Đã gần 4 thập niên sau ngày giải phóng, xã Long Nguyên (Bến Cát) vẫn còn in đậm dấu chiến công mà biết bao người tìm về chiêm nghiệm để tự hào. Long Nguyên anh hùng được nhuộm bằng xương, bằng máu của bao người đội mưa bom bão đạn. Hôm nay, trên mảnh đất bão lửa ngày nào đang căng tràn những dòng nhựa trắng, người Long Nguyên vượt qua gian lao và đang vững vàng tiến bước giàu sang.
Trường Long Bình (Long Nguyên) được đầu tư khang trang vì lợi ích trăm năm
Đất anh hùng
Cựu chiến binh Lê Sĩ Hường (ấp Suối Tre, xã Long Nguyên) bước vào tuổi 65, tuổi đã về chiều, cơ ngơi vững vàng, con cháu thành đạt nhưng ông vẫn lao động không mệt mỏi, trồng cao su, liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi heo gia công, đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi quý. “Từng là lính Tỉnh đội Sông Bé, những năm kháng chiến, tôi hiểu những hy sinh mất mát của người dân Long Nguyên. Tôi là người may mắn sống sót qua thời kỳ lửa đạn, bây giờ chỉ có việc nhỏ là lao động để vượt qua đói nghèo làm giàu riêng cho mình, có cuộc sống ấm no hạnh phúc, so với những mất mát kia có là bao!” - ông Hường so sánh.
Cựu chiến binh Đoàn Công Hiếu đang cần mẫn bên trại gà của mình
Quả thật, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng hình như với người dân ở đây như đang xích lại gần khi nhắc tới chiến khu Long Nguyên biết bao bồi hồi xúc động và tự hào. Bao nhiêu người đã ngã xuống và những nhân chứng lịch sử vẫn còn đó. Tấm gương đồng chí Trần Văn Chấu, Xã đội phó, một mình dùng súng trường Pháp, bắn từng viên đạn chặn một cánh quân của Pháp càn vào giày xéo Long Nguyên; anh hùng Đoàn Văn Thái người đứng trước bão đạn bom rơi, trên tay choàng sợi dây đỏ nguyện trung thành với khẩu hiệu “Quyết tử bảo vệ Long Nguyên”; đồng chí Trần Văn Lắc, biệt danh Tám Núi, người mang bảng giá 10 triệu Mỹ kim vẫn còn lưu danh; những bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Rây, Nguyễn Thị Nỡ, Nguyễn Thị Rèn... sinh ra những người con anh hùng hiến trọn đời mình cho Long Nguyên.
Trên bia đá Long Nguyên, ánh nắng chói chang của những buổi bình minh khoe sắc nắng, sưởi ấm tên các mẹ: Đinh Thị Tơ, Nguyễn Thị Dần và những người con Long Nguyên như Nguyễn Văn Oanh, Đinh Văn Thắng... Bao nhiêu cuộc chia ly màu đỏ bây giờ trở lại Long Nguyên ai chẳng có một nỗi niềm riêng, nhiều người vẫn nhắc tới Nguyễn Văn Thiện, tới Lê Hùng Đưng... Mỗi ngày, như máu về tim, những con người bằng xương bằng thịt ghi dấu trong tim hai chữ Long Nguyên tìm về càng đông. Cứ mỗi dịp đất nước hối hả đón mừng kỷ niệm những ngày lễ trọng đại, họ chỉnh trang lại quân phục cũ, gắn trên ngực mình đầy huân, huy chương. Họ trẻ lại trong trang phục màu xanh vành mũ tai bèo, sống lại trong ký ức hào hùng qua từng câu hò, câu hát: “Vợ chồng no đủ nhờ củ với khoai, kháng chiến dẻo dai nhờ khoai với củ”.
Quên sao được Long Nguyên anh hùng, nơi cả 2 cuộc kháng chiến che chở cho biết bao binh đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn. Chiến khu Long Nguyên là nơi dừng chân của nhiều lực lượng vũ trang, xã, huyện, tỉnh. Điển hình là điểm dừng chân của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 301 Thủ Dầu Một do đồng chí Trần Ngọc Lên làm chỉ huy trưởng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng... Hàng trăm người con của Long Nguyên đã tình nguyện gia nhập bộ đội chiến đấu của các đơn vị như: Đại đội 3 Chi đội 1 của tỉnh Thủ Dầu Một, Đại đội Lê Hồng Phong, Đội biệt động Dầu Tiếng, Đại đội độc lập 902 và là nơi nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện miền Đông ra đời và trưởng thành. Một vùng trung tuyến chiến lược quan trọng bậc nhất mà kẻ địch tìm mọi cách bao vây hòng làm tắc nghẽn huyết mạch tiến về Sài Gòn. Không lực Hoa Kỳ đã dùng đủ mọi thứ bom, huy động hàng loạt máy bay tối tân nhất để biến Long Nguyên thành bãi đất hoang tàn...
Vinh quang được đánh đổi bằng xương bằng máu. Ngày 21-7-1965 trong khi đoàn dân công của tỉnh 105 người đang tải đạn dược từ Phó Bình về ngã tư Hóc Măng, Mỹ cho máy bay B.52 tiến hành thả bom rải thảm, nhiều người đã bị chôn vùi trong bão đạn mưa bom. Dẫu chiến tranh binh lửa đã tắt lâu rồi nhưng người Long Nguyên vẫn chưa nguôi hận. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã có 272 đồng chí ngã xuống, 176 gia đình tan tác đau thương. Không ít người trước khi nhắm mắt ngực còn ấm nồng, trái tim còn rực lửa yêu đương, bức thư tình còn dang dở chưa tới được người yêu đang chờ đợi...
