Long Nguyên xây dựng nông thôn mới với nền tảng môi trường sạch

Thứ ba, ngày 20/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ là định hướng xuyên suốt của xã Long Nguyên trong những năm qua. Đây không chỉ là cách thức duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội, mà còn là nền tảng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến phát triển bền vững.

 Các tuyến đường trên địa bàn xã Long Nguyên ngày càng khang trang, sạch đẹp

Hướng đến nông nghiệp sạch, hữu cơ

Với lợi thế là xã thuần nông, Long Nguyên có diện tích đất sản xuất lớn và phân bổ phù hợp cho các loại cây trồng lâu năm. Trong đó, cây cao su vẫn là chủ lực, chiếm gần 90% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước biến động của giá thị trường, xã đã vận động người dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Huỳnh Tấn Định, nông dân ấp Bến Sắn, người tiên phong chuyển đổi 25 ha cao su sang trồng bưởi da xanh ứng dụng công nghệ cao, chia sẻ: “Tôi đầu tư hệ thống tưới phun sương, bón phân tự động và chăm sóc bằng máy móc. Áp dụng quy trình IPM giúp vườn bưởi phát triển ổn định, năng suất cao. Nhờ đó, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định hơn so với trước”.

Toàn xã hiện có 28 ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP, do Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy liên kết sản xuất, tiêu thụ. Với sản lượng hơn 150 tấn/năm, sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu. Đáng chú ý, sản phẩm có nhãn mác truy xuất nguồn gốc và được bán qua các kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, xã duy trì mô hình trồng hoa lan công nghiệp tại ấp Bà Phái (1,4 ha), rau sạch tại ấp Bến Sắn, trồng cây ăn trái bằng phân hữu cơ vi sinh. Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi nhận thức người dân trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Không chỉ phát triển cây ăn trái, xã Long Nguyên còn đẩy mạnh mô hình chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng an toàn sinh học, khép kín. Hiện toàn xã có 108 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2 công ty chăn nuôi lớn. Các trang trại ứng dụng dây chuyền tự động hóa trong khâu cho ăn, sử dụng hệ thống máy lạnh, quạt gió để điều tiết nhiệt độ, cùng với hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn.

Một điểm sáng đáng ghi nhận là sản phẩm Lạp xưởng tươi “Cô giáo Phượng” tại tổ 6, khu dân cư Bến Sắn đã được công nhận OCOP 3 sao. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực cải tiến chất lượng, bao bì, xây dựng thương hiệu của cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương.

Theo lãnh đạo xã Long Nguyên, xã đang tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đồng thời chú trọng tiêu chí bảo vệ môi trường. Chính quyền xã Long Nguyên tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP mới, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp sạch, có tiềm năng phát triển thị trường và gắn với bản sắc địa phương. Đây là giải pháp vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa gìn giữ môi trường sống bền vững.

 Đổi mới hạ tầng, giữ gìn môi trường sống

Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Long Nguyên tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, từ giao thông, điện, nước đến hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Đặc biệt, mô hình phát triển kinh tế tích hợp đa giá trị (kinh tế - văn hóa - môi trường) đang dần lan tỏa. Các hộ dân ngày càng quan tâm việc trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Những hành động nhỏ như phân loại rác tại nguồn, sử dụng phân hữu cơ thay vì hóa học, hạn chế đốt rác đã góp phần tạo môi trường sống trong lành.

Theo ông Đỗ Hồng Sơn, Trưởng ban Điều hành ấp Suối Tre, trước đây địa phương còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Nay nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, ấp Suối Tre cũng như trên địa bàn xã đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kéo theo đời sống người dân thay đổi, kinh tế phát triển. Quan trọng hơn là người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi như trước nữa.

Lãnh đạo xã Long Nguyên cho biết thời gian qua, xã Long Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn “xanh - sạch - đẹp”. Công tác thu gom, xử lý chất thải được thực hiện bài bản. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%; chất thải nhựa được thu gom, tái sử dụng, tái chế đạt hơn 90%. Đối với nước thải sinh hoạt, 100% hộ dân đã xây dựng hầm, hố chứa tự hoại phù hợp. Xã hiện có một bãi trung chuyển rác tại ấp Bến Sắn bảo đảm vận chuyển rác đến nơi xử lý đúng quy định. Trong lĩnh vực chăn nuôi, 108 hộ chăn nuôi trang trại tuân thủ quy hoạch vùng, không gây ô nhiễm môi trường… Những kết quả tích cực này khẳng định nỗ lực bền bỉ của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

 Từ nền tảng xã nông nghiệp, Long Nguyên xác định hướng đi bền vững khi phát triển nông thôn mới dựa trên giá trị nông nghiệp sạch, hữu cơ, có chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, chú trọng bảo vệ môi trường. Xã đặt mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó lấy tiêu chí môi trường làm trung tâm, nông nghiệp sạch làm nền tảng, con người là chủ thể và hưởng lợi.

 T.HẠNH - PHÚ HÀO