Lớp học “khai giảng” sớm

Thứ tư, ngày 04/09/2024

(BDO) Những ngày cuối tháng 8, hàng trăm học sinh ở những lớp học tình thương (LHTT) trên địa bàn tỉnh đã “khai giảng” năm học mới. Ở lễ khai giảng đó, không tiếng trống trường, không rộn ràng cờ hoa nhưng đầy ắp tình thương của những thầy cô giáo là các anh chị tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Bình Dương hiện có 12 LHTT do các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý với hơn 400 em.


Lớp học tình thương phường Lái Thiêu (TP.Thuận An) được “khai giảng” sớm để thuận tiện cho các em học sinh sắp xếp thời gian đi học

Nuôi dưỡng ước mơ

LHTT ở phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) tại một cơ sở nằm nép mình trên con đường Huỳnh Văn Cù tấp nập. Trở lại lớp học sau những ngày nghỉ hè và phải lăn lộn với cuộc mưu sinh, 16 em nhỏ bận đồng phục tinh tươm, xếp hàng ngay ngắn. Vẻ háo hức lộ rõ trên từng nét mặt. Có lẽ tại lớp học này các em mới được sống đúng với sự háo hức, tươi vui mà lứa tuổi của mình đáng phải có. Được học, được chơi chính là tuổi thơ của các em chứ không phải vật lộn với từng tờ vé số, bọc ve chai…

Đến với LHTT, ước mơ đến trường tưởng chừng xa vời của các em lại được chắp thêm đôi cánh nhiệm màu. Với bao bạn đồng trang lứa, việc đến trường là lẽ thường tình. Ấy vậy mà, 16 gương mặt ngây thơ, đầy ắp bụi đường đã phải vật lộn với cuộc mưu sinh để được ê a đánh vần khi màn đêm buông xuống.

Quả thật, ước mơ đến trường không hề dễ với em Lê Thị Kim Ngân, học lớp 2 LHTT phường Hiệp Thành. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi khi em còn rất nhỏ, Ngân phải ở với bà nội và chú. Mỗi ngày, khi các bạn cùng trang lứa đến trường thì Ngân lại lội bộ, len lỏi qua các ngã đường quanh chợ Thủ Dầu Một bán vé số. Mỗi ngày, với khoảng 200 tờ vé số bán được, Ngân giữ lại khoảng 50.000 đồng cùng những cơn đau triền miên nơi gót chân nhỏ bé. Số tiền ít ỏi này đang được em góp nhặt hàng ngày cho một giấc mơ lớn hơn. “Em ước góp đủ tiền mua chiếc xe đạp điện để em đi bán vé số và đi học”, em Lê Thị Kim Ngân trải lòng.


Anh Phạm Thanh Hải, nhân viên Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (phường Bình Hòa, TP.Thuận An) dạy toán tại LHTT Lái Thiêu

Để duy trì những lớp học như thế này, không thể không kể đến nỗ lực của các tình nguyện viên, ĐVTN. Hình ảnh những ĐVTN, tình nguyện viên cần mẫn giảng bài hòa lẫn vào tiếng đọc ê a, nụ cười của các em nhỏ làm chúng tôi cảm nhận ý nghĩa mà các LHTT mang lại. Những ngón tay nhỏ xíu, gầy gò, đen nhẻm đang nắn nót theo từng nét chữ, ai từng chứng kiến cũng tin rằng hành trình mưu sinh của các em sẽ “sáng” hơn.

Chị Nguyễn Phan Bảo Tín, Phó Bí thư Phường đoàn Lái Thiêu (TP.Thuận An), phụ trách LHTT phường Lái Thiêu, cho biết suốt hè tay bọn trẻ chỉ quen với việc cầm vé số, nhặt ve chai, đến lúc cầm bút chúng lại gồng sức. “Năm nào, bài học đầu tiên của ngày khai giảng thầy cô đứng lớp cũng dạy các em cách cầm bút nhẹ nhàng, thoải mái. Ngoài dạy toán, tiếng Việt, chúng tôi còn dạy tiếng Anh cho các em”, chị Bảo Tín cho biết.

Chị Trần Thị Diễm Trinh, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn và phổ cập giáo dục, các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thành lập hệ thống các LHTT, giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi đến lớp học, các em được cấp phát miễn phí sách, vở, dụng cụ học tập. Bên cạnh việc học kiến thức, các em còn được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống”.

Góp tình thương thành lớp học

Ngày làm ở công ty, tối đứng lớp, đó là hình ảnh khá quen thuộc của ĐVTN, tình nguyện viên ở các LHTT trên địa bàn tỉnh. Dù cuộc sống bộn bề mưu sinh nhưng sau giờ tan ca họ vẫn miệt mài đến các điểm trường với mong muốn gieo con chữ cho con em người lao động có hoàn cảnh không may mắn.

Cơ duyên đến với LHTT của chị Nguyễn Ngọc Hà, quản lý LHTT phường Hiệp Thành, bắt nguồn từ tình yêu những đứa trẻ theo ba mẹ mưu sinh.

Là nhân viên một công ty trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 (TP.Bến Cát), quãng đường từ công ty đến với lớp học khá xa (hơn 20km) nhưng gần 10 năm qua chị Hà cùng với 5 tình nguyện viên khác vẫn đều đặn đến với lớp học chỉ mong giúp con em người lao động nghèo không được đến trường tiếp cận con chữ. Ngoài việc dạy chữ, dạy kỹ năng sống, chị Hà còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mỗi em trong lớp một suất cơm trước khi vào học.

Với anh Phạm Thanh Hải, nhân viên Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (phường Bình Hòa, TP.Thuận An), anh đến với lớp học khi thấy nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, “mới ít tuổi mà đã phải đi nhặt ve chai, bán vé số, phụ bưng bê, mất đi cơ hội được học hành”. Anh Phạm Thanh Hải chia sẻ nhiều hôm tăng ca, đến với lớp học anh chỉ vội ăn hộp cơm nhưng nhìn các em say sưa viết chữ, làm toán, mọi mệt mỏi của anh được xua tan. “Dạy các em kiến thức cũng là cách để bản thân mình trưởng thành hơn”, anh Hải chia sẻ.


Tình nguyện viên hướng dẫn các em lớp 1 tại lớp học tình thương phường Hiệp Thành

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 LHTT do các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý với 405 em. Chính tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng của các bạn trẻ đã gom góp thành những LHTT, nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ đang lớn lên từng ngày, giúp các em có một tương lai tốt hơn khi biết đọc, biết viết. Nói như ông Thạch Thanh, cha của em Thạch Thị Ngọc My, khi đứng bên hiên LHTT Lái Thiêu chờ đón con: “Cuộc đời tôi có biết chữ là gì đâu. Giờ thấy con được học tôi cũng vui lây”.

Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “TP.Thủ Dầu Một có 5 LHTT với 83 em ở các phường: Chánh Mỹ, Phú Cường, Hiệp Thành, Phú Lợi và Tương Bình Hiệp. Quan điểm của địa phương là tất cả các trẻ em sinh sống trên địa bàn đều phải được đến trường. Trong trường hợp các em không có điều kiện, thì ban ngành, đoàn thể thành phố cùng chung tay chăm lo cho các em.

KIM HÀ