Lớp nhỏ, trò nghèo và ước mơ xa...

Thứ bảy, ngày 27/10/2012

Những mái đầu khét nắng suốt ngày đi mót bọc nylon, lượm lon nơi những con hẻm ở khu phố Tân An (phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) bây giờ đã được đến lớp, biết đọc, biết viết. Các em không còn là những “cây cỏ dại” phó mặc cho đời, mà đã biết nuôi mộng đẹp, hướng đến tương lai.

 Nhiều trẻ em nghèo đang theo học tại lớp học tình thương khu phố Tân An Nơi ươm mầm những ước mơ

Chập choạng tối, những âm thanh đồng vang “Chúng em xin chào thầy” đều đặn suốt tuần, xua đi bầu không khí ảm đạm vốn tồn tại đã lâu nơi căn nhà hoang ở cạnh khu phố. Tiếng đọc sách, tiếng cười nói râm ran vang giòn của lũ trẻ khiến không ít bà con cũng cảm thấy vui lây. Chị Phương, người bán nước cạnh lớp học chia sẻ: “Dù nắng hay mưa, các đoàn viên trong khu phố cũng đều đặn bám lớp. Đây là một công trình thanh niên thật ý nghĩa. Các bạn đã giúp cho trẻ em nghèo một hành trang vào đời còn quý hơn cả cho vàng”.

 Dương Thanh Quý bên học sinh của mình Thằng bé Nam vốn được xem là khù khờ, đầu óc chậm phát triển, học trước quên sau, nhưng sau 2 năm bám lớp, bây giờ cũng đã biết đọc nhanh, viết thạo. Hay trường hợp của em Nguyễn Thị Cẩm Vân, học sinh lớp 1A cũng vậy. Từ nhỏ Vân đã bị bệnh rất nặng, số tiền dành dụm của cha mẹ sau nhiều năm làm công nhân đã đổ vào trị bệnh cho con. Vậy mà đến năm 6 tuổi, Vân vẫn ú ớ không nói thành lời. Ngày đưa Vân đến lớp, mẹ em đã rơi nước mắt vì không đặt nhiều hy vọng. Vậy mà như một phép màu, sau 1 năm theo học, được tiếp xúc nhiều với bạn bè, thầy cô, bây giờ giọng nói của em đã nghe được khá rõ. Vân đã biết làm toán, viết lách thành thạo. Nhờ sự tận tâm của những thầy cô không chuyên ở lớp học tình thương này đã có rất nhiều em vươn lên trở thành học sinh giỏi như Trương Minh Hoàng (lớp 4), Nguyễn Cẩm Giang, Tống Văn Khởi (lớp 3)... Tất cả đều biết nuôi dưỡng ước mơ, hướng đến một tương lai tốt đẹp như bao trẻ khác. Có em mơ ước sau này sẽ học hành đỗ đạt để trở thành kỹ sư, bác sĩ trị bệnh cho mọi người, làm giàu cho đất nước. Nhưng có em chỉ mơ học biết chữ để vào công ty, xí nghiệp làm công nhân như cha mẹ. Ước mơ ấy tuy nhỏ, nhưng thật đáng trân trọng.

Tìm hiểu thì được biết tất cả các em đến với lớp học này đều có một điểm chung là nhà rất nghèo. Có em đã đến lớp 2 năm nay, nhưng cha mẹ chưa tốn một cuốn sách hoặc cây bút. Các em đến lớp mà không có đồng phục, giày vớ tươm tất, nhưng bù lại rất ngoan hiền, vâng lời thầy cô. Anh Dương Thanh Quý, Bí thư Chi đoàn khu phố, người phụ trách chung lớp học chia sẻ: “Có em đến lớp với vẻ mặt tái xanh, hỏi ra thì biết em chưa ăn uống gì. Vậy là chúng tôi phải chạy đi mua thức ăn, nước uống. Không ít lần sinh hoạt lớp, tôi đã sưu tầm nhiều câu chuyện cổ tích, sự vượt khó thoát nghèo của nhiều nhân vật trong truyện kể cho các em nghe. Nhờ đó, các em thấy được an ủi, không bỏ lớp như những ngày đầu”. Theo anh Quý thì đa phần cha mẹ các em đều là những người xa quê lập nghiệp, hết sức khó khăn. Không ít em cha làm công nhân, mẹ buôn bán hay phụ việc nhà cho người khác nên thường về trễ, không kịp lo cơm nước cho con. Có người không kiếm ra tiền ở trọ, đành cất tạm căn chòi ven đường, xem đó là nhà. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Thu Thủy lớp 2A là một điển hình. Gia đình Thủy có 4 anh chị em, đứa lớn 14 tuổi, Thủy là con kế út. Người cha tuổi đã cao nên khó tìm được một việc làm ổn định, ai kêu gì làm đó. Mẹ thường xuyên đau ốm, thỉnh thoảng đi phụ việc nhà bữa được bữa không. Vì thế, suốt ngày quần quật kiếm được miếng ăn đã là giỏi chứ lấy đâu ra tiền thuê nhà. Hiện cả nhà Thủy cất tạm mái chòi bên vách mộ ven quốc lộ 1K để tá túc. Thương cho em học sinh nghèo, trong đêm trung thu mới đây, anh Quý đã gác lại niềm vui riêng tư tìm đến nhà chở em lên UBND phường vui chơi cùng các bạn. Thấy quần áo của em rách bươm, anh chở vào chợ mua tặng cho Thủy bộ đồ, đôi dép. Vậy mà lâu lắm rồi chưa bao giờ thấy Thủy mặc bộ đồ mình mua. Khi hỏi ra mới biết đó là bộ đồ đẹp nhất mà Thủy từng có, nên em để dành khi có dịp đi đây đi đó. Nghe lời tâm sự của em học sinh nghèo, anh Quý đã nghèn nghẹn muốn rơi nước mắt: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa các em đến lớp, đến trường. Chỉ có như thế các em mới thay đổi được tương lai của mình”, anh tâm sự.

