nhiệt độ và ánh sáng thích hợp nên sản sinh nhiều sinh vật đa dạng, là thức ăn của loại cá cơm chất lượng cao, được đánh giá nhiều đạm, vitamin và khoáng chất. Đây là nguồn nguyên liệu quý, ảnh hưởng khá lớn đến việc sản xuất nước mắm Phú Quốc truyền thống, nổi danh thơm ngon, đậm đà hơn 200 năm qua vàlàsản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mở đường cho làng nghề phát triển vàđưa thương hiệu đi xa.

   Làng nghề nước mắm Phú Quốc có nguy cơ thiếu hụt cá cơm nguyên liệu. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc truyền thống Ảnh: LÊ KHÔI

Thời điểm nửa cuối năm 2013, cá cơm Phú Quốc được thương lái tranh mua ồ ạt, với giá từ 14.000 - 15.000 đồng, thậm chí có lúc lên tới gần 25.000 đồng/ kg, trong khi cùng kỳ năm trước, giá chỉ tầm 9.000 đồng/kg. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, chủ một nhà thùng ở Phú Quốc cho biết, thương lái Trung Quốc đến tận lò hấp tìm mua cá cơm với giá cao ngất ngưởng, bởi cá cơm ở miền Trung sau một thời gian bị họ thu mua đã gần cạn nguồn. “Nhà thùng mua cá cơm tươi về ướp, chượp ra nước mắm, trong khi cá cơm đã hấp chín rồi thì người dân phải bán cho họ thôi”, chủnhàthùng này nói.

Là “dân cố cựu” của đảo, từng làm bác sĩ, rồi nối gót gia đình sản xuất nước mắm theo kiểu truyền thống của ông cha, bà Hồ Kim Liên, Chủ hãng nước mắm Khải Hoàn nổi tiếng Phú Quốc, có hơn 10 năm kinh nghiệm tìm hiểu kỹ mọi “ngóc ngách” để sản xuất nước mắm. Với quy mô 600 thùng chượp cá, mỗi năm tiêu thụ hơn 8.000 tấn cá cơm nguyên liệu thì cứ mỗi biến động ít ỏi về giá cá cơm cũng làm bà Liên thấp thỏm theo. “Năm ngoái bị thương lái Trung Quốc gom hàng, giá cá cơm đẩy lên gấp đôi, từ 10.000 đồng/kg bị đẩy lên 21.000 đồng/ kg, thậm chí đến 25.000 đồng/ kg. Nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ treo thùng hết, bên tôi thì ráng cầm cự”. Cách cầm cự mà bà Liên vừa nói, đólà ứng vốn cho ngư dân ra khơi bằng việc đưa tàu ra “tiếp tế” lương thực, xăng dầu, nguyên liệu… ở tận ngư trường và mua trực tiếp cá cơm trên biển. Thậm chí, một vài nhà thùng lớn khác còn tự tổ chức phương tiện đi đánh bắt.

Nhưng, cách “cầm cự” đóchỉ dành cho các nhà thùng có điều kiện tài chính mạnh. Theo ghi nhận của Phòng Kinh tế huyện, lúc cao điểm, Phú Quốc có hơn 100 nhà thùng với hơn 30 triệu lít nước mắm cung ứng ra thị trường. Còn khi giá cá cơm liên tục tăng, khan hiếm nguyên liệu, nhiều cơ sở nước mắm quy mô nhỏ dưới 50 thùng đành đóng cửa, chuyển sang mua bán hải sản tươi sống, hoặc làm khô. Thống kê của UBND huyện Phú Quốc cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2014, hơn 30% sản lượng nước mắm truyền thống đã bị giảm.

Chuẩn bị cho đợt chượp cá năm nay, bà Liên đã cất công rong ruổi các tỉnh khu vực miền Tây khảo sát giá. Cứ nghe ở đâu có cá cơm hấp là bà tìm đến, xem họ thật sự còn hấp hay không, giá có tăng hay không, để chủ động có biện pháp đối ứng. “Sau vụ bị tranh mua cá cơm năm ngoái, nhiều dân trên đảo vẫn còn trữ cá cơm hấp trong nhà vì chẳng ai mua nữa, nhànào ít thì cũng vài chục triệu. Đợt rồi, tôi đi Sông Đốc, Cà Mau mới về. Ở dưới đó, cá cơm hấp nằm trong kho lạnh không biết bao nhiêu mà kể. Không còn ai mua nữa!”, bà Liên trầm tư, nhìn ra dòng sông Dương Đông, nơi bà đặt hàng trăm thùng chượp cá dưới chân cầu Hùng Vương.

…và mất nguồn nguyên liệu quý!

Mùa đánh bắt cá cơm của ngư dân Phú Quốc vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch trở đi. Nhưng giờ đây, gác qua một bên lưới cá cơm, ghe câu mực, con banh lông đang là chuyện thời sự của huyện đảo này. Trong chuyến công tác dài ngày ở Phú Quốc, điện thăm hỏi vài chủ nhà thùng thì nhận được câu trả lời lúc nghe được, lúc mất: “Đang ngoài biển lưới cá cơm rồi, đi hai tuần mới về”… “Trước đây bị thương lái Trung Quốc tranh mua cá cơm nguyên liệu, giá đẩy lên cao gấp đôi làm làng nghề nước mắm rất mệt mỏi. Giờ thì cào banh lông làm hủy hoại thảm cỏ, mất nơi sinh sống của cá cơm. Kiểu này sắp tới chẳng còn cá mắm gì nữa rồi”, bà Liên than thở.

  Vận chuyển nước mắm Phú Quốc xuống tàu đưa vào đất liền tiêu thụ Ảnh: LÊ KHÔI

Dù được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “nước mắm Phú Quốc”, nhưng thương hiệu này đã từng và đang bị cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều nơi, nhiều hãng dù không trực tiếp sản xuất ở Phú Quốc nhưng vẫn dán nhãn sản xuất tại đây, hoặc sản xuất tại đây rồi mang vào đất liền dán nhãn ở Cần Thơ, hoặc pha thêm tạp chất… đã làm điêu đứng làng nghề truyền thống này. Nhưng, nỗi lo của bà Liên, của nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống của Phú Quốc chưa dừng lại ở đó. Điều làm bà Liên lo lắng nhất là ngư trường cá cơm, e rằng chẳng bao lâu sẽ không còn.

Bà Liên cho biết: “Con cá cơm sinh trưởng ở khu vực vịnh Thái Lan, tiếp giáp giữa 3 nước Thái, Campuchia và Việt Nam, rồi theo dòng nước triều cường về lãnh hải Việt Nam. Từ đó, con cá cơm tỏa ra đi khắp nơi, ngư dân Phú Quốc bao đời nay đánh cá trên ngư trường này. Ngư dân mình còn gọi là đánh cá mùa, ghe cứ chạy dọc theo Bãi Dài mà đánh. Giờ khó khăn rồi”. Tôi hỏi ngược: “Sao lạ vậy chị?”. Bà Liên mô tả: “Ngư trường chính mà ngư dân mình đánh bắt là hòn Nần của Campuchia, chất lượng cá cơm rất tốt. Trên hòn Nần có đồn biên phòng nước bạn trú đóng, việc đánh bắt khá dễ bởi ngư dân Việt Nam chỉ cần qua mua “visa” là họ cho mình khai thác thoải mái”. “Cách nay 5 năm, hòn Nần được Campuchia cho người Trung Quốc thuê trong 99 năm, tôi chưa thấy họ triển khai dự án nào cả. Sau đó, họ cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá cơm cách hòn Nần trong vòng 5 hải lý, rồi cách đây hơn 2 tháng đã nâng quy định cấm đánh bắt lên 12 hải lý, đồng thời không cho ngư dân Việt Nam đánh bắt ở vùng biển này nữa. Nếu phát hiện, họ phạt và bắt giữ ghe, tàu của mình. Giờ thì ngư dân mình đánh lưới cá cơm men theo rìa vùng biển mình, tiếp giáp với khu vực này, nhưng sản lượng còn rất ít”, bà Liên trầm ngâm.

Thời gian ở Phú Quốc ngày dài hơn đêm, khoảng hơn 5 giờ sáng, mặt trời đã mọc nhưng đến gần 19 giờ, hoàng hôn vẫn chưa buông. Theo lối bà Liên chỉ, tôi men theo đường biển, đi băng qua Bãi Dài để ra mũi Gành Dầu, thuộc xã Gành Dầu, phía Bắc huyện đảo Phú Quốc. Đứng từ đây, tôi nhìn thấy rõ hòn Nần (tiếng Campuchia gọi là Kaoh Seh), cách mũi Gành Dầu khoảng 4,5km, chung quanh biển trong xanh, không một ghe đánh bắt.

Nheo mắt nhìn biển xanh, dưới nắng chiều gay gắt, trong tôi đau đáu câu hỏi của bà Liên khi tiễn tôi ra cửa: “Mất cá cơm thì nước mắm Phú Quốc cũng không còn. Vậy giờ mình khai thác ở đâu?”.

 LÊ KHÔI      

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên