Luật Nhà giáo phải đảm bảo không phá vỡ cấu trúc logic của hệ thống pháp luật

Cập nhật: 18-09-2024 | 06:56:13

Ngày 17-9, tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu băn khoăn về tính đồng bộ với các luật hiện hành, cho rằng cần cân nhắc ban hành luật này.


Giờ học môn Ngữ văn của học sinh Trường PTDTBT THCS Dào San (Lai Châu).

Muốn phát triển giáo dục phải tôn vinh, đề cao đội ngũ thầy, cô giáo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, muốn phát triển giáo dục phải tôn vinh, đề cao đội ngũ thầy, cô giáo. Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Để thực hiện được một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là phát triển nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao), đội ngũ thầy, cô giáo giữ vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định trong giáo dục, đào tạo, dạy làm người, phát triển nghề nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.

Hiến pháp của nước ta qua các giai đoạn đều quy định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Điều này nói lên phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là chức năng và trách nhiệm của Nhà nước. Dù có chủ trương xã hội hóa (trường dân lập, tư thục), nhưng Nhà nước không thể chuyển hoàn toàn chức năng và trách nhiệm cho các tổ chức ngoài công lập thực hiện. Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong thực hiện “quốc sách hàng đầu”. Vẫn phải có đội ngũ viên chức là các nhà giáo và được quản lý theo các quy định thống nhất của chế độ công vụ.

Đặt vấn đề “có nên đưa các thầy, cô giáo ở khu vực công lập ra khỏi đội ngũ viên chức nhà nước”, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm phải là trụ cột của sự nghiệp giáo dục, đào tạo, và cần tạo điều kiện cho khu vực ngoài công lập tham gia, phát triển để phát huy các nguồn lực trên cơ sở tuân thủ các quy luật của thị trường. Để thực hiện chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, đào tạo với các mô hình dân lập, tư thục, cần tạo điều kiện phát huy vai trò và có chính sách đối với các thầy, cô giáo giảng dạy ở các cơ sở ngoài công lập.

Ông cũng nêu lên các vấn đề để các đại biểu cùng thảo luận như sự bình đẳng giữa các thầy, cô giáo ở khu vực công lập và ngoài công lập trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy nền dân chủ XHCN. Vấn đề tích hợp quyền và nghĩa vụ của nhà giáo khu vực công lập với khu vực ngoài công lập. Cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo, có thể thực hiện chung, hòa trộn vào một cơ chế giữa khu vực công lập và khu vực ngoài công lập không? Vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong bảo vệ, giám sát, theo dõi và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đang trong quá trình chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp 8 tới đây. Đây là dự luật rất khó, có ý kiến đồng thuận, có ý kiến trái chiều. Chiều nay, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức phiên họp mở rộng, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ. Theo kế hoạch, ngày 25/9, Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về dự thảo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nêu cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Luật Nhà giáo; cho biết, tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91, nêu rõ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục, đào tạo, trong đó có nhiệm vụ sớm xây dựng Luật Nhà giáo.

Dự án Luật Nhà giáo đã được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2024. Quá trình chuẩn bị, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng, quy định của pháp luật, những vấn đề thực tiễn đặt ra để giải quyết những vướng mắc, xung đột trong pháp luật. Chính phủ sau khi lấy ý kiến nhiều vòng, đã hoàn thiện hồ sơ đúng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thừa nhận, để giải quyết các nhóm vấn đề Tiến sỹ Trần Anh Tuấn nêu không phải là đơn giản.

Nhiều băn khoăn về dự án luật

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu chia sẻ băn khoăn về dự án Luật Nhà giáo. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, để có thể tôn vinh được nhà giáo hơn nữa, chấn hưng được nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật về giáo dục, đào tạo và nhà giáo là điều cấp bách. Chúng ta đã có nhiều luật, nhiều quy định liên quan đến giáo dục, đào tạo, trong đó có đề cập đến nhà giáo. Trong chừng mực nào đó, các  quy định này chưa tương xứng, ngang tầm với vị trí, vai trò và trách nhiệm của nhà giáo trong thời đại mới.