Nỗ lực của các bạn đoàn viên

Anh Quý kể cách đây khoảng hơn 1 năm, trong những lần sinh hoạt hè, anh tình cờ phát hiện nhiều đứa trẻ lang thang hàng ngày đi lượm chai bao đến tham gia. Tìm hiểu mới biết các em rất muốn được đi học, vậy là hình ảnh một lớp học tình thương bắt đầu mường tượng trong đầu. Nghĩ là làm ngay, anh đã đem ý tưởng trình bày với Ban điều hành khu phố, lãnh đạo phường, ngay lập tức được các cô chú đồng ý. Ngày nhận được quyết định thành lập lớp học tình thương cùng một số bàn ghế cũ từ các trường mà UBND phường trao cho, anh cùng các bạn đoàn viên trong khu phố đã chạy mua đinh, mượn cưa, đục cùng sửa sang bàn ghế. Khi đã tạm ổn cơ sở vật chất, anh Quý cùng các bạn tìm đến từng gia đình ở trọ vận động con em, đồng thời nhờ các cô chú trong Ban điều hành ấp cùng giúp sức thuyết phục.

Ngày khai giảng thành công ngoài mong đợi khi lớp có đến 13 em đã đăng ký. Tuy nhiên, để điều hành được lớp học này không hề đơn giản nếu thiếu quyết tâm. Bởi các em có khoảng cách chênh lệnh khá xa về độ tuổi cùng như trình độ. Chỉ bấy nhiêu em, nhưng phải phân ra thành 4 lớp từ lớp 1 đến lớp 4. Trong một lớp phải chia nhỏ thành từng nhóm để dạy. Bởi có em khi vào học đã biết đọc, viết, nhưng có em không biết gì. Và để các em bắt kịp trình độ, trong lớp luôn có ít nhất 5 thầy cô giáo là các bạn đoàn viên tham gia giảng dạy mỗi tối. Ngoài anh Quý, còn phải kể đến những cái tên đầy nhiệt huyết như Sơn Tuấn Hùng, Nguyễn Thị Thanh Hiền, Nguyễn Ngọc Huy, Dương Trọng Hữu... Có bạn đang ngồi ghế nhà trường, vì thế khi tham gia giảng dạy các em, họ đã bám sát kiến thức thực tế, dạy dỗ được nhiều học sinh giỏi đầy triển vọng. Sau hơn một năm hoạt động có hiệu quả, liên tiếp có nhiều phụ huynh đã tìm đến gửi con em mình theo học. Hiện tại, số học sinh trong lớp đã tăng trên 30 em.

Anh Quý cho biết, để đạt những thành công bước đầu, lớp học được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Khi các em lên cấp 2, phụ huynh có nguyện vọng cho con em tiếp tục theo học những trường chính quy trong phường, UBND phường hứa sẽ tạo điều kiện, đồng thời có hướng xin các trường giảm hoặc miễn học phí, mở ra một tương lai tươi sáng cho các em. Hiện tại, để có kinh phí mua tập sách, bút cho các em, các bạn đoàn viên trong khu phố Tân An phải đóng góp thêm, tổ chức quyên góp sách, báo cũ. Số sách tập nào dùng được thì để lại, không dùng được thì bán gây quỹ. Bởi vậy, để duy trì lớp học, nuôi dưỡng ước mơ cho các em, rất cần sự chia sẻ, quan tâm từ các Mạnh Thường Quân.

QUANG TÁM