Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Đạo luật gốc của nền hành chính quốc gia
Theo dõi Báo Bình Dương trên
![](https://cdn.baobinhduong.vn/image/assets/images/gg-news-v2.png)
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc sửa đổi Luật diễn ra vào thời điểm lịch sử, mang ý nghĩa chính trị. xã hội, pháp lý sâu sắc, gắn liền với cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình và làm rõ nhiều vấn đề quan trọng tại dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. (Ảnh: QH/Vietnam+)](https://media.vietnamplus.vn/images/8dcf7bccde0eab4dedd7e06615d6595dda9c0b8da2bba439c1935baceb334dc4383b5c2a68cbec693672315040a9455f/hq142.jpg.webp)
Ngày 14-2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) - một trong bốn dự án luật được ưu tiên xem xét thông qua nhằm phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước.
Sửa đổi luật vào thời điểm lịch sử
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình và làm rõ nhiều vấn đề quan trọng, thể hiện quyết tâm hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Cảm ơn các ý kiến phát biểu của đại biểu tại tổ cũng như tại hội trường rất sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết, xác đáng và thiết thực, bà Trà khẳng định Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như một đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc sửa đổi luật diễn ra vào một thời điểm lịch sử, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý sâu sắc, gắn liền với cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực phát triển đất nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ ra nguyên tắc xây dựng Luật lần này là "mới và toàn diện" với một tư duy hoàn toàn mới về xây dựng hệ thống lập pháp của Việt Nam. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, Luật sẽ chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, vừa đảm bảo giá trị, sức sống của dự án Luật, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, kiến tạo và phát triển.
![qh142.jpg](https://media.vietnamplus.vn/images/a9c5110716a4dcb1b4f479f5c988119fc09a7d082b3daa25f9e8583baf6558dba74f6b1bfe70b3203772c7979020cefa/qh142.jpg)
Nguyên tắc xây dựng Luật cũng bám sát chủ trương của Đảng và Hiến pháp về phân định thẩm quyền, thực hiện mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng giao thoa, chồng chéo, đảm bảo vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành Quốc hội.
Tháo gỡ rào cản về phân cấp, phân quyền
Điểm đột phá trong lần sửa đổi này là hoàn thiện nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng, tạo sự chủ động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của hệ thống hành chính Nhà nước, nhất là chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản về phân cấp, phân quyền, phân định nhiệm vụ cụ thể hiện hữu trong các luật chuyên ngành.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn chứng kết quả khảo sát về thực hiện phân cấp, phân quyền cho thấy nhiều vướng mắc do luật chuyên ngành quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng. Cụ thể, rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; 92 luật quy định thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ đưa ra một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, yêu cầu tất cả các luật chuyên ngành phải tuân theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
"Đây là một vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất," Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.
![qh143.jpg](https://media.vietnamplus.vn/images/a9c5110716a4dcb1b4f479f5c988119fb76d09905912f8418c0be355051d93aaa74f6b1bfe70b3203772c7979020cefa/qh143.jpg)
Việc luật hóa biện pháp ủy quyền lập pháp để giải quyết những vướng mắc trong các luật chuyên ngành hiện nay được Bộ trưởng Trà đánh giá là một "tư duy đột phá" và "quyết định sáng suốt" của Quốc hội trong một điều kiện lịch sử đặc biệt. Nếu không có biện pháp này, việc giải quyết hàng trăm luật chuyên ngành đang phân cấp, phân quyền cụ thể sẽ là bất khả thi. Trong đó, Điều 32 của dự thảo Luật quy định về điều khoản chuyển tiếp được xem là một vấn đề "rất mới, hay và độc đáo" để giải quyết vấn đề có tính lịch sử, tạo điều kiện cho đất nước cất cánh, bước vào kỷ nguyên mới.
Bộ trưởng Trà cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đồng thời trao đổi, chia sẻ và giải trình một số vấn đề được quan tâm, như nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ, phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.../.
Theo TTXVN