Kỳ cuối: Tập kích đồn Cây Lôi
Trong tiết trời se lạnh cuối năm, chúng tôi ngược đường về phường Hưng Định, TX.Thuận An để gặp ông Bùi Xuân Thuận (Năm Thuận), nguyên Thường vụ Phân khu ủy Phân khu 5, Chính ủy Ban Chỉ huy tiền phương giai đoạn 1973-1976. Năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được ý chí, tinh thần chống ngoại xâm của ông qua lời kể chuyện vô cùng khúc chiết. Cuốn hút vào câu chuyện của ông, chúng tôi được nghe tường tận lại diễn biến trận đánh đồn Cây Lôi (ngày 17-5-1974). Với khí thế quật khởi, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ trung đội dân vệ của địch.
Ông Bùi Xuân Thuận (Năm Thuận), nguyên Thường vụ Phân khu ủy Phân khu 5, Chính ủy Ban Chỉ huy tiền phương giai đoạn 1973-1976 hồi tưởng lại những ngày tháng kháng chiến. Ảnh: K.HÀ
Đôi mắt nhìn xa xăm, ông Năm Thuận chậm rãi kể lại: Trận đánh đồn Cây Lôi ở Mỹ Phước, Bến Cát của Đại đội 61, bộ đội địa phương huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một nhằm tiêu diệt sinh lực địch, thu hồi vùng giải phóng và rút kinh nghiệm trong chiến thuật tiến công đồn để Huyện ủy kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong chiến đấu. Trải tấm bản đồ trên bàn, ông Năm Thuận chỉ cho chúng tôi vị trí đồn Cây Lôi của địch. Đồn nằm sâu trong vùng giải phóng của ta, phía tây đồn cách 1,6km là quốc lộ 13, phía bắc là hương lộ 7. Hướng tây và tây bắc có đồng ruộng hoa màu. Hướng nam, đông và đông bắc là rừng chồi thưa. Đồn Cây Lôi có cấu trúc hình tam giác, mỗi cạnh có chiều dài 40 - 50m. Ba góc có 3 lô cốt cao 1,5m, xây nửa nổi nửa chìm, có lỗ châu mai. Trong lô cốt có hàng rào đi ra các nhà ở, nhà ngủ, hầm chiến đấu. Nửa tường phía nam và phía tây nam có làm lỗ châu mai. Chính giữa đồn có hầm chỉ huy, cao 2m, nóc hầm chất bao cát dày. Trong khi đó, hướng nam địch bố trí 7 lớp rào (mái nhà, bùng nhùng, rào đơn…), mỗi lớp cách nhau từ 7 - 10m. Hàng rào trong cùng cách tường khoảng 12m. Trên cả 3 hướng, địch bố trí mìn râu, lựu đạn gài xen kẽ giữa các lớp rào. Hướng tây bắc và đông bắc bố trí nhiều bãi mìn chết. Sát tường về phía ngoài có mương ruộng rộng 2,5m, tường cao 1,2m, mặt rộng 1m, chân tường rộng 1,5m. Theo trinh sát báo về, lực lượng địch trong đồn gồm 1 trung đội dân vệ, quân số 13 tên được trang bị 1 đại liên, 1 M79, 1 súng ngắn, 11 AR15, 1 máy PRC25, mìn... Địch chỉ bố trí lực lượng đóng giữ đồn ở phía tây nam, phần còn lại bỏ trống.
Sơ đồ trận đánh đồn Cây Lôi
Nói về Đại đội 61 bộ đội địa phương huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một năm xưa, ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé cũ nhớ lại: “Ngày ấy, Đại đội 61 là đơn vị có kinh nghiệm đánh công đồn, từng được tuyên dương là “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Tôi còn nhớ khi được lệnh đánh đồn, toàn đại đội đã tổ chức học 2 đêm về kỹ thuật tiền nhập đặc công. Trong đêm 12-5- 1974, đại đội đã diệt gọn 1 trung đội dân vệ ở ấp Thới Hòa với lực lượng tham gia trận đánh là 16 đồng chí”.
