Trong cuộc chiến đấu chống cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ cuối năm 1972, lực lượng thông tin liên lạc (TTLL) đã có những đóng góp quan trọng, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.
Ngay sau khi nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức, sử dụng TTLL bảo đảm cho chỉ huy khi địch đánh phá trở lại miền Bắc, kể cả việc đế quốc Mỹ dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Bộ tư lệnh (BTL) TTLL một mặt hướng dẫn cơ quan thông tin Quân chủng Phòng Không-Không quân (PK-KQ) củng cố hệ thống thông tin theo phương án tác chiến mới, áp dụng các biện pháp chống nhiễu cho liên lạc vô tuyến điện sóng ngắn, vô tuyến điện sóng cực ngắn và vô tuyến điện tiếp sức.
Mặt khác, chỉ đạo các Trung đoàn Thông tin 134 và 205 thống nhất kế hoạch hiệp đồng giữa Trạm cơ vụ Trung tâm A40 với các Trạm cơ vụ T1 ở nội thành, Trạm cơ vụ A10 ở ngoại thành Hà Nội, sẵn sàng thay thế nhau khi một trong ba trạm bị đánh phá.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Trung đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc, tháng 12-1972.
Lực lượng TTLL các cơ quan, đơn vị nhanh chóng, khẩn trương triển khai kế hoạch cho nhiệm vụ bảo đảm TTLL phục vụ công tác chỉ huy, hiệp đồng, trinh sát, thông báo, báo động. Hệ thống hữu tuyến điện được chuẩn bị củng cố, bổ sung hoàn thiện từ Bộ Tổng Tư lệnh đến các quân khu, quân chủng, các tỉnh, thành phố và xuống các huyện, các xã, khu phố trọng điểm.
Các trạm chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn được tổ chức kết hợp với các đài quan sát mắt đặt trên các điểm cao, bảo đảm liên lạc từ BTTM đến các đơn vị cao xạ, tên lửa cơ động, chiến đấu trên các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và phía Bắc Quân khu 4. Vô tuyến điện tiếp sức tổ chức kết hợp với hữu tuyến điện được sử dụng rộng rãi hơn để bảo đảm liên lạc với các đơn vị ở xa. Cơ quan kỹ thuật của Binh chủng TTLL phối hợp với cơ quan thông tin Quân chủng PK-KQ nghiên cứu khôi phục khối đề-xi-mét của máy P405 nhằm bảo đảm liên lạc bí mật, khắc phục điều kiện bị địch gây nhiễu.
Tối 18-12-1972, nhận được báo cáo của các trạm radar, ta phát hiện nhiều tốp máy bay B-52 của địch bay dọc sông Mê Công lên phía Bắc, qua hệ thống thông tin hữu tuyến điện, vô tuyến điện của Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng PK-KQ, BTTM lệnh cho tất cả các đơn vị vào vị trí chiến đấu. Khi tốp máy bay B-52 đầu tiên vào khu vực Hà Nội, bộ đội tên lửa và các trận địa pháo cao xạ đánh trả quyết liệt. Mặc dù các sân bay của ta bị địch đánh phá nhưng liên lạc vẫn được giữ vững giữa Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng PK-KQ.
Hai sân bay Kiến An (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hóa) tuy bị mất liên lạc với Bộ Tổng Tư lệnh bằng các mạch hữu tuyến điện cắm thẳng, nhưng liên lạc vẫn được giữ vững qua các mạch đường vòng. Trong các sân bay tổ chức các mạng vô tuyến điện sóng cực ngắn cũng kịp thời thay thế hữu tuyến điện khi bị đứt để bảo đảm cho chỉ huy máy bay của ta cất cánh.
Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng PK-KQ) bảo vệ khu vực Hà Nội đã sử dụng hệ thống hữu tuyến điện của Bộ Tổng Tư lệnh và của bưu điện, đồng thời tổ chức, sử dụng các mạng vô tuyến điện sóng cực ngắn để chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa, pháo cao xạ.
Cơ quan thông tin BTL Thủ đô Hà Nội, Bộ chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng tổ chức, sử dụng hệ thống thông tin quân sự bằng nhiều hình thức: Tổ chức thông tin hữu tuyến điện, vô tuyến điện kết hợp với hệ thống hữu tuyến điện bưu điện, hệ thống truyền thanh của thành phố để thông báo, báo động B-52 cho nhân dân, chỉ huy các đội dân quân, tự vệ bắn máy bay bay thấp, bắt phi công nhảy dù và giải quyết hậu quả sau các cuộc ném bom của địch.
