Lực lượng An ninh Bình Dương: 65 Năm Xây Dựng, Chiến Đấu Và Trưởng Thành

Cập nhật: 11-07-2011 | 00:00:00

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, chính quyền dân chủ công nông được thành lập. Lợi dụng chính quyền cách mạng còn non trẻ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước âm mưu lật đổ chính quyền. Lực lượng An ninh ra đời từ trong bão táp của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền những ngày tháng 8-1945 lịch sử. Ngay từ khi ra đời, lực lượng An ninh đã được Đảng và Nhà nước tin cậy, giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống các thế lực phản cách mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Nhiệm vụ đó được thực hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động, chiến đấu và trưởng thành của ngành Công an.

   Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và viết cảm tưởng tại Nhà truyền thống của Công an Bình Dương

Lực lượng An ninh Bình Dương (ANBD) là một bộ phận của lực lượng Công an Bình Dương, có nhiệm vụ xung kích trong sự nghiệp bảo vệ ANQG; tham mưu cho Đảng và chính quyền thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp bảo vệ ANQG; quản lý nhà nước về ANQG trên địa bàn tỉnh.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các lực lượng khác, lực lượng ANBD vừa bảo vệ các cơ quan của Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân; đồng thời vừa vận động lực lượng Hòa Hảo, Bình Xuyên ở Tân Uyên, Bến Cát; kiềm tỏa hoạt động phá hoại của các phần tử quá khích và tổ chức phát động các phong trào “bảo vệ trị an”, phong trào “ba không”, “ba phòng”, phong trào “bảo mật, phòng gian”, thi đua diệt ác, mở rộng vùng giải phóng... Nhờ có phong trào rộng khắp và thiết thực, trinh sát hoạt động khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đã lập nên những chiến công tiêu biểu, như: Đột nhập một doanh trại lính Pháp ở Bến Cát lấy tài liệu tuyệt mật phục vụ chiến dịch Lê Hồng Phong (1950) giành thắng lợi to lớn; phát hiện và đấu tranh bóc gỡ hàng loạt tổ chức nội gián, hoạt động chui sâu, leo cao của Bộ Tổng tham mưu Pháp; bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, gắn liền công tác xây dựng và phát triển lực lượng, ANBD từ tỉnh đến huyện từng bước trưởng thành qua đấu tranh diệt ác, phá kiềm, qua xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, biệt kích, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, lập nên những chiến công tiêu biểu, như: Triệt phá tổ chức nội gián 18 tên của Tỉnh đoàn bảo an hoạt động đánh phá phong trào cách mạng 3 xã vùng Tây Nam - Bến Cát; bóc gỡ mạng lưới nội gián 13 tên của tiểu khu Bình Dương hoạt động ở An Tây và 2 tên nội gián đang khoác áo “cán bộ đồ bản” của tỉnh hoạt động cho Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy; phá vỡ âm mưu và bắt trọn ổ của tình báo Tổng nha Cảnh sát; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên ác ôn, tình báo, gián điệp, mật báo viên gây nhiều nợ máu với nhân dân; bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn các cơ quan, ban ngành và cán bộ lãnh đạo. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng ANBD đã bảo vệ bí mật các chiến dịch và cùng toàn quân, toàn dân đồng loạt tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu trọng điểm, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những thành tích đạt được, lực lượng ANBD đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 1 đơn vị (Tiểu ban BVCT-1980), nhiều tập thể và cá nhân cũng được nhận các phần thưởng cao quý khác. Trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng ANBD được Chủ tịch nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng III, 1 Huân chiến Chiến công hạng II cho các tập thể và cá nhân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

 

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ ANTT không kém phần phức tạp và nặng nề đối với lực lượng ANND nói chung, ANBD nói riêng. Số ngụy quân, ngụy quyền và các đảng phái phản động tuy tan rã nhưng âm mưu chống đối vẫn tiềm ẩn. Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tỉnh ủy, chính quyền địa phương, lực lượng ANBD đã từng bước được củng cố và phát triển, bố trí phù hợp với tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Chỉ trong 6 năm (1975 đến 6-1981), từ bộ phận BVCT đã xây dựng và phát triển thành 6 phòng nghiệp vụ(1). Song song việc xây dựng và phát triển, lực lượng ANBD đã xây dựng và triển khai hoàn thiện các phương án phòng chống gián điệp, biệt kích, chống gây rối, bạo loạn, tổ chức trốn ra nước ngoài; Xây dựng phòng tuyến ANND vững chắc ở các địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở, đoàn thể quần chúng góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong 10 năm, từ 1975-1985, lực lượng AN tỉnh nhà đã phát hiện và đấu tranh triệt phá 132 tổ chức, nhen nhóm hoạt động phản cách mạng trên địa bàn tỉnh, bắt hàng trăm tên, trong đó có nhiều tổ chức hoạt động từ cấp Trung ương đến địa phương với bộ khung hành chính, vũ trang cấp sư đoàn. Trong công tác bảo mật, phòng gian, lực lượng AN đã bóc gỡ 3.280 tên thuộc mạng lưới gián điệp, mật báo địch cài cắm trong dân theo kế hoạch hậu chiến; kịp thời ngăn chặn 17 tổ chức trốn ra nước ngoài; bảo vệ thành công các chính sách lớn của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những chiến công thầm lặng nhưng rất đổi hào hùng trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những góp phần giữ vững ổn định AN chính trị, đưa tỉnh nhà vượt qua những khó khăn ban đầu mà còn bảo đảm phục vụ đường lối đổi mới của Đảng cũng như chính sách phát triển KT-XH của tỉnh nhà. 

Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng ANBD nhanh chóng đổi mới phương pháp hoạt động, đã tổ chức triển khai đồng bộ những công tác lớn trên lĩnh vực AN chính trị theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc hàng năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, Chính quyền có những chủ trương, đối sách kịp thời về tăng cường công tác đấu tranh chống diễn biến hòa bình, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phục vụ đắc lực vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà.

Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, cùng với cả nước, Bình Dương luôn đứng trước những vận hội mới, thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhưng cũng có nhiều khó khăn phức tạp trong công tác bảo vệ ANTT. Thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen nhau đặt ra cho công tác bảo đảm ANCT là rất nặng nề. Trước tình hình đó, lực lượng ANBD đã nêu cao tinh thần trách nhiệm không ngừng rèn luyện củng cố và phát triển về mọi mặt; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mặt công tác trên lĩnh vực ANCT, như: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về “Chiến lược ANQG”; Nghị quyết 08 của BCH Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới”. Xây dựng và triển khai sâu rộng các phương án, đề án “bảo đảm ANTT các khu, cụm công nghiệp”, “bảo đảm ANTT nông thôn - đô thị”, “bảo đảm ANTT trên lĩnh vực bưu chính viễn thông - internet”, “Bảo vệ nội bộ, phòng chống địch phá hoại văn hóa - tư tưởng”, “Phòng chống địch lợi dụng tôn giáo”... Trong công tác phòng ngừa, nhiều phương án bảo đảm ANTT được triển khai và luyện tập thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở được lãnh đạo Bộ và tỉnh đánh giá cao, như: Diễn tập các phương án phòng chống gây rối, bạo loạn, khủng bố; Các phương án chuyển hóa ANTT ở các địa bàn trọng điểm... Triển khai các biện pháp nghiệp vụ kết hợp phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, qua đó đã phát hiện, điều tra làm rõ nhiều vụ án lớn về AN kinh tế như buôn lậu, tàng trữ và lưu hành tiền giả, các vụ án cố ý làm trái, trốn thuế, lừa đảo trong hoàn thuế VAT, trộm cước phí viễn thông quốc tế, bọn tội phạm có yếu tố nước ngoài lợi dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo. Vô hiệu hóa hoạt động của các phần tử phản động, vạch trần âm mưu hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách nước ngoài đến tham quan, làm việc tại Bình Dương.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ ANBD ngày càng lập thêm những chiến công mới, tạo bề dày truyền thống rất đáng tự hào. Đạt kết quả đó là nhờ sự vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh quên mình vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời gian tới, tình hình chính trị thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá Cách mạng Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn; trong nước các vấn đề về kinh tế - xã hội có thể sẽ xuất hiện những phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Vì vậy, nhiệm vụ của lực lượng ANBD cũng sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, với truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chúng ta tin rằng lực lượng ANBD sẽ tiếp tục làm tốt vai trò trọng trách; phát huy tinh thần đoàn kết, mưu trí, sáng tạo và quyết thắng để luôn xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã xây dựng, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, chính quyền và nhân dân.

(1)   Tham mưu AN, chống ZĐ, chống phản động, ANKT-VHTT, chấp pháp, kỹ thuật NVII.

 

Trong số các thế lực chống phá cánh mạng, đáng chú ý là Quốc dân Đảng, một tổ chức phản động nguy hiểm nhất, vừa manh động, vừa có thực lực được quân Tưởng và Pháp sử dụng phát triển cơ sở rộng khắp. Chúng công khai chống phá và nhiều lần đòi giải tán Chính phủ cách mạng non trẻ, nhưng không thành. Cuộc đảo chính của Quốc dân Đảng dự định nổ ra vào ngày 14-7-1946 tại Hà Nội. Đây là đỉnh điểm của những hoạt động chống phá cách mạng điên cuồng, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, ngày 12-7-1946, lực lượng An ninh đã tổ chức trấn áp và giành thắng lợi trước khi cuộc đảo chính nổ ra 48 giờ. Chiến công này không chỉ có ý nghĩa to lớn về đấu tranh chống phản cách mạng mà là bước ngoặt lịch sử khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng An ninh trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Ngày 24-5-2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định số 457 xác định ngày 12-7-1946 là ngày truyền thống của lực lượng ANND.

 

Đại tá Lê Ngọc Hữu - Phó Giám đốc Công an tỉnh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên