Kỳ 11: Tiêu diệt chốt dã ngoại Đất Cuốc - trận đánh oai hùng
Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày diễn ra trận đánh Đất Cuốc (24-11-1967) nhưng âm vang của trận đánh vẫn còn khắc sâu trong ký ức người dân Đất Cuốc nói riêng và Tân Uyên nói chung. Để rồi hôm nay, các cựu chiến binh năm xưa tự hào kểcho con cháu nghe lại những câu chuyện lịch sử oai hùng.
Trong những ngày tháng 12 lịch sử này, chúng tôi có dịp về lại Đất Cuốc để được nghe các cựu chiến binh kể lại lịch sử hào hùng của địa phương, đặc biệt là trận đánh Đất Cuốc, một trận đánh thể hiện tinh thần quả cảm quyết tửcho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân nơi đây. Từ UBND xã Đất Cuốc, chúng tôi ngược xe về hướng cầu Tân Lợi. Con đường trải dài, uốn lượn trong làng từ lâu đã đi vào lịch sử. Đứng trên con đường đã từng diễn ra trận đánh Đất Cuốc, cảm xúc về dòng lịch sử oai hùng nơi đây lại ùa về. Cựu chiến binh Nguyễn Chiến Đấu, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, thương binh 2/4 chia sẻ: “Nhìn những xóm ấp thanh bình hiền hòa ngày nay, tôi lại nhớ lại những gian nan thử thách quyết liệt mà người dân Đất Cuốc đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phải) trao tặng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Nguyễn Ngọc Dưỡng nhân Ngày doanh nhân cải tiến công nghệ - kỹ thuật năm 2014 tại Hà Nội (Ảnh: do nhân vật cung cấp)
Trải tấm bản đồ bằng giấy cứng xuống bàn, ông Đấu chỉ cho chúng tôi toàn bộ địa phận của Đất Cuốc. Đôi mắt nhìn xa xăm, ông nói: “Trước đây, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 Sư đoàn 18 ngụy đóng chốt dãngoại ở xóm Đất Cuốc, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, cách cầu Tân Lợi 500m về hướng Tây Nam, tại một khoảng đất trống xung quanh là rừng cây rậm rạp. Địa hình này rất thuận tiện cho ta tổchức trinh sát nắm địch và tiếp cận bí mật áp sát mục tiêu. Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Đồng Nai, Quân khu miền Đông thực hiện nhiệm vụđánh địch với hình thức chiến thuật làtập kích địch đóng chốt dã ngoại. Ngày 23-11- 1967, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 ngụy thực hiện cuộc càn quét khu vực Bàu Sình xã Tân Mỹ nhằm dò tìm đánh phá căn cứ của ta. Qua do thám, ta biết được lực lượng địch có 354 tên, trang bị 1 ĐKZ 57 ly, 1 súng cối 81 ly, 2 súng cối 60 ly, 3 đại liên và đầy đủ vũ khí cá nhân, phương tiện thông tin liên lạc. Sau một ngày càn quét, lùng sục không gặp sự chống trả của ta. Chiều cùng ngày, địch rút về Đất Cuốc đóng quân dã ngoại. Lợi dụng vị trí trận địa chốt cũ của quân Mỹ đã bỏ lại nằm kề lộ đất đi Tân Uyên, tiểu đoàn địch tổchức trận địa phòng thủ. Tuyến tiền duyên là các công sự tạm thời dựa theo bờtường vĩ tuyến trung tâm có chỉ huy sở tiểu đoàn và trận địa cối. Hình thức phòng ngự của địch dựa vào 3 khẩu đại liên bố trí trên 3 hướng, còn bên trong đội hình lộn xộn không có công sự chiến đấu”.
Thực hiện nhiệm vụ của Trung đoàn giao, Tiểu đoàn 1 bám sát hoạt động của địch tại khu vực Bàu Sình, Tân Mỹ, khi có thời cơ tổ chức diệt địch bẻ gãy cuộc càn của Sư đoàn 18 vào vùng Đông Nam Chiến khu Đ. Ông Nguyễn Ngọc Dưỡng, nguyên bộ đội trinh sát Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Đồng Nai Quân khu miền Đông kể lại: “Được lệnh chỉ huy phân nhiệm vụ trinh sát địch, anh em gấp rút chia các ngả đường tiếp cận mục tiêu. 17 giờ chiều ngày 23-11, chúng tôi trở về trại báo cáo tình hình địch tại Đất Cuốc. Chỉ huy tiểu đoàn triệu tập anh em, đưa quyết tâm tập kích địch ngay trong đêm 23-11. Phương án chiến đấu là sử dụng toàn bộ lực lượng tiểu đoàn hiện có (cBB2, cBB3, c Hỏa lực) hình thành 5 mũi tiến công (mỗi mũi 1 trung đội), bí mật tiếp cận chốt, đồng loạt nổ súng tiến công, diệt địch ở tuyến ngoài, xung phong đánh chiếm trận địa cối và chỉ huy tiểu đoàn địch. Thời gian chuẩn bị cho trận đánh khoảng 8 giờ đồng hồ, thời gian nổ súng khoảng 5 giờ sáng ngày 24-11”.