Bộ chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng còn tổ chức đài quan sát mắt ở núi Kiến An và khi phát hiện máy bay địch đánh phá vào thành phố, lập tức thông báo về sở chỉ huy phòng không thành phố bằng đèn báo hiệu. BTL Thủ đô Hà Nội còn sử dụng hệ thống điện thoại tự động của bưu điện để liên lạc với các trận địa súng máy cao xạ của tự vệ bố trí trên sân thượng nhà cao tầng các cơ quan trong thành phố. Ở Hà Nội, việc thông báo, báo động cho nhân dân, ở nội thành sử dụng còi ủ đặt trên nóc Nhà hát Lớn thành phố, tháp nước Hàng Đậu... và hệ thống loa truyền thanh gồm 132 loa lớn và 13.500 loa nhỏ mắc ở các gia đình.
Đề phòng địch đánh vào các Trạm cơ vụ A40, A10, T1 ở Hà Nội làm gián đoạn liên lạc, Binh chủng TTLL chỉ đạo cho các đơn vị triển khai một số tổng đài dự bị ở nhiều địa điểm trong TP Hà Nội; bố trí các máy vô tuyến điện tiếp sức và sóng cực ngắn trong hầm các sở chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh để liên lạc với nhau và với các trạm cơ vụ ngoài thành phố.
Chiều 24-12-1972, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã đến thăm, kiểm tra thông tin, trực tiếp gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ cơ quan BTL TTLL và cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A40 thuộc Trung đoàn 205, Trạm cơ vụ A10 thuộc Trung đoàn 134. Thủ tướng khen ngợi tinh thần dũng cảm, kiên trì phục vụ chiến đấu, đánh trả máy bay Mỹ của bộ đội TTLL, động viên mọi người đoàn kết, nêu cao quyết tâm, tiếp tục lập nhiều thành tích trong cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù.
Trong chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 8, Trung đoàn 134 đã dũng cảm xông pha trong khói bom, khắc phục, sửa chữa, dựng lại hơn 300 cột với 73km đôi dây, kịp thời khôi phục liên lạc phục vụ cho chỉ huy góp phần bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Khi Bộ Tổng Tư lệnh gửi hàng loạt công văn hỏa tốc đến các cơ quan, đơn vị trong phạm vi nội, ngoại thành Hà Nội, đồng chí Nghiêm Văn Sách, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 130 cùng 5 chiến sĩ quân bưu nữ là Nguyễn Thị Kha, Nguyễn Thị Hồng, Đào Thị Hoạt, Phạm Thị Nhiều, Nguyễn Thị Nguyệt không quản hiểm nguy, dũng cảm, mưu trí, thay nhau chạy công văn hỏa tốc dưới mưa bom bão đạn, chuyển kịp thời các chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu đến các đơn vị.
5 chiến sĩ quân bưu nữ được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tin yêu gọi thân mật là “5 cô gái tên lửa”; các chiến sĩ lái xe của Đại đội 6, Tiểu đoàn 78 hoàn thành 40 chuyến vận chuyển trên quãng đường 3.500km, bảo đảm kịp thời, an toàn công văn, tài liệu phục vụ chỉ huy chiến đấu.
Đêm 26-12, khi máy bay địch đánh phá vào các khu vực Thượng Đình, Cát Linh, Ngã Tư Vọng, Bạch Mai, Gò Đống Đa (Hà Nội)... đường dây thông tin vào Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ bị đứt nhiều đoạn, nhất là ở khu vực Ngã Tư Vọng. Các chiến sĩ hữu tuyến điện của Trung đoàn 205 đã kiên trì lần mò trong đêm tối, tìm bới đường dây bị đứt, nhanh chóng nối thông liên lạc, phục vụ cho Cục Tác chiến (BTTM) và BTL Sư đoàn 361 chỉ huy các đơn vị phòng không tiêu diệt máy bay địch.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Những chiến công, thành tích cùng bài học kinh nghiệm từ Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 luôn là động lực, là tri thức khoa học để Bộ đội TTLL vận dụng vào thực tiễn, bảo đảm TTLL thông suốt, vững chắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng KHÚC ĐĂNG TUẤN, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc
Theo QĐND