Sau khi tổ chức trinh sát vị trí đồn địch, Ban chỉ huy trận đánh đã lên phương án chiến đấu, đánh bằng một mũi từ hướng nam lên, tổ chức thành hai bộ phận: Bộ phận xung lực gồm 6 đồng chí, chia thành 2 tổ xung kích 1 và 2; bộ phận hỏa lực có7 đồng chí, chia thành 3 tổ. Trang bị vũ khí gồm 2B40, 2B41, 5AK, 2 M79, 5 thủ pháo dù, 40 quả pháo thủ pháo hơi, 1 kéo cắt rào. Chiều ngày 16-5-1974, đại đội tổ chức hành quân; 17 giờ đến vị trí tạm dừng, bổ sung nhiệm vụ và làm công tác chuẩn bị lần cuối. 18 giờ 13 phút, quân ta bí mật tới hàng rào thứ nhất. 20 giờ, ta bắt đầu cắt rào, đến 23 giờ 30 phút cắt rào xong. Đến 0 giờ 40 phút ngày 17-5, các tổ đã vượt qua hàng rào, vào triển khai vị trí sẵn sàng nổ súng. Đúng 0 giờ 45 phút, chỉ huy trận đánh ra lệnh nổ súng. Hỏa lực B40, B41 bắn diệt các lô cốt theo kế hoạch. Địch phản ứng, bắn M79, đại liên và ném lựu đạn… nhằm ngăn cản mũi tiến công của ta. Tổ xung kích 1 và xung kích 2 sau khi dùng hỏa lực bắn diệt mục tiêu, chiếm lô cốt đầu cầu và phát triển đánh hai bên tường đến nhà cuối cùng (xung kích 1); đánh chiếm nhà cột cờ (xung kích 2) đã ra ám hiệu báo với chỉ huy đánh chiếm mục tiêu xong. Các tổ hỏa lực kịp thời chi viện cho các tổ xung kích đánh chiếm tiêu diệt hỏa điểm của địch. Sau 7 phút chiến đấu, ta đã làm chủ toàn bộ đồn Cây Lôi. Sau đó ta tổ chức rút lui về căn cứ an toàn.
Trong trận này, ta đã diệt 8 tên, bắn bị thương 1 tên, bắt 3 tên, trong đó có tên đồn trưởng; diệt gọn trung đội dân vệ; phá hủy toàn bộ công sự, nhà cửa trong đồn; thu 19 súng (1 đại liên, 1 M79, 1 súng ngắn), 10 AR15, 1 máy PRC25; phía ta bị thương 3 người. Nói về trận đánh, ông Năm Thuận cho rằng: “Đây là một trận đánh xuất sắc của Đại đội 61 bộ đội địa phương huyện Bến Cát, tiêu diệt trung đội dân vệ của địch bằng hình thức tập kích. Điểm nổi bật của trận đánh là công tác tổ chức chuẩn bị tốt, bộ đội được huấn luyện kỹ thuật tiền nhập đặc công, tổ chức lực lượng hợp lý, giữ được yếu tố bí mật, đánh nhanh tiêu diệt gọn quân địch. Sau trận đánh đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì. Tinh thần anh em phấn khởi, nhân dân trong vùng tin yêu, tích cực tiếp tế đạn dược, lương thực, nhu yếu phẩm cho bộ đội đánh giặc”.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Năm Thuận nhớ nhất là trận đánh trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân (ngày 31- 1-1968). Tiếp đó là trận đánh giành thắng lợi đầu tiên vào ngày mùng 3 tết của Đại đội C63 phục kích tại suối Đờn, ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm (nay là phường Bình Nhâm, TX.Thuận An) chặn đánh một tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 5 của ngụy. Dựa vào địa hình suối Đờn hiểm trở, quân ta đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, làm chủ trận địa suốt 1 ngày, diệt và làm bị thương hàng chục tên. Sau đó, bộ đội ta rút về căn cứ Thuận An Hòa, bảo vệ hành lang phía sau. Sau đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch, tháng 6-1968, địch đổ 2 tiểu đoàn Mỹ xuống ngã tư Hòa Lân và ngã tư Bình Chuẩn, hình thành 2 gọng kìm đánh vào căn cứ ta ở ấp Bình Thuận, xã Thuận Giao (nay là phường Thuận Giao, TX.Thuận An). Cuộc chiến diễn ra ác liệt, địch dựa vào phi pháo và hỏa lực xe tăng mở hàng chục đợt tiến công. Bộ đội ta bám chắc công sự đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Đội du kích Thuận Giao phục kích đánh 1 trái ĐH10, một trái đầu Pal 105 ly, loại khỏi vòng chiến hàng chục tên Mỹ. Bộ đội ta thương vong nhiều vì hỏa lực phi pháo của địch nhưng những hy sinh ấy góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
KIM HÀ