Kỳ 4: Rừng thiêng Ba Rọ - dấu ấn còn ghi
Sau hơn 50 năm, rừng thiêng Ba Rọ ở ấp Lò Gạch, xã Chánh Phú Hòa, nay thuộc ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng vẫn còn để minh chứng cho một thời hào hùng, thời kỳ chuyển tiếp của cách mạng miền Nam kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Phương châm hoạt động lúc này là “ba mũi giáp công” (quân sự, chính trị, binh vận) để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hữu (giữa) đang kể chuyện về những ngày tháng ở rừng Ba Rọ cách đây hơn 50 năm. Ảnh: Q.CHIẾN
Ý đồ của đế quốc Mỹ
Trở lại rừng Ba Rọ sau mấy mươi năm nhưng ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé cũ vẫn còn rất quen thuộc với nơi này. Cảnh cũ, người xưa tuy đã khác nhiều nhưng từng gốc cây, ngọn cỏ, con suối róc rách với ông như vẫn còn nguyên vẹn. Ông hình dung ra từng ngôi nhà nhỏ, xóm làng nơi ông đã gắn bó với mảnh đất này. Tự hào với những hồi ức của mình, ông Hữu nói: “Không có bản đồ ở đây, chứ có là tôi chỉ rành mạch từng vị trí cho các bạn coi. Rừng Ba Rọ với tôi có rất nhiều kỷ niệm”.
Thế rồi ông bắt đầu miên man trong dòng hồi tưởng trở về với quá khứ. Ông kể, để đối phó với phong trào Đồng Khởi của nhân dân và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các lực lượng vũ trang ta ở miền Nam, ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Kennedy đã quyết định chuyển hướng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ “chiến tranh một phía” sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Tháng 6-1961, kế hoạch Staley - Taylor, kế hoạch cơ bản đầu tiên của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm “bình định” miền Nam trong 18 tháng được Tổng thống Mỹ và Hội đồng an ninh Mỹ chính thức thông qua. Đây là kế hoạch kết hợp càn quét đi đôi với gom dân lập “ấp chiến lược”, thực hiện tiến công cách mạng cả về quân sự, chính trị, kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Hữu (trái) thăm lại rừng thiêng Ba Rọ. Ảnh: Q.CHIẾN
Để thực hiện chiến lược mới của Mỹ, ngày 13-4-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh giải tán các quân khu, chia lại lãnh thổ (Nam Việt Nam) thành các vùng chiến thuật. Trong đó vùng III chiến thuật bao gồm các tỉnh miền Đông Nam bộ. Riêng Sài Gòn - Gia Định được gọi là Biệt khu Thủ đô. Chúng kiện toàn lực lượng các tiểu khu quân sự (cấp tỉnh), chi khu (quận, huyện), củng cố mạng lưới tình báo, gián điệp, hệ thống tề, xã, ấp và chuyển bộ máy hành chính cấp tỉnh, quận, huyện thành chính quyền quân sự do những tên sĩ quan cấp tá trung thành làm Tỉnh trưởng.
Cùng với việc tổ chức lại chiến trường, củng cố bộ máy ngụy quyền, xây dựng, mở rộng các căn cứ, hậu cứ, địch tăng cường bắt lính, đôn quân, phát triển quân chủ lực, bảo an, dân vệ và thanh niên chiến đấu xã, ấp. Âm mưu của địch là đẩy nhanh đôn quân bắt lính, xây dựng lực lượng ngụy quân đủ sức giành lại thế chủ động trên chiến trường, giữ địa bàn chiến lược về quân sự, nhất là địa bàn vùng III chiến thuật, trong đó có tỉnh Thủ Dầu Một.
Nơi ấy rừng thiêng
Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, chiến lược mới của Mỹ - Diệm và trên cơ sở phân tích khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, ngày 31-1-1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã ra chỉ thị chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta cả hai mặt chính trị và quân sự, tập trung đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận dân tộc giải phóng, phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ trong quần chúng, tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch trên một phạm vi ngày càng rộng lớn, tiến lên làm chủ rừng núi, giành lại toàn bộ đồng bằng, ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, tạo mọi điều kiện và nắm mọi thời cơ để đánh đổ chính quyền Mỹ- Diệm, giải phóng miền Nam”.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lấn thứ III (tháng 9-1960) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ. Tháng 2-1961, Trung ương Cục tổ chức Hội nghị quân sự tại Chiến khu Đ (căn cứ đầu tiên của Trung ương Cục), bàn việc thống nhất các lực lượng vũ trang miền Nam. Ngày 15- 2-1961, Quân giải phóng miền Nam ra đời, các quân khu và ban quân sự các tỉnh, huyện cũng được thành lập.
Trên cơ sở đó, tháng 6-1961, Trung ương Cục quyết định chia tách tỉnh Thủ Biên tái lập 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và thành lập tỉnh Phước Thành, tương ứng với địa giới hành chính 3 tỉnh của địch. Theo đó, Đại đội 308, đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh Thủ Biên cũng được chia cho 3 tỉnh làm lực lượng nòng cốt xây dựng 3 đại đội của 3 tỉnh sau này.
Cuối tháng 6-1961, lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một từ Chiến khu Đ hành quân về căn cứ Bông Trang, xã Chánh Phú Hòa. Ban cán sự Đảng và các lực lượng tỉnh Phước Thành xây dựng căn cứ tại xã Mỹ Lộc. Lúc này, nghị quyết của 2 Tỉnh ủy đều chú trọng xây dựng cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang (LLVT).
Ông Hữu nhớ lại, sau khi tái lập, Tỉnh ủy cùng cơ quan ban ngành Thủ Dầu Một dời về rừng Ba Rọ trú ẩn. Vì ở đây vừa có rừng, vừa có suối và có dân. Đến cuối tháng 6-1961, Ban quân sự tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập. Ông Nguyễn Văn Hữu, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Phó ban, phụ trách dân quân. Và tại khu rừng linh thiêng này, ngày 1-7- 1961, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh với lực lượng khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ được thành lập. Đơn vị lấy phân hiệu là Đại đội 304.
Để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân huyện Lái Thiêu đang trên đà phát triển, sau 3 ngày thành lập, Đại đội 304 được lệnh hành quân xuống Lái Thiêu, phối hợp với lực lượng huyện tổ chức phục kích tại ngã ba ấp Bình Đức, xã Bình Hòa (trên đường đi thị trấn Lái Thiêu), đánh thiệt hại nặng trung đội dân vệ bót Bình Đức của địch đi mở đường, loại khỏi vòng chiến đấu 15 tên, thu hơn chục khẩu súng trường, 1 súng trung liên. Trận đầu ra quân đánh thắng, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 304 rất phấn khởi, tin tưởng vào cách đánh (phục kích vận động); tin tưởng vào sự trưởng thành của đơn vị, cũng như LLVT tỉnh nhà.
Trong giai đoạn này, hệ thống tổ chức cơ quan quân sự tỉnh, huyện cũng như các đơn vị trinh sát, thông tin liên lạc, hậu cần… được tổ chức, xây dựng và không ngừng phát triển bảo đảm cho chỉ đạo, chỉ huy và hoạt động tác chiến của LLVT tỉnh.
Và trong lúc này, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cơ quan quân sự, xây dựng LLVT, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các huyện, thị phải khẩn trương xây dựng củng cố căn cứ. Đến cuối năm 1961, tất cả các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện, xã đều tiến hành xây dựng căn cứ để bám trụ lâu dài. Tại huyện Bến Cát khi ấy, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng căn cứ chiến đấu tại ba xã Tây Nam bằng hệ thống địa đạo nằm sâu trong lòng đất, có nhiều trục dọc, ngang, ô, ụ chiến đấu khắp các thôn ấp với tổng chiều dài hàng chục km. Các hệ thống địa đạo như “làng” trong lòng đất. Và, nhiều nơi khác trong tỉnh cũng đã xây dựng địa đạo, công sự bảo đảm cho LLVT của tỉnh, huyện, du kích các xã xây dựng lực lượng, hoạt động tác chiến thúc đẩy phong trào cách mạng của địa phương phát triển.
Như vậy, khi Mỹ - Diệm bắt đầu chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặt biệt”, phong trào cách mạng của nhân dân 2 tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành tuy có nhiều khó khăn nhưng thực lực cách mạng đã đang trên đà phát triển rộng khắp. Các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã phát triển nhanh chóng, trở thành lực lượng nòng cốt, tiến công tiêu diệt địch và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, kiên quyết làm thất bại những âm mưu thủ đoạn mới của địch trên chiến trường.
Kỳ 5: Tự hào Đội biệt động TX.Thủ Dầu Một
THU THẢO