Luật Bình đẳng giới: Đánh thức vai trò phụ nữ

Cập nhật: 20-10-2012 | 00:00:00

Hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi, vai trò, vị thế người phụ nữ cũng dần được cải thiện. Song, vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn những định kiến về người phụ nữ tồn tại trong xã hội, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Vẫn còn đâu đó trong xã hội hiện đại ngày nay tình trạng buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình, “chồng chúa vợ tôi”... Nhận thức về điều này, Hội LHPN Bình Dương trong 5 năm qua ra sức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật BĐG trong các tầng lớp nhân dân. Hội đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật miễn phí và lồng ghép tuyên truyền được 1.053 cuộc với 67.864 lượt người tham dự. Để giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nắm vững kiến thức về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, hội đã phối hợp với một số ban, ngành mở 57 lớp tập huấn với 9.732 lượt phụ nữ tham dự. Các cấp hội chủ trì phối hợp với các ngành như thông tin truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch, Đoàn thanh niên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… trong thực hiện đề án “Giáo dục phẩm chất, đạo đức của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” giai đoạn 2010-2015, “Giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015.

Ngoài ra, hội còn phối hợp với ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tập huấn cho cán bộ nữ thuộc các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở với những nội dung cơ bản như: giới, nâng cao nhận thức về giới; lồng ghép giới trong hoạch định chính sách, công ước CEDAW (công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái), Luật BĐG, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Mục đích của những hoạt động này nhằm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên lĩnh vực lao động việc làm; giáo dục - đào tạo; cải thiện và nâng cao sinh hoạt của người phụ nữ và trẻ em; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội. Tất cả vì sự tiến bộ của phụ nữ.

“Ngày 29-11-2006, Quốc hội khóa XI họp kỳ thứ 10 và thông qua Luật BĐG 73/2006/QH11. Luật quy định một cách chi tiết nguyên tắc BĐG trong các lĩnh vực đời sống xã hội, gia đình, biện pháp bảo đảm BĐG, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện BĐG. Luật BĐG chính thức được thi hành vào ngày 1-7-2007, đến nay đã gần 6 năm. Nhìn lại chặng đường qua, rõ ràng Luật BĐG đi vào cuộc sống với chiều hướng tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn. ”

Bên cạnh những thuận lợi, việc đưa Luật BĐG đi vào cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn. Đó là lối sống an phận của một bộ phận phụ nữ nhận thức chưa cao, không nhiệt tình với công tác xã hội. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình. Nhiều cán bộ phụ nữ trong công tác tuyên truyền, hòa giải cơ sở thường xuyên bị xúc phạm, đe dọa… Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục Luật BĐG vẫn chưa được thường xuyên, liên tục đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong công tác phối hợp, một số cơ sở hội chưa nêu cao tính chủ động, vẫn còn tình trạng tuyên truyền rập khuôn, máy móc, thiếu sự linh hoạt thực tế. Để khắc phục được những khó khăn trên, đòi hỏi người cán bộ hội phải kiên trì, chịu khó, đặt mình trong hoàn cảnh của đối tượng. Bên cạnh đó, tuyên truyền viên cũng cần phải có kiến thức sâu rộng về luật pháp, phải có khả năng thuyết phục, xem xét tình hình, đánh giá khách quan trong mọi tình huống.

Đánh giá 5 năm thực hiện Luật BĐG, bà Trần Thị Mười Bảy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Bình Dương cho biết: “Năm năm qua, LHPN thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội ở khu phố. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền trong các buổi hội thảo hướng dẫn vay vốn, các loại hình CLB… Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng, các ban, ngành có liên quan như MTTQ, Hội Nông dân, Hội Thanh niên… để giúp đoàn viên, hội viên ở các đoàn thể nắm vững nội dung này. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ có được quyền bình đẳng, có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định gia đình để họ tham gia phát triển xã hội”. 

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên