Một số thay đổi đã được nhìn thấy, mực nước biển cao hơn khiến mức độ nhiễm mặn của nước tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam tăng. Tình trạng đó buộc một bộ phận người dân trong vùng bỏ hoạt động trồng lúa và chuyển sang nuôi tôm. Nếu xét trên phương diện kinh tế thì người dân đang hưởng lợi từ BĐKH do tôm tạo ra nhiều tiền hơn so với lúa. Nhưng chỉ một bộ phận người dân có khả năng nuôi tôm. Một số người đang thích nghi với hoàn cảnh mới, song nhiều người khác đang mất mát do nước biển dâng.
Trong tương lai xa, những thay đổi đó buộc các nước châu Á dịch chuyển những ruộng lúa tới nơi khác, tương tự như việc các nông trại nho của Australia di chuyển tới những khu vực thấp hơn và lạnh hơn để giảm thiểu tác động xấu của BĐKH.
Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do BĐKH. Hồi tháng 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản BĐKH mới nhất. Các kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng dựa trên ước tính về phát thải khí nhà kính toàn cầu, gồm các kịch bản ở mức thấp, trung bình và cao.
Theo kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển tăng từ 57 tới 73cm trên toàn dải ven biển Việt Nam. Mực nước biển tăng mạnh nhất tại khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, với mức tăng cao nhất lên tới 105cm. Giới khoa học cho biết mực nước biển dâng đúng theo kịch bản, khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập và 35% dân số chịu ảnh hưởng.
M.H (tổng hợp)