Tràn trề nhựa sống
Bước chân đến đất anh hùng Long Nguyên tôi cảm thấy lòng nao nao khi nhìn rừng cao su thẳng tắp xanh biếc bạt ngàn, nghe tiếng xe máy, tiếng cười chen lẫn giọng nói chân chất của những người nông dân, cần mẫn, vai áo thấm đẫm mùi sương đêm mới khâm phục tình yêu lao động của những người con đất anh hùng. Những con đường thênh thang, xe cộ đua chen, bỏ lại đằng sau lũy tre làng một quá khứ đói nghèo, bỏ lại đằng sau bóng dáng những người dân với đôi mắt lo âu, đôi mắt trũng sâu với trăm điều toan tính chống chọi với thiên tai, mất mùa, rớt giá. Bước vào năm khởi đầu thực hiện Nghị quyết XI của Đảng xã Long Nguyên đã vững vàng thế mới trong một tư duy sáng tạo, một niềm tin mãnh liệt vào chính sách đường lối đổi mới của Đảng.
Thu hoạch bưởi tại trang trại của chị Thủy
Bí thư Đảng ủy xã Long Nguyên Phan Hữu Định khẳng định, đau thương và mất mát nhiều thật nhưng lòng nhân nghĩa, tình làng nghĩa xóm được giàu lên gấp bội, vì lẽ đó mà họ gồng mình trước những thử thách mới. Hòa bình rồi Long Nguyên mở đầu quy hoạch lại đất đai, cải tạo đồng ruộng, mảnh vườn thương tích bom đạn. Nhà nhà, người người xắn tay phẫu thuật và chỉnh hình lại cho đất. Người dân phải đổ mồ hôi tới hàng chục năm ròng rã. Xe cuốc, xe ủi và đội công binh lại tiếp tục thăm dò, phá dọn bom mìn còn âm ỉ trong lòng đất. Cuộc tiến công vào xóa đói giảm nghèo được mọi người hăm hở thi đua. Đất bom đạn nay hóa thành vàng...
Trên mảnh đất bao nhiêu thương tích của bom đạn, Nông trường Cao su Long Nguyên nhiều năm liền thắng lợi mùa vàng, nhiều năm liền là cờ đầu CLB 2 tấn mủ của ngành cao su Việt Nam. Đội ngũ công nhân nông trường không chỉ biết cần cù hăng say lao động, họ còn đi đầu trong nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, khai thác hiệu quả cao su. Kết quả của những nỗ lực phi thường ấy là họ đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Giám đốc Nông trường Cao su Trần Minh Chánh không giấu giếm niềm vui, rằng đất anh hùng phải sinh anh hùng chớ!
Ông Đoàn Công Hiếu, một cựu chiến binh không cho phép mình nghỉ ngơi, mạnh dạn đầu tư vốn liếng phát triển kinh tế gia đình quy mô trang trại nuôi gà công nghiệp trong phòng lạnh, là một trong những cựu chiến binh được vinh dự tham gia liên hoan cựu chiến binh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội. Ông so sánh mặt trận kinh tế dù khác xa với chống địch. Nhưng cả 2 có điểm gần giống nhau, chiến tranh phải tìm mọi điều kiện chiến thắng kẻ địch, còn kinh tế phải tìm mọi điều kiện khắc chế khó khăn. Nuôi gà không phải là việc dễ dàng đâu, phải tỉ mỉ từng chi tiết, lắng nghe hướng dẫn bác sĩ thú y, phải cần mẫn ghi chép từng thông số, rút kinh nghiệm chăn nuôi. Bởi thế trại gà lạnh của ông được xây dựng rất khoa học và xử lý triệt để về môi trường. Ngay khi bắt đầu chăn nuôi, ông đã kham thảo ý kiến của các kỹ sư và được chỉ dẫn các biện pháp xử lý môi trường trại gà lạnh. Nhờ vậy dù chăn nuôi 15.000 con gà nhưng trại gà của ông không có một mùi hôi bay ra. Đàn gà mang lại cho ông hàng năm cả tỷ đồng. “Mình phải lao động làm giàu cho gia đình, cho đất nước, cho con cháu mai sau thấy được giá trị lao động, yêu quý lao động” - ông Hiếu cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thủy, người phụ nữ đam mê trái bưởi. Bưởi chị trồng ngọt lịm, thơm ngon nức tiếng trong và ngoài nước. Vừa nuôi gà vừa trồng bưởi, vừa lo xây dựng thương hiệu cho bưởi với một ước ao: “Trái bưởi bán ở trời Tây người Tây phải biết đến tên Thủy”.
Cùng với trái bưởi, con gà, con heo, người dân Long Nguyên ngày nay làm giàu cho nình bằng tư duy sáng tạo, cần mẫn không biết mệt mỏi. Tôi ngây ngất trong màu xanh bạt ngàn cao su, những dòng nhựa trắng đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi nhà. Trạm Y tế xã đầu tư khang trang, những trường học chuẩn Long Bình (Long Nguyên) còn thơm mùi sơn mới. Những cô giáo đang quên đi nỗi nhọc nhằn “vì lợi ích trăm năm”, chăm sóc dạy dỗ các em nên người. Thật hạnh phúc khi nhìn những em học sinh đang ê a thánh thót từng âm thanh trong mái trường mới. Tôi muốn bước đến gần nhắc các em hãy nhớ lấy hạnh phúc ngày hôm nay là được đổi bằng bao xương máu của cha, ông!
Hòa Nhân