Sơ đồ trận đánh Đất Cuốc
Đúng 4 giờ 30, ngày 24-11, tiểu đoàn tổ chức hành quân chiến đấu. Do ta chia thành nhiều mũi tiếp cận nên việc theo dõi nắm kết quả chiếm lĩnh của đại đội rất khó khăn. 6 giờ 30 phút, Đại đội 2 nổsúng đánh vào phía bắc cụm chốt. Ngay loạt đạn đầu, ta tiêu diệt nhiều tên địch bố trí ở ngoài bờ đất phía bắc. Các mũi của Đại đội 2 xung phong chiếm được một đoạn bờ đất phía bắc. Bị địch đánh bất ngờ, mất một số công sự nhưng lực lượng còn đông, tiểu đoàn địch tập trung hỏa lực cối và đại liên ngăn chặn đại đội, gây cho ta một sốthương vong. 6 giờ 14 phút, Đại đội 3 tổ chức 2 mũi cặp theo lộ đánh vào sườn Đông đội hình địch, diệt bộ phận cảnh giới trên lộ, bắn hỏng khẩu ĐKZ của địch. 6 giờ 17 phút, Đại đội 3 chiếm được một số bờ ủi phía Đông dùng hỏa lực B40, đại liên khống chế trận địa cối của địch. 6 giờ 25 phút chỉ huy trận lệnh cho lực lượng dự bị theo hướng tiến công của Đại đội 3 đánh vu hồi vào phía sau trận địa của địch. Cùng thời gian này, các mũi tiến công của Đại đội 2, Đại đội 3 đồng loạt xung phong đánh chiếm khu vực chỉ huy sở, địch bỏ chốt tháo chạy ra rừng. 6 giờ 47 phút, Tiểu đoàn 1 làm chủ mục tiêu. Ta diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, bắt 1 tên, thu 29 súng các loại. Ta hy sinh 4 đồng chí, bị thương 4 người.
Nhớ lại trận đánh oai hùng, ông Nguyễn Ngọc Dưỡng cho rằng: “Trận tập kích tại Đất Cuốc là trận đánh có thời gian chuẩn bị chiến đấu gấp, việc nghiên cứu nắm địch vẫn chưa chắc. Ta chủ động có kế hoạch tiến công địch, chỉ huy trận đánh có quyết tâm cao, chớp thời cơ địch chưa tổ chức phòng thủ chặt, tiến công bất ngờ giành thắng lợi. Quá trình tiến hành trận đánh, chỉ huy luôn nắm chắc đơn vị, nắm địch để bổ sung vào phương án chiến đấu, nhanh chóng làm chủ mục tiêu. Từ thắng lợi của trận tập kích Đất Cuốc, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Đồng Nai đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về tác chiến đánh địch đóng chốt dã ngoại. Triệt để vận dụng thủ đoạn đánh gần, đồng loạt nổ súng và xung phong thọc sâu chia cắt, kết hợp đánh vu hồi làm cho địch dồn vào thế bị động, không kịp tổ chức chống trả. Ta nhanh chóng chế áp chỉ huy và thông tin bằng hỏa lực làm cho địch không thể tổ chức hỏa lực phi pháo, chi viện, tạo điều kiện để các mũi tiến công của ta xung phong đánh chiếm làm chủ mục tiêu…”.
Cựu chiến binh Nguyễn Chiến Đấu, ấp 3, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, thương binh 2/4 kể: “Năm 1961, tôi tham gia kháng chiến trên chiến trường khu Đ. Khi ấy, chiến tranh bước vào thời kỳ ác liệt nhất, Mỹ - ngụy ráo riết dồn dân lập ấp chiến lược. Các xã Đất Cuốc, Thường Tân và cả Chiến khu Đ trở thành vùng trắng, nhà cửa, làng mạc hoang tàn, không một người dân sinh sống. Thông tin liên lạc giữa bà con nhân dân với cán bộ, đảng viên bị chia cắt. Dù địch hăm dọa chôn sống, giết cả họ hàng nhưng hàng trăm người mẹ, người vợ và những em nhỏ ở Chiến khu Đ vẫn âm thầm nuôi quân, ủng hộ cách mạng, tận tình che chở cán bộ, đảng viên, du kích bất chấp lưỡi lê họng súng của quân thù. Hàng trăm thanh niên ở các xã như Hiếu Liêm, Thường Tân, Đất Cuốc… ngày đêm bí mật vận chuyển hàng chục tấn lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Nhiều bà con thường xuyên mang lúa gạo, gà vịt, trâu bò đến tận cơ sở cách mạng.
Năm 1962, được sự tín nhiệm của tổ chức, tôi trở thành chính trị viên Đại đội C2-303, được lệnh đánh Mỹ ở cầu Rạch Rớ (Thường Tân). Cũng trong khoảng thời gian này, quân ta tiêu diệt thêm bốt Hiếu Liêm, tinh thần anh em được quán triệt, tất cả vì Tổ quốc thân yêu dù có chịu bao nhiêu gian khổ, hy sinh”.
Kỳ cuối: Tập kích đồn Cây Lôi
KIM HÀ