Theo ông, bên cạnh sự tôn vinh nhà giáo là vấn đề ràng buộc nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo, trách nhiệm nhà giáo như thế nào cũng cần làm cho rõ. Nội dung của dự thảo phá vỡ cấu trúc hệ thống pháp luật hiện nay. Những vấn đề về nhà giáo đã được quy định rất nhiều trong các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức… Nếu làm một luật riêng về nhà giáo với các nội dung này phải rút rất nhiều chế định từ các luật hiện hành, thu hút phần lớn các điều của Luật Viên chức về luật này.

“Nếu thu hút như thế này thì còn đâu là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và đặc biệt còn đâu là Luật Viên chức. Vì 1,6 triệu giáo viên và 900.000 giáo viên về hưu đặt trong Luật Viên chức, 70% biên chế viên chức nhà nước là giáo viên công lập. Giờ rút hết về đây thì Luật Viên chức có nên tồn tại nữa không, điều chỉnh ai? Có được luật này thì chúng ta lại phá vỡ cấu trúc luật khác”, ông Lê Minh Thông đặt ra hàng loạt vấn đề.

Đặt câu hỏi: “nếu đưa nhà giáo ra khỏi Luật Viên chức thì nhà giáo công lập có còn là viên chức hay không”, vị Phó Giáo sư, Tiến sỹ lưu ý, viên chức nhà nước vị thế rất khác. Giờ đẩy một bộ phận 70% nhà giáo ra khỏi khái niệm viên chức, đó là một thiệt thòi rất lớn cho giáo viên. Nhiều người sẽ giật mình khi mình ra khỏi bộ máy viên chức.

Tán thành với việc ban hành Luật Nhà giáo nhưng ông Lê Minh Thông đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc lại đối tượng và phạm vi của Luật nếu tiếp tục ban hành Luật này. Ông đặt ra hai khả năng, hoặc hoàn thiện các quy định có liên quan đến các luật hiện hành để tiếp tục nâng cao vị thế, trách nhiệm nhà giáo, hoặc ban hành một luật riêng thì phải xử lý lại một cách đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, để đảm bảo rằng luật này ra không phá vỡ cấu trúc logic của hệ thống pháp luật hiện nay, không làm mất đi độ cân đối trong nhiều điều khoản của các luật, đặc biệt là 3 luật liên quan đến giáo dục gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Luật Nhà giáo cần tập trung vào một số chế định mà trong luật hiện hành chưa rõ, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của giáo viên, quan hệ nhà giáo với xã hội, quan hệ nhà giáo với gia đình, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Điều quan trọng nhất của nhà giáo không chỉ là trình độ mà còn là đạo đức, vì nhà giáo phải là tấm gương tốt nhất về đạo đức, nhân cách, về con người để học sinh noi theo. Nội dung này gần như không được đề cập trong luật.

“Nhà giáo nằm trong mối quan hệ với rất nhiều chủ thể, quan hệ nhà giáo với xã hội, quan hệ nhà giáo với gia đình… Gia đình là đối tượng rất quan trọng, có tốt với nhà giáo hay không là ở gia đình, cho nên phải quy định trách nhiệm gia đình thế nào với nhà giáo… Một chế định rất quan trọng là xử lý mối quan hệ giữa nhà giáo trong cấu trúc xã hội như thế nào để tôn vinh nhà giáo”, theo ông Lê Minh Thông.

Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn nêu quan điểm nên chăng xây dựng Bộ luật Giáo dục trên cơ sở hệ thống hóa (tập hợp và pháp điển hóa) các quy định của các luật hiện hành (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp), trong đó có Chương Nhà giáo cho các loại hình giáo dục hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cho rằng, dự thảo luật đang điều chỉnh quá nhiều đối tượng, mà các đối tượng quá phức tạp. Cần làm luật để xây dựng một xã hội học tập, vừa dạy, vừa học.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=565
Quay lên trên
X