Luẩn quẩn tranh cãi về dòng xe chiến lược

Cập nhật: 18-01-2010 | 00:00:00

 

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa gửi văn bản tới các cơ quan chức năng của Việt Nam khẳng định đề xuất của Bộ Công Thương chọn xe 6-9 chỗ là dòng xe chiến lược là không hợp lý. Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Tài chính mới đây, các thành viên VAMA đều khẳng định cần có dòng xe chiến lược cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

 

Các thành viên của VAMA cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc định hướng chọn dòng xe chiến lược. Một số doanh nghiệp như Toyota, Vinastar, GM – Daewoo bày tỏ sự ủng hộ đối với các dòng xe từ 6 đến 9 chỗ ngồi trong khi Ford Việt Nam khẳng định Việt Nam không nên chỉ có một xe chiến lược.

 

Điều kiện đặt ra đối với các xe chiến lược là không được trùng lặp với các xe chiến lược của các nước ASEAN khác để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

 

Theo đại diện Mekong, nên định hướng dòng xe chiến lược là loại xe từ 4 đến 7 chỗ ngồi với hàng ghế sau có thể gập lại để chở hàng (kiểu đa dụng). Dung tích của dòng xe chiến lược này phải là loại có động cơ nhỏ dưới 1.500 cc và đạt tiêu chuẩn môi trường Euro 4.

 

Công ty Cổ Phần Trường Hải cho rằng xe 6 đến 9 chỗ ngồi với dung tích động cơ 1,5L là yếu, không đủ công suất để hoạt động. Dòng xe này chỉ có thể hoạt động được ở thị trường Việt Nam nhưng không thể đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu và các tiêu chuẩn quốc tế.

 

“Chúng ta chỉ nên định hướng tiêu dùng, không nên ưu đãi cho chỉ một dòng xe nhất định. Nên hỗ trợ định hướng dòng xe có nhiều chỗ ngồi và dung tích xi lanh thấp”, đại diện Trường Hải Auto nêu ý kiến.

 

Theo đại diện GM – Daewoo và Vinastar, đề xuất của Bộ Công Thương quá thu hẹp xe chiến lược vào một dòng xe, cụ thể là xe đa dụng từ 6 đến 9 chỗ, khiến người tiêu dùng ít có lựa chọn. Các doanh nghiệp này cũng cảnh báo dòng xe trên là mới đối với Việt Nam nhưng không hề mới so với các nước ASEAN.

 

“Những xe nguyên chiếc như vậy có thể được nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thâm hụt thương mại và khó có thể xuất khẩu ngược trở lại các nước trong khu vực. Ngoài ra, cần phải có sản lượng xuất khẩu đủ lớn cho xe chiến lược về quy mô kinh tế để thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ”, các doanh nghiệp cảnh báo.

 

Lắp ráp ô tô trong nước.

Ông Akito Tachibanna, Chủ tịch VAMA cho rằng Chính phủ cần gấp rút thành lập một nhóm nghiên cứu gồm các bộ ngành liên quan cùng với VAMA và các thành phần kinh tế khác để nghiên cứu sâu hơn, nhằm tìm ra xe chiến lược tối ưu nhất cho Việt Nam. Thời gian để thảo luận và đưa ra kết luận phải đến cuối quý I-2010.

 

Đến 2018 thị trường ô tô Việt Nam vẫn lộn xộn!

 

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Trụ, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng nếu Chính phủ không đưa ra dòng xe chiến lược thì tình hình thị trường ô tô Việt Nam đến 2018 vẫn lộn xộn như hiện nay.

 

“Nếu từ nay đến năm 2018, không có dòng xe nào có sản lượng đủ lớn để có thể nâng được tỷ lệ nội địa hóa lên thì khả năng ngành công nghiệp ô tô sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí bắt buộc của dòng xe chiến lược là phải đạt được tỉ lệ nội địa hóa nhất định và doanh nghiệp phải tuân thủ việc này”, ông Trụ nói.

 

Cũng theo ông Trụ, việc Bộ Công Thương đưa ra đề xuất chọn xe 6 đến 9 chỗ làm xe chiến lược là để mọi người cùng trao đổi chứ không phải là dòng xe bắt buộc. Ngoài ra, nếu có dòng xe chiến lược thực sự cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì phải có chính sách ưu đãi cho nó phát triển, chứ kiểu chính sách thuế như hiện nay là chưa được.

 

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường và Giá cả, Bộ Tài chính cho rằng việc chọn dòng xe chiến lược chẳng qua là để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Như vậy có thực sự cần thiết chọn dòng xe chiến lược?

 

Ông cho rằng cần phải xem lại trong hàng chục năm qua từ khi ngành công nghiệp ô tô được hưởng các ưu đãi thì đã làm được gì? Quan trọng nhất là xem lại toàn bộ vì sao mục tiêu nội địa hóa phá sản và tại sao các ưu đãi không giúp doanh nghiệp nội địa hóa được. Chọn dòng xe chiến lược có phải sẽ giúp Việt Nam chi phối thế giới bằng loại xe đó?

 

“Phải chăng việc đưa ra dòng xe chiến lược nhằm phân tán cuộc tranh luận về thất bại của việc nội địa hóa. Như vậy chả khác gì việc chưa lấy vợ nhưng đã bàn đến việc sinh con trai thế nào. Năm 2005 đã không đạt được mục tiêu nội địa hóa thì đáng nhẽ cần phải xem lại nhưng chẳng ai động tới. Phải chăng những người hoạch định chính sách nội địa hóa hoàn toàn không biết việc này. Đây là lỗi cực nặng”, ông nói.

 

Hồi tháng 11-2009, Bộ Công Thương đề xuất chọn dòng xe chiến lược trong phân khúc xe ôtô du lịch của Việt Nam là xe đa dụng, loại 6-9 chỗ ngồi, có dung tích dưới 1,5 lít, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Dòng xe này sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển.

 

Bộ Công Thương đề xuất, thuế tiêu thụ đặc biệt cho loại xe này phải là thấp nhất, mức 30% (các xe khác là 45%-50%-60%). Việc đánh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được giảm theo tỷ lệ nội địa hóa. Nhà sản xuất loại xe ôtô chiến lược và các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho dòng xe này sẽ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng thuế 0% cho nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất xe chiến lược. Đồng thời, được giảm khoảng một nửa phí trước bạ và VAT.

 

(Theo Tiền Phong)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên