Lữ đoàn Đặc công 429 anh hùng

Thứ ba, ngày 14/01/2014

 Bài 1: Vang dội những chiến công

LTS: Ngày 15-1, Lữ đoàn Đặc công (LĐĐC) 429 sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống (4.2.1969 - 4.2.2014) và vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. Trong 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LĐĐC 429 đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, không quản ngại hy sinh, gian khổ, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chiến đấu anh dũng giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.  

Chiến sĩ LĐĐC 429 luyện tập sẵn sàng chiến đấu

 Tô thắm 16 chữ vàng truyền thống vẻ vang “Tự lực tự cường, độc đảm kiên cường, luồn sâu đánh hiểm, đoàn kết chiến thắng”, những năm kháng chiến chống Mỹ, LĐĐC 429 đã liên tiếp lập nên những chiến công vang dội trước lực lượng được trang bị vũ khí hiện đại của đối phương, như Sư đoàn Bộ binh 1 “Anh cả đỏ”, Lữ đoàn dù “Kỵ binh bay”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”… Qua các trận chiến kiên cường với kẻ thù, LĐĐC 429 đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ ở các căn cứ Dầu Tiếng, Đồng Dù, Lai Khê, Trảng Lớn, Núi Cậu, Phước Vĩnh…

Ra đời từ cuộc chiến đầy cam go

Đại tá Tống Văn Đồng, Chính ủy LĐĐC 429, cho biết năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ gay go, ác liệt. Trước đòi hỏi của cuộc chiến, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định xây dựng lực lượng đặc công với quy mô lớn hơn, đẩy mạnh tác chiến đặc công nhằm tiêu diệt sinh lực và phương tiện chính, quan trọng của địch. Ngày 4-2-1969, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Trung đoàn Đặc công 429, tại Chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh - đơn vị tiền thân của LĐĐC 429 ngày nay. Với lực lượng ban đầu từ hai liên đội của J16, được Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công bổ sung quân số, trang thiết bị, phát triển lên 5 tiểu đoàn, 4 đại đội. Trong thời gian ngắn, Trung đoàn Đặc công 429 đã nhanh chóng phát triển vững mạnh, nâng số lượng lên 22 tiểu đoàn, 12 đại đội và liên tục phát triển, trưởng thành như ngày hôm nay.

Sự ra đời của Trung đoàn Đặc công 429 miền Đông Nam bộ là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang nhân dân, bước nhảy vọt về tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho lực lượng đặc công cơ động hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và công tác đặc biệt, lập nên những chiến công oai hùng. Qua các giai đoạn lịch sử LĐĐC 429 đã có nhiều lần thay đổi về tên gọi. Nhưng, dù với tên gọi Trung đoàn Đặc công 429, Lữ đoàn 429, Trung đoàn 429, Đoàn 429 hay LĐĐC 429 thì đây vẫn là đơn vị đặc công cơ động đầu tiên ở chiến trường miền Đông Nam bộ với nhiệm vụ huấn luyện lực lượng đặc công theo lối đánh “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”. LĐĐC 429 đã góp phần đưa nghệ thuật tác chiến của binh chủng lên tầm cao mới với những chiến công vang dội gắn liền với những địa danh, những mốc lịch sử chói lọi của dân tộc.

Lập nhiều chiến công

LĐĐC 429 luôn là đơn vị tiên phong, mở đầu trong các trận đánh với đối phương là cơ quan đầu não, căn cứ chỉ huy của địch. Như cuộc tiến công mùa xuân Kỷ Dậu 1969, Trung đoàn 429 được lệnh đánh các căn cứ Đồng Dù, Dầu Tiếng, Phước Vĩnh của Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới và Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” của Mỹ. Trận ra quân đầu tiên tại căn cứ Dầu Tiếng, Trung đoàn 429 đã thực hiện cách đánh tập kích, bí mật, kết hợp luồn sâu tiếp cận mục tiêu. Trong 15 phút, Trung đoàn 429 đã đánh nhanh, diệt gọn các mục tiêu khu đại đội bảo vệ, sở chỉ huy lữ đoàn, nhà tên đại tá lữ đoàn trưởng, khu thông tin, trận địa pháo và rút lui nhanh. Theo hiệp đồng với các lực lượng phối hợp, sau khi đặc công rút thì pháo lớn của Miền sẽ đánh bồi vào căn cứ của địch. Thắng lợi vang dội đã mở đầu truyền thống cho đơn vị, nhân dân vô cùng phấn khởi, nhiều người tình nguyện mang lương thực và theo đơn vị để vận chuyển vũ khí, đạn dược.

Sau trận Dầu Tiếng 4 ngày, các chiến sĩ đặc công tổ chức tiến công vào căn cứ Đồng Dù, tiếp tục giáng đòn đau vào kế hoạch phòng thủ mới của địch. Trận Đồng Dù là điển hình thành công của lối đánh táo bạo, thông minh, tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ đến cùng của bộ đội đặc công. Trận đánh đã được Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đánh giá cao, mở ra hướng sử dụng lực lượng đặc công có pháo binh phối hợp đánh lớn vào căn cứ của Mỹ.

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc tiến công xuân Mậu Thân 1968, LĐĐC 429 đã được tăng cường lực lượng và nhiều phương tiện chiến đấu, nhận nhiệm vụ đánh phá các mục tiêu trọng yếu. Trong giai đoạn 1970-1975, đặc biệt là Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Chiến dịch Phước Long năm 1974 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, LĐĐC 429 đã tham gia trên 500 trận đánh, loại khỏi vòng chiến đầu hơn 30.000 tên địch, bắt hơn 1.000 tù binh, phá hủy 64 sở chỉ huy, 276 máy bay, 1.597 xe quân sự, 390 khẩu pháo các loại cùng nhiều phương tiện chiến đấu của địch.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, LĐĐC 429 vừa củng cố xây dựng lực lượng, vừa tham gia làm nhiệm vụ quân quản, xây dựng kinh tế, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Ở nhiệm vụ nào, LĐĐC 429 vẫn luôn giữ vai trò, vị trí là đơn vị đặc công cơ động có sức chiến đấu cao, có khả năng đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng tốt, đánh được mọi đối tượng địch trong mọi tình huống.

“Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, LĐĐC 429 là đơn vị cơ động chiến đấu của Bộ Quốc phòng và Binh chủng ở địa bàn phía Nam, luôn luôn chủ động xây dựng thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu và công tác đặc biệt mà Đảng, quân đội và nhân dân giao phó”, Đại tá Tống Văn Đồng khẳng định.

Với bề dày thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, 3 đơn vị và 7 cá nhân của LĐĐC 429 vinh dự được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. LĐĐC 429 còn được tặng cờ “Danh hiệu vẻ vang”, cờ “Đánh giỏi”, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công các loại và mỗi chiến sĩ đều được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Bài 2: Viết tiếp truyền thống vẻ vang

 H.VĂN - C.HƯNG