(BDO) Vào khoảng thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, các bài hát mang âm hưởng dân ca và các điệu lý được viết lại lời mới, như: Ra giêng anh cưới em (Hò cống chùa), Tâm tình cô thợ dệt (Lý ba xa kéo chỉ), Hành trình lý ngựa ô (Lý ngựa ô Giồng Riềng), Về sông Bé quê em (Lý trèo đèo), Tuy cực mà vui (Hò thẻ mực), Kiên Giang mình đẹp lắm (Lý chèo đưa cá ông), Vợ chồng làm biếng (Lý cây khế, Lý kêu đò)… được trình bày rất nhiều trên sóng radio, sóng truyền hình vì những lời ca, điệu lý mộc mạc, chân chất này được người nghe đài khắp nơi yêu thích.
Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nghe và ghi âm nghệ nhân hát dân ca trong một chuyến đi điền dã tìm hiểu sưu tầm dân ca ở tỉnh Sông Bé cũ (Bình Dương, Bình Phước ngày nay)
Không chỉ xuất hiện trên sóng radio, sóng truyền hình, trong các cửa hàng bày bán băng nhạc cassette, video cũng xuất hiện rất nhiều sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại dân ca và các điệu lý, được trưng bày cùng với những sản phẩm nhạc trẻ đang thịnh hành.
Một trong những người có công lớn trong việc làm cho các điệu lý, câu hò, lời hát ru nổi lên như một “hiện tượng” trong làng nhạc Việt thời điểm đó chính là vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang.
Tôi nhớ vào khoảng thời gian đó, phong trào văn nghệ quần chúng hoạt động rất sôi nổi, các liên hoan nhạc dân ca được tổ chức khắp nơi trong cả nước. Nhiều ca sĩ đã thành danh từ dòng nhạc này, như: Bích Phượng, Ngọc Yến, Ngọc Điệp, Đào Đức, Văn Tài… Nhiều giọng ca chuyên hát nhạc ngoại, nhạc trẻ sôi động, như: Thanh Lan, Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Ánh… cũng góp mặt tham gia hát các bài hát mang âm hưởng dân ca và các điệu lý. Không chỉ hát trên các phương tiện truyền thông, ngay cả trên sân khấu ngoài trời, những bài hát này cũng được đông đảo khán giả yêu cầu.
Khi nghe một bài dân ca hay một điệu lý cất lên ở bất cứ không gian, thời gian nào, ta cũng cảm nhận được hình ảnh êm đềm, ngọt ngào của quê hương với cánh đồng, bờ đê, con sông, bến nước...
[Xem phim Tôi yêu Bình Dương: Tập 51 - Về với cố hương]
Tôi nhớ, có lần xem nghệ sĩ Lý Bạch Huệ hát bài “Đuổi chim ăn lúa” trên sóng truyền hình, một trong những bài hát biên soạn theo điệu lý Nam bộ của Lư Nhất Vũ - Lê Giang. Lời bài hát bình dị, mộc mạc thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của người nông dân một nắng hai sương chắt chiu giữ gìn từng hạt lúa, hạt đậu, bởi đó là thành quả lao động được đánh đổi từ bao giọt mồ hôi rơi trên cánh đồng của biết bao người.
Các tác phẩm nghiên cứu của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang. Ảnh cắt từ clip
Trong rất nhiều bài hát biên soạn theo các điệu lý, tôi rất thích bài “Kiên Giang mình đẹp lắm” do nhà thơ Lê Giang viết lời mới từ điệu lý chèo đưa cá ông, ca sĩ Bích Phượng trình bày. “Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển. Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ, Kiên Giang mình đẹp làm sao… Trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp”.
Bài hát thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, ca ngợi vẻ đẹp trù phú và sức sống mãnh liệt của vùng sông nước phương Nam. Qua bài hát, tôi càng thêm yêu quê hương, đất nước của mình.
Cảm ơn vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã có những chuyến đi điền dã, lặn lội về tận vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước để làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý Nam bộ, 250 điệu lý quê hương… và hơn 200 bài dân ca viết lời mới ca ngợi vẻ đẹp quê hương, cổ vũ tinh thần lạc quan trong cuộc sống, luôn yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu công việc lao động quen thuộc thường ngày…
Tinh thần lao động và những đóng góp cho nền văn hóa dân tộc của vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang xứng đáng là tấm gương quý báu cho các thế hệ mai sau noi theo.
MINH HOÀNG